Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/12/2019 đã chính thức thông qua dự luật về giao thông đường bộ sửa đổi. Bộ luật này có tên là Luật Minsik (민식이법), lấy tên của một em nhỏ thiệt mạng do xe ôtô đâm.

Ở Hàn Quốc, những khu vực chung cư, trường học đều có biển báo (School Zone) – tức khu vực bảo vệ trẻ em (어린이 보호구역). Khi đi qua khu vực này, các phương tiện giao thông phải giảm tốc độ xuống dưới 30km/h nhưng rất ít người chấp hành quy định này.

Vào ngày 11/9/2019, bé trai 9 tuổi Minsik bị thiệt mạng do xe ôtô đâm tại khu vực gần trường học thuộc thành phố Asan, tỉnh Chungnam.

Sau tai nạn của bé Minsik, bố mẹ em (đều là nhân viên) đã xin nghỉ việc để ngày ngày có mặt tại phòng Tiếp dân của Quốc hội. Họ đưa đơn khiếu nại không phải để xin xử phạt người đã đâm chết con mình mà yêu cầu Quốc hội phải sửa đổi Luật giao thông đường bộ, tăng cường xử phạt những người gây tai nạn giao thông tại khu vực gần trường học (School Zone), còn gọi là khu vực bảo vệ trẻ em.

Đơn kiến nghị online trên trang web của Phủ tổng thống của bố mẹ Minsik đã được hơn 200.000 người dân ủng hộ. Họ cũng xuất hiện trong buổi truyền hình trực tiếp Chương trình đặc biệt đối thoại giữa Tổng thống Moon Jae In và người dân vào ngày 19/11/2019.

XEM THÊM: Kim Young Ran & Luật chống tham nhũng ở Hàn Quốc

Trong buổi nói chuyện này, bố mẹ Minsik cầm di ảnh của đứa con trai 9 tuổi, trong sáng, khôi ngô, họ phát biểu trong nghẹn ngào: Giờ có muốn thì chúng tôi cũng không thể gọi tên con mình được nữa, nhưng chúng tôi mong xã hội này sẽ thay đổi để những đứa trẻ khác được lớn lên trong an toàn.

Sự vận động tích cực của bố mẹ Minsik đã khiến người dân Hàn Quốc ngày càng quan tâm tới vấn đề an toàn giao thông cho trẻ em hơn. Tuy nhiên, xung quanh đạo luật này cũng có những ý kiến phản đối.

Người ta cho rằng, bản chất vụ tai nạn của bé trai Minsik không phải là vi phạm tốc độ khu vực Shool Zone. Người lái xe khi đó đã duy trì tốc độ 26km/h nhưng do các xe đỗ tuỳ tiện hai bên cạnh đường đã che mất tầm quan sát, và em bé chạy vụt ra khiến họ không thể xử lý kịp.

Việc lợi dụng vụ tai nạn này để sửa đổi luật “vô tội vạ” sẽ ảnh hưởng lớn tới ngân sách của chính phủ cũng như không đảm bảo được hiệu quả thực hiện về sau.

Tuy nhiên, bố mẹ Minsik đã không hề chùn bước, họ tổ chức họp báo ngay tại Quốc hội và yêu cầu các Nghị sĩ phải nhận ra tính cấp thiết của dự luật về giao thông đường bộ sửa đổi.

Cuối cùng, vào sáng ngày 10/12/2019, khi chủ tịch Quốc hội tuyên bố thông qua dự luật này, họ đã không cầm được nước mắt.

Bố mẹ Minsik đã mất con, nhưng họ đấu tranh cho sự an toàn của tất cả trẻ em trên toàn Hàn Quốc. Khi dự luật này được thông qua, chính phủ sẽ phải phân bổ thêm ngân sách để tăng cường an toàn tại các khu vực gần trường học.

Ngân sách này sẽ được dùng để lắp đặt thêm 8.800 camera và hơn 11.000 đèn báo hiệu ở các khu vực bảo hộ trẻ em trong ba năm tới. Chính phủ Hàn Quốc cũng nâng 50% số lượng biển báo an toàn hay gờ giảm tốc tại các tuyến đường gần khu vực trường học.

Ngoài ra, nếu không chấp hành quy định về an toàn giao thông khu vực Shool Zone và gây tai nạn thì người gây tai nạn có thể bị án phạt cao nhất là tù chung thân.

Chính những người bố, người mẹ dũng cảm như bố mẹ Minsik đã làm nên một đất nước Hàn Quốc dân chủ, văn minh và an toàn.

Sức mạnh của tiếng nói người dân Hàn Quốc không chỉ thể hiện qua luật Minsik. Trước đây, Hàn Quốc cũng từng có nhiều vụ việc trẻ tử vong hoặc bị thương tổn do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường.

Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các trường mầm non, nhà trẻ phải lắp đặt hệ thống sleeping child check (kiểm tra trẻ ngủ quên) trên xe bus đưa đón. Hiện nay, thiết bị này đã được lắp đặt trên tất cả các xe bus đưa đón của trường học.

Ngoài ra, nhà nước còn tăng mức độ phạt với những người phụ trách xe bus đưa đón học sinh. Ai không chấp hành quy định có thể bị phạt tới 130.000 KRW và bị trừ 20 điểm phạt (penalty point). Theo quy định, nếu tài xế bị trừ quá 40 điểm do vi phạm luật giao thông thì có thể bị treo bằng lái xe.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).