Chuỗi cửa hàng thời trang nội địa Hàn Quốc M. Playground mới đây vừa gặp phải “đại hạn” cuối năm khi bị khách hàng tố nhập hàng của UNIQLO, đính chồng nhãn khác lên rồi tuồn ra cửa hàng bán rẻ cho khách.

Sự việc đặc biệt gây xôn xao vì Hàn Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát động làn sóng tẩy chay hàng hoá Nhật Bản.

Ngày 20/11/2019, A – chủ tài khoản youtube “Clean Avengers” đã cho đăng tải một video lên kênh cá nhân với tựa đề “죄송합니다. 유니클로 불매운동 실패했습니다.” (Tạm dịch: Xin lỗi, tôi đã thất bại trong việc tẩy chay sản phẩm của UNIQLO).

Nội dung đoạn video dài gần 15 phút đã ghi lại toàn bộ cuộc đối chất qua điện thoại giữa youtuber A với các quản lý cửa hàng có thẩm quyền thuộc hệ thống M. Playground, về việc nhãn hiệu thời trang nội địa này đã nhập và bán cho khách sản phẩm thời trang có xuất xứ không minh bạch.

Trong đoạn video, A liên tục nhấn mạnh, “Tôi đã phát hiện nhãn UNIQLO trên chiếc áo vừa mua ở chi nhánh Starfield Goyang của M. Playground nhờ việc cạy lớp nhãn MADE IN VIETNAM phía trên”.

A cho biết đây hoàn toàn là phát hiện ngẫu nhiên, vì lớp nhãn khiến anh cảm thấy không thoải mái khi mặc nên mới tìm cách cạy ra.

Được biết, A chủ trương tẩy chay sản phẩm của UNIQLO nên mới chuyển sang mua hàng nội địa. Thế nhưng việc mua phải một chiếc áo có đính nhãn của thương hiệu mà bản thân đang quyết liệt tẩy chay khiến A cảm thấy ở lập trường là khách hàng, anh đã bị chuỗi cửa hàng thời trang mình tin tưởng mua sắm phản bội.

Khi video này được lan truyền, nhiều cư dân mạng Hàn Quốc sau khi xem đã đăng đàn khiếu nại lên mục thắc mắc về sản phẩm trên trang chủ của M. Playground đòi một lời giải thích rõ ràng.

Người tiêu dùng Hàn Quốc phẫn nộ để lại bình luận

“Tôi muốn được nghe sự thật”

“Tôi đã tin tưởng vì nghe nói họ tự khẳng định mình là một thương hiệu nội địa. Thật thất vọng.”

“Có thật là cửa hàng đã bán sản phẩm của UNIQLO không?”

Khi tình hình trở nên căng thẳng, M. Playground đã chính thức đăng lời giải thích và xin lỗi thông qua bảng tin thông báo trên trang chủ.

Theo đó, thông qua sự giới thiệu từ phía xưởng may mặc ở Việt Nam, công ty đã nhập khẩu lô hàng số lượng lớn gồm 30.000 chiếc áo thun từ Việt Nam vào tháng 10 để phân phối ở thị trường Hàn Quốc.

Phía M. Playground khẳng định đã kiểm tra hàng mẫu và biết việc thành phẩm được đính nhãn “MADE IN VIETNAM”. Sau khi trong quá trình kiểm hàng không phát sinh vấn đề, công ty đã tiến hành nhập hàng. M. Playground cho biết chỉ phát hiện vấn đề nghiêm trọng này sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của khách hàng.

Nhãn hiệu nội địa Hàn Quốc này giải thích thêm, “Chúng tôi đã được giao lô áo mà không biết là nhãn “MADE IN VIETNAM” đã được đính chồng lên nhãn ban đầu in trên áo. Trao đổi với xưởng may mặc ở Việt Nam, chúng tôi được biết phía UNIQLO vì lý do nào đó sau khi đặt đơn sản xuất đã quyết định không nhập lô hàng này. Phía xưởng may xác nhận rằng sau khi chúng tôi nhận nhập lô hàng, xưởng may đã cho đính nhãn “MADE IN VIETNAM” đè lên nhãn cũ, đồng thời cắt bỏ phần nhãn mác biểu thị các ký hiệu giặt đính trên áo.”

M. Playground bày tỏ sự hối lỗi và cho biết “Đây là sự cố mà chúng tôi không hề lường trước, cũng không dám nghĩ đến. Thật kinh khủng khi nghĩ về việc khách hàng đã thất vọng về chúng tôi thế nào. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã sơ suất trong khâu kiểm tra hàng. M. Playground chân thành gửi lời xin lỗi vì đã làm tổn thương khách hàng – những người đã tin tưởng mua sắm khi biết chúng tôi là thương hiệu nội địa Hàn Quốc.”

Bên cạnh đó M. Playground thể hiện mong mỏi người tiêu dùng hãy xoá bỏ sự hiểu lầm cho rằng nhãn hiệu này có liên quan đến UNIQLO hay liên đới trong sự cố thay chồng nhãn mác vừa qua.

Theo đó, lô áo thun đang được bày bán nói trên đã được M. Playground cho thu hồi toàn bộ. Công ty đang thảo luận về việc huỷ 20.000 chiếc áo trong lô hàng dính bê bối, mặt khác lại thừa nhận rằng việc thu hồi 10.000 chiếc áo đã được bán trong dịp khuyến mãi là rất khó khăn.

Công ty đề nghị phương án bồi thường đến khách hàng như sau, “Khách hàng đã mua áo có nhu cần đổi trả sẽ được hoàn tiền khi mang sản phẩm đến cửa hàng. Ngoài ra, để bày tỏ sự hối lỗi chân thành, M. Playground sẽ tặng cho khách hàng mang áo đến đổi ba loại áo thun sweat shirt được sản xuất trong nước (Hàn Quốc).”

Mặt khác, M. Playground khẳng định sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán 10.000 chiếc áo này để quyên góp từ thiện.

Tuy nhiên, phương án giải quyết của M. Playground vấp phải cơn mưa chỉ trích từ người tiên dùng Hàn Quốc. Nhiều người để lại bình luận với nội dung “Sao có thể làm từ thiện từ lợi nhuận thu được từ việc mua bán sản phẩm của Nhật Bản?”

Do lập luận thiếu logic trong cách phản hồi ý kiến của khách hàng, khả năng xử lý khủng hoảng truyền thông còn yếu kém cũng như chậm trễ trong việc chủ động đưa ra phương án giải quyết thoả đáng, lại gặp đúng thời điểm nhạy cảm của quan hệ Hàn – Nhật, chuỗi cửa hàng thời trang M. Playground hiện đang rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi bất kỳ động thái đính chính, thanh minh nào được đưa ra đều hứng phải gạch đá.

Được biết, M. Playground là chuỗi cửa hàng thời trang ra đời vào năm 2015 và đến nay đã có khoảng 10 cửa hàng chi nhánh ở khắp Hàn Quốc. Từ khi có mặt trên thị trường, M. Playground đã ra sức tiếp thị, nhấn mạnh xây dựng hình ảnh “thương hiệu nội địa Hàn Quốc” nhằm mục đích chiếm được tình cảm và sự tin tưởng mua sắm từ người tiêu dùng trong nước.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Dispatch

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).