Chương trình 다문화 고부열전 (Cuộc chiến Mẹ chồng Nàng dâu Đa văn hoá) trên kênh EBS rất được nhiều người Hàn Quốc theo dõi, đặc biệt là những gia đình có cô dâu ngoại quốc.

Chương trình này sẽ quay cảnh sinh hoạt của một gia đình đa văn hoá, tập trung vào những mâu thuẫn còn tồn đọng giữa mẹ chồng Hàn Quốc và con dâu người nước ngoài.

Để giải quyết mâu thuẫn này, thông thường gia đình đa văn hoá sẽ được tài trợ một chuyến du lịch về thăm gia đình cô dâu để mẹ chồng hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, tính cách, suy nghĩ của con dâu.

Mỗi tập của chương trình đều bắt đầu bằng chiến tranh, nhưng sẽ kết thúc trong hoà bình với hình ảnh con dâu và mẹ chồng bên nhau vui vẻ. Nhưng trên nhiều diễn đàn đa văn hoá, các cô dâu còn khuyên nhau: Nếu như được mời cũng đừng tham gia chương trình này để làm xấu hình ảnh của cô dâu ngoại quốc.

Vào năm 2019, Hội trưởng Hiệp hội Khán giả đài EBS, ông Lee Joon Woong đã từng chỉ trích chương trình có cái nhìn phiến diện về cô dâu ngoại quốc.

Cụ thể, chương trình này đã không xem xét cảm xúc của những cô dâu ngoại quốc, mà chỉ tập trung vào cuộc xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Để tăng phần kịch tính, ban biên tập chương trình hay đặt những tiêu đề mang tính tiêu cực như

– “Mẹ chồng lạnh lùng với con dâu”
– “Người con trai mệt mỏi do mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu”
– “Cô con dâu đáng nghi của tôi”

Ngay cả giọng điệu của người dẫn chương trình – là một phụ nữ trung tuổi cũng tường thuật câu chuyện theo cái nhìn của người mẹ chồng chứ không phải là con dâu.

Có những tập, mẹ chồng tự ý đến nhà, vào phòng ngủ của con dâu và nói giọng khó chịu như: “Sáng bảnh mắt thế này mà không chịu dậy à?”, hay “Sao nhà cửa bừa bộn mà không dọn?”, “Sao không chuẩn bị cơm cho chồng ăn sáng?”

Các chuyên gia cho rằng, thời đại bây giờ đã được thay đổi, nữ giới cũng đã được xã hội tôn trọng. Nhưng chương trình luôn có xu hướng giải quyết sự mâu thuẫn bằng những quan điểm cổ hủ.

Ví dụ trong một tập của 다문화 고부열전, người mẹ chồng không hài lòng vì con dâu từ sáng đã nướng thịt ăn. Trong khi cô dâu Việt Nam này giải thích rằng, vì cô làm nông vất vả, phải ăn như vậy mới có sức làm việc cả ngày.

Đa phần các bà mẹ chồng Hàn Quốc, đặc biệt là ở nông thôn thường vô cùng tiết kiệm, thương con trai và luôn có xu hướng muốn được ở cùng con trai khi tuổi già.

Có những khi vì thấy con trai quá “yêu chiều” nàng dâu nước ngoài nên mẹ chồng tỏ ra khó chịu, cho rằng con dâu “lấn lướt”, bắt nạt nhà chồng.

Vì có xu hướng “bới móc” tật xấu của nàng dâu, hay nhấn mạnh vào xung đột nàng dâu – mẹ chồng nên vô hình chung, chương trình này đã làm xấu thuật ngữ “đa văn hóa”.

Trong xã hội Hàn Quốc, thuật ngữ “đa văn hóa” so với nghĩa gốc là có nhiều nền văn hóa đa dạng, nhưng khi nhắc đến từ này, người Hàn Quốc lại hay liên tưởng tới người ở những quốc gia kém phát triển.

Một cô dâu bày tỏ nguyện vọng muốn được đi làm để gửi tiền về, giúp gia đình ở Việt Nam xây nhà, nhưng mẹ chồng cô lại không đồng ý.

Các nhà phân tích xã hội cho rằng: Nếu như không khắc phục được những vấn đề còn hạn chế trong xã hội “đa văn hoá” thì nên dừng chương trình này lại.

Hoặc họ cũng có thể cho người xem thấy những bản sắc riêng, quan điểm và chính kiến hay những khó khăn của các cô dâu ngoại quốc khi làm dâu, làm mẹ nơi xứ người.

Bản thân những clip đăng trên kênh youtube đã phải khoá kênh bình luận, vì nhiều khi người xem quá bức xúc và đưa ra những lời dễ tổn thương cho nàng dâu hoặc mẹ chồng.

Có thể tìm thấy những dòng bất mãn của người xem trên website của chương trình. Người xem đưa ra ý kiến như: “Yêu cầu cải thiện chương trình”, “Đừng xem nàng dâu như người phục tùng” như vậy.

Cũng có những dòng bình luận chỉ trích chương trình, nhưng cũng có những dòng bình luận lại chỉ trích những nàng dâu. Những lời bình luận này như là một chứng cứ cho thấy chương trình đã không thực hiện được đúng với tiêu chí giải quyết điểm mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu như ban đầu.

Đội ngũ sản xuất EBS đã nhận biết được vấn đề này. Người đứng đầu Bộ phận Hợp tác và Sản xuất nội dung cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng thời gian sản xuất từ ​​ba đến bốn tuần lên năm đến sáu tuần để phản ánh thêm mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình”.

Giám đốc sản xuất chương trình Jang Hae Rang thừa nhận: “Tôi cũng thừa nhận đã có thiếu sót trong những vấn đề về phân biệt đối xử và định kiến.”

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Hồng Yến

Biết đến Hàn Quốc qua những bản nhạc K-Pop. Đặt chân tới Hàn Quốc do niềm yêu thích và cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực nơi đây. Hiện đang có sự quan tâm đến xã hội cũng như lịch sử Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).