Trong tiếng chũm chọe và nhịp trống dồn dập, một người phụ nữ với trang phục sặc sỡ nhảy múa và cất tiếng ca nhằm kết nối với thế giới tâm linh. Đột nhiên, bà rơi vào trạng thái xuất thần đồng thời phát ra những ngôn từ lạ lẫm không phải bằng chất giọng của chính mình.

Đây hẳn là một nghi thức kỳ quái và có phần “đáng sợ” trong con mắt nhiều người nước ngoài tới từ phương Tây nhưng với một bộ phận các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Mongolia… một buổi “lên đồng” thế này dù không phải là hoạt động phổ biến trong đời sống hàng ngày nhưng cũng không quá xa lạ.

Shaman giáo là một kiểu tôn giáo cổ với sự xuất hiện của các thầy tế, bà đồng trong xã hội, đóng vai trò trung gian nhằm kết nối với thế giới tâm linh và truyền đạt nguyện cầu của người đang sống. Các cuộc tiếp xúc thường được biểu hiện qua nhiều hình thái diễn xướng đa dạng như múa hát, thơ ca… hay tạo hình trong các nghi lễ đặc thù.

Shaman giáo ở Hàn Quốc còn có tên là Mu giáo (무교) trong đó từ “mu” được cho là có cùng nguồn gốc với từ “vu” trong “vu thuật” của Trung Quốc. Thầy tế/bà đồng mu giáo – tức các shaman – được gọi chung là musok-in (người mu tộc), hoặc gọi là mudang (무당) nếu là phụ nữ, baksu/baksara (박수/박사라) nếu là nam giới. Ngày này mudang được dùng để chỉ chung các shaman, không phân biệt giới tính.

Những người trở thành mudang “được thần linh chọn lựa” qua một quá trình tâm linh gọi là “thần bệnh” (신병), một dạng xuất thần nhập hóa trong đó linh hồn bị chiếm giữ và đánh mất bản thân. Người bị thần nhập sẽ phải trải qua nhiều đau đớn về thể chất đồng thời xuất hiện tình trạng ảo giác. Những triệu chứng này chỉ kết thúc khi họ hoàn toàn tiếp nhận linh hồn nhập thể và trở thành một shaman chính thức.

Tiếp nhận năng lực phi thường để trở thành một mudang là một sự ban phước nhưng đồng thời cũng có thể là một lời nguyền rủa.

Mu giáo vốn có lịch sử kéo dài tới 40 ngàn năm với nguồn gốc từ Siberia và đã tồn tại trên bán đảo Triều Tiên thậm chí còn lâu hơn chính bản thân khái niệm “đất nước” này. Cũng như nhiều hình thức shaman giáo khác ở nhiều nước, trọng tâm của mu giáo là niềm tin vào thế giới tự nhiên.

Với người mu tộc, không chỉ con người mà bất kỳ một loài vật, một cái cây hay dù một hòn đá ven đường đều có linh hồn. Musok đơn thuần là phương thức để kết nối với những linh hồn đó và mượn trợ lực của những linh hồn này cho những nguyện cầu nhất định.

Ngoài ra, mu giáo tôn thờ tổ tiên, tin vào nhân quả luân hồi và khao khát sự hòa hợp, lòng trắc ẩn với cuộc sống, con người.

Trong lịch sử Hàn Quốc, mu giáo phát triển mạnh mẽ nhất vào thời Silla và Goryeo, đồng thời bị chèn ép và coi nhẹ nhất trong giai đoạn Joseon khi tư tưởng Khổng giáo vốn trọng nam khinh nữ trở thành xương sống xây dựng hệ thống xã hội.

Trong giai đoạn này, musok được coi là mang đậm tính nữ và các bà đồng mudang được xếp vào hàng cheonmin (tiện dân) – tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội cùng với kẻ ăn xin và kỹ nữ (gisaeng). Cũng từ giai đoạn này, musok bị bác bỏ bởi các học giả Nho giáo và đánh mất tính hệ thống của một tôn giáo. Các mudang cũng chỉ được coi như những người cung cấp dịch vụ, chủ yếu là tiên đoán tương lai, đuổi tà, vẽ bùa, cầu siêu..

Dù vậy, vẫn luôn có những người tìm đến mudang, từ thường dân cho đến bậc cao quý, để có được lời khuyên hữu ích và tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Hoàng hậu Minh Thành (Empress Myeongseong/ Queen Min) – vợ vua Gojong đồng thời là vương phi cuối cùng của triều đại Joseon – cũng luôn có bên mình hai mudang làm trợ tá.

Nghi thức tế lễ truyền thống mà một mudang tiến hành được gọi là gut (굿), thường kéo dài cả ngày hoặc thậm chí nhiều ngày, nhằm xoa dịu quỷ thần, cầu siêu thoát cho linh hồn người mới khuất hoặc gửi lời thỉnh cầu lên các thần linh về một mùa màng bội thu hay thành công trong công việc. Trong nghi lễ này, các mudang cũng có thể tiếp nhận “thần mệnh” (신명) và làm cầu nối truyền lại cho người đang sống.

Ở Hàn Quốc hiện đại, hiếm người thực sự coi mình là tín đồ của mu giáo. Tuy nhiên, mặc cho sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bành trướng của Thiên Chúa giáo, mu giáo vẫn luôn tồn tại và thậm chí có phần nở rộ hơn trước. Trên thực tế, thủ đô Seoul là nơi có mật độ tập trung mudang lớn nhất trên cả nước.

Năm 2007, tờ New York Times ước tính có khoảng 300 ngàn mudang đang hoạt động và rất nhiều người Hàn có xu hướng tìm đến họ để xin lời khuyên trước những quyết định lớn trong đời hay hóa giải tai ương khi gặp khó khăn hoặc đau ốm nặng.

Một mudang thường tiến hành buổi lễ tế tại nhà hoặc tại nơi làm việc của khách hàng. Một doanh nhân trước khi khai trương doanh nghiệp có thể mời mudang tới để làm lễ cầu may mắn. Trong đó, tiền sẽ được nhét vào các chân giò của một con lợn đã làm thịt (lợn là biểu tượng của tiền bạc và may mắn) và cá khô cũng là một phần không thể thiếu.

Dịch vụ phổ biến nhất của các mudang là jeomsul (점술), một dạng tư vấn trực tiếp 1-1 với khách hàng. Người tìm đến mudang sẽ trả tiền để được tư vấn cho những câu hỏi trọng yếu trong đời như “Khi nào tôi sẽ lấy chồng?”, “Tôi nên bắt đầu kinh doanh vào lúc nào?” hay để đảm bảo mọi sự như ý trước khi mua xe mới, chuyển nhà.

Nếu cần thiết, một buổi lễ cầu siêu gut sẽ được đặt lịch sau đó. Tuy nhiên, gut chỉ dành cho những người giàu có bởi một buổi làm lễ như vậy có thể tốn kém tới 8 triệu KRW (150 triệu VND) hoặc hơn thế.

Rất nhiều người Hàn thuộc giới thượng lưu sử dụng dịch vụ của các mudang, tương tự như Hoàng hậu Minh Thành ở cuối thế kỷ 19. Nhiều tin tức cho biết thành viên của một số gia đình chaebol từng trả tiền cho các mudang có tiếng để tiến hành lễ cầu nguyện thành công trong kinh doanh hoặc giải quyết vấn đề cá nhân. Ngay cả các chính trị gia cũng tìm đến mudang để mong được đắc cử.

Về cuộc sống cá nhân, mudang có thể được tôn kính và tìm đến bởi năng lực phi thường của mình, nhưng cũng chính vì năng lực này, nhiều người phải chấp nhận sống một cuộc cô đơn, quạnh quẽ. Theo chia sẻ của một mudang, người bình thường thấy họ đáng sợ nhưng cũng có thể coi thường và khinh rẻ, cho họ là những linh hồn bị chiếm giữ, thậm chí là bẩn thỉu.

Dù vậy, từ quan điểm học thuật, shaman giáo vượt qua cái gọi là tín ngưỡng thông thường và trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian Hàn Quốc, do đó cần được vinh danh và thậm chí bảo vệ.

Một số mudang được coi như bảo vật sống về văn hóa, bởi họ là những người góp phần duy trì mạch nghệ thuật truyền thống tiêu biểu kéo dài hàng nghìn năm và lưu truyền những điệu nhảy, khúc ca đã tồn tại nhiều trăm năm về trước.

XEM THÊM: 18 điều cho thấy người Hàn Quốc vô cùng mê tín dị đoan

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).