Ngày cha mẹ (어버이날), 8 tháng 5 hàng năm là ngày để con cái thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ. Trong cụm từ 어버이날 thì “어” có nghĩa là “어머니”- mẹ, “버” là viết tắt của “아버지”, tức ngày này không chỉ là ngày của mẹ mà còn là ngày của cha, mở rộng hơn là ngày dành sự quan tâm, chăm sóc cho những người cao tuổi, người có công với đất nước.

Thực ra Ngày cha mẹ vốn dĩ không xuất phát từ Hàn Quốc, nhưng vẫn được công nhận là ngày kỷ niệm ở Hàn Quốc.

Nguồn gốc của ngày cha mẹ

Chuyện kể rằng từ khoảng hơn một trăm năm trước ở một vùng nọ của nước Mỹ, có một cô gái sống cùng với mẹ. Ngày ngày hai mẹ con cơm cháo có nhau, yêu thương nhau hết mức và cô gái nghĩ rằng sẽ mãi sống hạnh phúc như thế, chẳng bao giờ rời xa mẹ. Nhưng thật không may, một hôm, cô gái đã mất đi người mẹ của mình.

Đau buồn và tiếc thương vô hạn, cô tiến hành tang lễ cho mẹ một cách trang nghiêm rồi trồng quanh mộ mẹ mình loài hoa cẩm chướng mà bà từng yêu thích. Những năm tháng sau đó sống một mình không có mẹ, cô luôn cảm thấy day dứt ân hận vì đã không chăm sóc mẹ tốt hơn khi mẹ cô còn sống.

Với tấm lòng hiếu thảo đó, cô gái thường cài trên ngực áo của mình loài hoa cẩm chướng màu trắng để tỏ lòng nhớ thương mẹ. Thực sự là tình mẫu tử, phụ tử là thứ tình cảm rất sâu đậm và thiêng liêng. Bất kỳ người mẹ nào cũng yêu con và người con nào cũng yêu mẹ, luôn mong muốn được chăm sóc, hiếu thảo với cha mẹ.

Từ những suy nghĩ đó, cô gái đã mở cuộc vận động chiến dịch chăm sóc mẹ vào năm 1904, và lễ hội Ngày của mẹ lần đầu tiên đã diễn ra ở Mỹ. Hoạt động vô cùng có ý nghĩa của cô được nhiều người hưởng ứng. Từ đó, vào ngày của mẹ, những ai còn mẹ thì cài lên ngực mẹ đóa hoa cẩm chướng màu đỏ, còn những ai thiệt thòi không còn mẹ thì cài lên ngực mình đóa hoa cẩm chướng màu trắng.

Từ năm 1913, nước Mỹ đã chọn ngày Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng 5 hàng năm là Ngày của mẹ. Và dần dần, với ý nghĩa của nó ngày này đã trở thành tập quán của nhiều nước trên thế giới.

Ngày Cha mẹ ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngày 8/5 được quy định là ngày lễ thể hiện sự cảm ơn, hiếu thảo của con cái dành cho cho mẹ, là ngày của sự tôn kính đối với người lớn tuổi theo phong tục truyền thống tốt đẹp. Từ năm 1956, ngày 8/5 chỉ được quy định là Ngày của mẹ nhưng đến năm 1973 thì được đổi thành Ngày cha mẹ.

Vào ngày này ở mỗi quận huyện cũng như các tổ chức xã hội sẽ thực hiện nhiều chương trình kỷ niệm với các hoạt động thiết thực như đi thăm viện dưỡng lão, an ủi động viên những người già neo đơn không nơi nương tựa.

Ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình như biểu diễn trò chơi truyền thống, âm nhạc truyền thống, thi văn nghệ và thể dục thể thao dành cho người cao tuổi… hay tổ chức trao giải cho những người con hiếu thuận với cha mẹ.

Trong mọi gia đình, con cái đều tặng cha mẹ hoa và những món quà có ý nghĩa dù to hay nhỏ để thể hiện tình cảm của mình. Người ta vẫn nói giá trị của món quà không quan trọng bằng cách tặng quà cũng như tấm lòng của người tặng được gửi gấm trong đó.

Tuy không phải là ngày nghỉ nhưng từ nhiều ngày trước ngày 8/5 chỉ cần đi ra khỏi nhà là bạn có thể cảm nhận được bầu không khí của ngày lễ này. Các cửa hàng đua nhau trưng bày những tấm thiệp, những món quà và hoa thì bán ở khắp mọi nơi.

Truyền thống về ngày cha mẹ được người Hàn Quốc giáo dục rất tốt cho các thế hệ tương lại, thâm chí là ngay cả các em nhỏ còn đang học mẫu giáo.

Trước Ngày cha mẹ các em sẽ được thầy cô giáo dạy cách làm bưu thiếp trong đó ghi những lời chúc ngây thơ và ngộ nghĩnh nhất thể hiện tình cảm của mình giành cho cha mẹ. Hoặc các em cũng có thể tự làm các món quà dễ thương để tặng cha mẹ mình nhân ngày này như chỉ đơn giản là gói bọc những chiếc kẹo ngọt ngào theo cách riêng của mình.

Tại nhiều trường học, các thầy cô giáo khuyến khích học sinh bày tỏ tình cảm trực tiếp với cha mẹ, thay vì những món quà mang tính “vật chất”.

Nhiều nơi tổ chức Lễ Rửa chân cho bố mẹ bằng cách mời phụ huynh tới tận trường, các em học sinh sẽ chuẩn bị một chậu nước và chiếc khăn để rửa chân cho chính cha mẹ mình.

Còn đối với những người con đã trưởng thành và lập nghiệp thì thường mua tặng cha mẹ những món quà mang tính thiết thực trong cuộc sống hàng ngày hoặc món quà tốt cho sức khoẻ.

Cũng có người thì chỉ tặng một tấm thiệp, hay tự làm cho cha mẹ những một bữa cơm thịnh soạn, ngon lành, ấm cúng hoặc có khi mời bố mẹ đi ăn ở nhà hàng, thậm chí có điều kiện hơn thì có người đã tặng cha mẹ mình món quà là một chuyến du lịch nước ngoài.

Tuỳ vào từng người và từng hoàn cảnh kinh tế mà có rất nhiều cách để thể hiện sự hiếu thỏa của con cái đối với cho mẹ nhưng một bông hoa hay lẵng hoa cẩm chướng là không bao giờ thiếu.

hoa4

Đi trên đường phố Hàn Quốc vào những ngày này, các bạn sẽ thấy rất nhiều hoa cẩm chướng. Loài hoa thể hiện cho sự tôn kính, tấm lòng biết ơn, được những đứa con mua về để tặng hay để gài lên áo của cha mẹ. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, các cơ sở bán hoa, bánh kéo lợi dụng ngày lễ này để quảng cáo rầm rộ, tung ra thị trường những giỏ quà hoa mĩ, đắt tiền. Vì thế nên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hoa không phải là tất cả, mà quan trọng là sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của con cái được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày.

Gửi các bạn một bài “Quà tặng cuộc sống” rất có ý nghĩa trong ngày này:

부모님 돌아가신 후 가장 많이 하는 8가지 ‘후회’
8 Điều hối hận nhất sau khi cha mẹ qua đời

  1. 가슴에 못 박는 말은 하지 말았어야 했다
    Đã có lúc nói những lời vô tình như đóng đinh vào tim cha mẹ
  2. 더 많이 챙겨 드려야 했다
    Đã không chăm sóc, quan tâm cha mẹ nhiều hơn
  3. 따뜻하게 안아드리지 못했다
    Đã không ôm cha mẹ thật ấm áp
  4. ‘고맙다, 사랑한다, 미안하다’ 말하지 못했다.
    Đã không nói những lời “Con cảm ơn, Con xin lỗi, hay Con yêu cha mẹ”
  5. 좋은 선물을 해 드리지 못했다
    Đã không mua tặng được cha mẹ những món quà có ý nghĩa
  6. 함께 하는 시간을 많이 가졌어야 했다
    Đã không dành thời gian nhiều cho cha mẹ
  7. 부모님과 여행을 떠나지 않았다
    Đã không đi du lịch cùng cha mẹ
  8. 부모님도 한 때 꿈 많은 소년·소녀였다는 걸 잊고 살았다
    Đã sống mà quên rằng cha mẹ cũng đã có một thời trai trẻ đầy ước mơ

Cha mẹ càng già, càng không thể bắt kịp lối suy nghĩ và cách sống của thời đại mới, nghe “bọn trẻ” nói chuyện với nhau đã chẳng hiểu được điều gì. Tuổi già, luôn gắn liền với “định kiến”, “bảo thủ”, “nói nhiều”, “thở dài”, đôi khi là “lẩm cẩm”. Cũng chính vì thế mà những đứa con thật khó kiên nhẫn với cha mẹ. Chỉ cách sử dụng điện thoại, ti vi cả chục lần mà rồi cha mẹ vẫn quên; nói mãi mà cứ khăng khăng mặc chiếc áo rách, trong khi nhà có cả tủ quần áo mới…

Những lúc đó, ta chỉ cần nhớ rằng, khi ta chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, khi ra đời thì phân tã mè nheo, chập chững những bước đi đầu tiên… cha mẹ đã luôn kiên nhẫn với ta. Và cả cuộc đời cha mẹ, luôn dành cho ta những điều tốt đẹp nhất

One thought on “Ngày cha mẹ ở Hàn Quốc

  1. wonderful issues altogether, you simply received a new reader. What may you suggest about your post that you simply made some days in the past? Any certain?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).