Người Hàn Quốc cùng một số quốc gia Á Đông khác cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ngày lễ lớn này ở mỗi quốc gia lại có các tên gọi khác nhau như: Lễ hội mùa xuân (Trung Quốc), Seollal (Hàn Quốc), Tsaagan Sar (Mông Cổ), Tết (Việt Nam).

Tết Seolla không chỉ là thời điểm người Hàn Quốc đón năm mới mà còn là dịp để sum họp với gia đình và cùng tưởng nhớ về tổ tiên. Người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống – hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi trò chơi dân gian, ăn món ăn truyền thống, gặp gỡ mọi người… vào Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, ít ai biết bán đảo Hàn Quốc đã từng bị “cấm” đón Tết và người dân nơi đây mất gần 100 năm để đấu tranh bảo vệ phong tục này.

Lịch sử mất nước

Cụ thể hơn, vào năm 1876, triều đình Joseon ký điều ước đảo Ganghwa với Nhật Bản như một động thái mở cửa và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước.

Đến năm 1910, Đại Hàn Đế Quốc chính thức đặt dưới sự thống trị của thực dân Nhật Bản. Trong quá trình thiết lập chế độ thực dân trên bán đảo Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nung nấu dã tâm “đồng hoá” từ tư tưởng, lối sống cho đến văn hoá.

Lịch sử Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là lịch sử của chủ nghĩa quân phiệt.

Mục tiêu của Nhật Bản là đuổi kịp phương Tây và đứng trong hàng ngũ các cường quốc trên thế giới. Do đó, việc thay đổi Âm lịch sang Dương lịch và thời gian đón Tết được xem là một trong những nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó.

Trong cơn say văn minh phương Tây, năm 1873, Nhật chính thức chuyển sang dùng lịch dương hay còn gọi là lịch mặt trời Gregorian và trào lưu hồi đó được gọi là “thoát Á nhập Âu”.

Triều đại Minh Trị (1868 – 1912) là giai đoạn hiện đại hoá nhanh chóng của Nhật Bản với một loạt cải cách về kinh tế.

Sắc lệnh của Nhật Hoàng ký năm 1872 nói rõ: “Lịch người dân Nhật Bản sử dụng suốt 1.200 năm qua là không có cơ sở thực tế, cản trở sự phát triển tri thức nhân loại, cần phải xoá bỏ và sẽ áp dụng lịch phương Tây từ nay cho đến mai sau”.

Sau khi hoàn thành việc xâm lược Hàn Quốc, Nhật Bản cũng yêu cầu Hàn Quốc phải xoá bỏ lịch âm, bỏ Tết ta, chỉ đón Tết tây như người châu Âu.

Đây là nguyên nhân trong tiếng Hàn có cách gọi Tết dương là Tân chính (신정), “chính” ở đây là hợp với quy phạm, đúng theo phép tắc. Trong khi đó, Tết ta “bị” gọi là Cựu chính (구정), tức là cái Tết “cũ”, đã lỗi thời.

Trong suốt những năm tháng thực dân, việc ăn Tết với người Hàn là điều cấm kỵ. Trong một bức thư gửi nhật báo DongA Ilbo ngày 14/2/1924, một nhà văn Hàn Quốc đã viết: “10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là ngày Tết của ai đó, chứ không phải của dân tộc mình”.

Bảo vệ truyền thống

Các tài liệu cũ còn lưu lại, vào dịp gần Tết Nguyên Đán, chính quyền thực dân Nhật tăng cường tuần tra, chúng bắt các cửa hàng bánh truyền thống phải đóng cửa, cố tình bắt người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn và nếu thấy ai mặc áo mới ra đường thì lấy mực hay bùn té vào.

Tuy nhiên, người dân trên báo đảo Triều Tiên khi đó vẫn lén lút đón Tết như một cách để bảo vệ truyền thống dân tộc. Buổi sáng ngày đầu năm mới Tết Nguyên Đán, nhà nào nghèo cũng cố nấu cho được bát canh bánh gạo (떡국).

Sau khi giành được độc lập từ Nhật Bản, người Hàn Quốc bắt đầu khôi phục lại lịch âm và đấu tranh để có lại ngày Tết cổ truyền của mình.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Tổng thống Park Chung Hee cầm quyền (1963~1979), ông cũng cổ suý Tết Dương để thúc giục người dân tập trung phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát nghèo.

Mãi đến 1985, Tết Ta được khôi phục trên bán đảo Hàn Quốc, nhưng người dân chỉ được nghỉ duy nhất một ngày, gọi là “Ngày Dân Gian” (Folk’s Day).

Cuối cùng, sau năm 1989, ngày Tết âm lịch mới được coi là ngày lễ chính thức tại Hàn Quốc. Cũng từ thời điểm này, người dân Hàn Quốc mới được nghỉ lễ Seollal 3 ngày.

Tết ta – Bỏ hay giữ?

Ở Hàn Quốc, người dân cũng rất quan tâm đến Tết. Trước tết, người Hàn mua sắm nhiều nhất trong năm. Họ cũng phải chuẩn bị tiền để mua quà biếu cha mẹ, lì xì trẻ con; những người phụ nữ trong gia đình cũng phải tất cả mua nguyên liệu nấu ăn cho cả gia đình ăn uống trong mấy ngày Tết.

Tuy vậy, đa phần người Hàn chỉ vui chơi trong 1 đến 2 ngày Tết ta rồi trở lại làm việc như bình thường.

Thậm chí có nhiều cửa hàng, siêu thị, tiệm tạp hoá vẫn hoạt động 24/24; sinh viên cũng ham đi làm thêm trong dịp Tết vì tiền công nhận được trong dịp này sẽ hậu hĩnh hơn so với ngày thường.

Ở Hàn Quốc không thấy có ý kiến yêu cầu bỏ Tết mà chỉ nhắc nhở khéo mấy người họ hàng không nên hỏi mấy câu soi mói như như: Lương bao nhiêu? Bao giờ lấy chồng?…

Ở Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân từng phát biểu “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa”. Ông nhấn mạnh, việc ăn Tết kéo dài cả nửa tháng đem lại nhiều tai nạn, rượu chè, bài bạc, đủ thứ thói hư tật xấu…

Một bộ phận tán thành với ý kiến trên đều cho rằng, người Việt thực ra ăn Tết ta từ sau rằm tháng chạp (15 tháng 12 Âm lịch).

Công việc trì trệ, người dân uể oải, đường sá kẹt cứng… Đi đâu, có việc gì, người ta cũng nói “Thôi, lo ăn Tết đã”, “Để ra Tết tính tiếp”. Và người ta ăn Tết ít nhất đến tận Rằm tháng Giêng, thế là công việc bê trễ, xã hội thì tốt kém.

Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. Họ cho rằng: phản ánh sự phát triển của nền kinh tế thì nhiều nước phương Tây nghỉ đông dài ngày, kinh tế họ vẫn phát triển.

Nếu ở các nước đó, dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch là ngày đoàn tụ gia đình, thì Việt Nam cũng có Tết Nguyên đán với cùng ý nghĩa trên.

Tết ta ý nghĩa ở chỗ nhà nhà người người trở về quê ăn tết, gia đình sum họp. Ngày đầu năm, bao nhiêu phiền muộn của năm cũ phải được gạt bỏ hết, chỉ giữ cái mới, niềm vui, lạc quan để sống một năm tích cực hơn.

Với những người đi làm xa nhà, xa quê cả năm, tuy khổ cực nhưng chỉ nghĩ đến Tết là sẽ quên hết mọi muộn phiền, lo âu.

Rõ ràng, Tết Ta cũng là một nét đẹp văn hoá của dân tộc, chỉ cần chúng ta biết cách ăn Tết sao cho giản dị, gọn gàng và tăng năng suất lao động giống người Hàn Quốc hay các nước phương Tây thì Tết sẽ mãi mãi giữ được những giá trị nguyên bản của nó.

Sự nuối tiếc của người Nhật

Khác với Hàn Quốc, người Nhật Bản đã bỏ Tết Nguyên Đán và đón Tết Dương lịch từ năm 1873.

Trên thực tế, lý do Nhật Bản muốn dùng lịch phương Tây là vì tính chất thời điểm. Giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, vì nhận thấy rằng văn minh phương Tây đã phát triển hơn châu Á về nhiều mặt.

Nhật Hoàng ra lệnh đổi lịch nhằm khớp lại toàn bộ nền khoa học của Nhật Bản cho giống với phương Tây, thay vì để khớp với “lịch làm ăn” như nhiều người vẫn nghĩ.

Người Nhật cũng thường xuyên sử dụng lời chào đầu năm mới bằng từ “Happy New Year” thay vì câu chúc mừng năm mới truyền thống bằng tiếng Nhật và không khí đón năm mới ở Nhật Bản cũng nhộn nhịp và “Tây hóa” hơn.

Oshogatsu vốn là tên gọi tháng Giêng trong tiếng Nhật, nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 3 của tháng đầu tiên trong năm mới.

Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trung niên và cao tuổi ở Nhật Bản, dù họ đón Tết Dương nhưng vẫn muốn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Nhật. Vì thế, mỗi lần năm mới đến, người già Nhật Bản vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Oshogatsu xa xưa.

Trong một lần trả lời báo giới Việt Nam, Công sứ Nhật Bản – Hideo Suzuki từng chia sẻ, vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, việc chuyển từ ăn Tết Nguyên Đán cổ truyền sang Tết Tây là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.

Bởi theo dương lịch, ngày 1/1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về.

Còn nếu theo Âm Lịch cổ truyền, mùa xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu của mùa xuân thường rơi vào tháng 2. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.

Vị công sứ Nhật Bản từng nhấn mạnh: “Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”.

Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.

Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng”.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).