“Cháu là nữ, 12 tuổi và cao 158cm. Tất cả bạn thân của cháu đều cao ít nhất 160cm. Mục tiêu của cháu là sau này đạt 180cm. Xin hãy cho cháu lời khuyên làm sao để cao hơn.”

Bài viết vô danh đăng trên cổng web Naver cất lên tiếng nói đại diện cho rất nhiều những người Hàn khác – cả trẻ em cũng như các bậc cha mẹ – về khao khát được đứng trên người khác theo đúng nghĩa đen.

Theo số liệu thống kê toàn quốc năm 2017, chiều cao trung bình của người Hàn Quốc là 170cm đối với nam và 157cm đối với nữ. Xét theo các nhóm tuổi, con số này cao hơn một chút ở độ tuổi 20 và 30 với mức trung bình 173cm ở nam giới và 161cm ở nữ giới.

Trên thực tế, bé gái đặt câu hỏi ở trên cũng có độ cao vượt trên mức trung bình ở độ tuổi 12 và vẫn còn tiềm năng cao lớn hơn nữa trước khi giai đoạn phát triển khép lại ở độ tuổi 13 đến 17.

Chiều cao trung bình của nam giới Hàn Quốc, từ 173cm ~ 180cm.

Không chỉ ở Hàn Quốc, sự ám ảnh và phân biệt xã hội liên quan đến chiều cao có mặt ở khắp mọi nơi.

Những vấn đề tiêu cực liên quan để chủ nghĩa kỳ thị chiều cao (heightism) vẫn thường xuyên được đưa ra tranh cãi, ví dụ như những ồn ào xoay quanh quy định năm 2019 của trường Đại học Sư phạm TP.HCM tại Việt Nam rằng nam phải cao từ 1m55 trở lên và nữ phải cao từ 1m50 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển đầu vào ngành đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên hiếm có một xã hội nào mà khao khát được cao lớn lại trở thành một áp lực đè nặng ngay từ khi tấm bé và chuyển hóa thành những “hy sinh” vô cùng to lớn như ở Hàn Quốc.

Nỗi ám ảnh với chiều cao của người Hàn Quốc dành được sự chú ý vào năm 2009 khi nữ sinh viên Lee Do Kyong, đại học Hongik bình luận trên chương trình “Global Talk Show” rằng bất kỳ người đàn ông nào thấp hơn 180cm đều là “kẻ thất bại”.

Không có gì bất ngờ khi quan điểm này của Lee gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ người xem truyền hình, không chỉ từ cánh nam giới. Lee buộc phải xin lỗi, đạo diễn chương trình cũng bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông khiển trách vì đã “vi phạm quyền con người”“thúc đẩy hiện tượng ngoại-hình-là-tất-cả.”

Mặc dù vậy, câu nói của Lee đã nhanh chóng được lan truyền và trở thành một câu nói đùa tự trào quen thuộc giữa những người thấp hơn mốc 180cm.

Bác sĩ Kim Yang Soo, chủ một clinic chuyên về phát triển có tên Kiness, đã bình luận: “Cô ấy chỉ đơn giản nói ra những điều mà tất cả mọi người nghĩ nhưng không dám nói trước đám đông. Ở đây, nếu bạn thay đổi chiều cao, bạn có thể thay đổi số phận.”

Áp lực phải cao lớn

Đã từng có thời người Hàn Quốc coi sự gan góc là một phần tính cách của những người nhỏ bé, thể hiện ở câu tục ngữ “Ớt càng nhỏ càng cay (작은 고추가 더 맵다)”. Một hình ảnh tiêu biểu là Park Chung Hee, vị độc tài rắn rỏi với chiều cao chỉ 1m65.

Tuy nhiên, theo sự du nhập của các tiêu chuẩn về sắc đẹp và thành công từ các nước phương Tây, nhỏ bé không còn được coi là một ưu điểm.

“Ngày nay, trẻ em sẽ chế giễu nếu bạn nhắc đến Napoleon hay Park Chung Hee,” Park Ki Won, chủ Clinic phát triển Seojung cho biết. “Trên TV, tất cả các thần tượng giới trẻ đều rất cao. Với đặc điểm xã hội Hàn Quốc hướng tới phù hợp đám đông và đi theo xu hướng, thấp bé là một vấn đề. Những đứa trẻ thấp sẽ bị loại trừ.”

Chiều cao trung bình của nữ giới Hàn Quốc được thể hiện trong các nhóm nhạc nữ.

Với chiều cao được coi là một lợi thế về mặt xã hội, các bậc cha mẹ thường mong muốn con mình có thể cao lớn hơn so với bạn bè đồng lứa.

“Do cả chồng tôi và tôi đều được coi là thấp bé so với trung bình, điều khiến tôi lo lắng nhất là con trai của chúng tôi sẽ thừa hưởng điều này và tôi đã lên kế hoạch làm mọi điều có thể để giúp con mình cao hơn, như vậy cháu sẽ không phải đối mặt với những những đau khổ và sự kỳ thị về chiều cao của mình,” Kim Eun Joo, một người mẹ có con trai 6 tuổi chia sẻ.

Tương tự, Kwon Young Joo, một người mẹ có con gái 12 tuổi, cũng thể hiện quan điểm tương tự: “Sống trong xã hội Hàn Quốc, tất cả đều là về ngoại hình. Vậy nên là một người mẹ, tôi đang làm tất cả những gì mình có thể để con mình không lớn lên đầy cay đắng… nhỡ đâu con bé sau này quá thấp.”

Minh chứng cho nỗ lực này của Kwon là việc đưa đón con gái tới 3 buổi luyện tập mỗi tuần tại Kiness, một trong vài trăm các clinic phát triển (growth clinic) tại Hàn Quốc.

Tại đây, cô bé Goh Yon Suh sẽ thực hiện các bài luyện tập thể chất 2 tiếng mỗi buổi, trong đó có việc đi bộ trên máy tập với phần thân trên được cuốn quanh bởi những đai dây da nối từ trên cao, được cho là có tác dụng giữ cho cô bé có dáng đi thẳng, kéo căng cột sống, giảm sức ép lên đôi chân khi luyện tập và nhờ đó, hỗ trợ Goh cao lên.

Một HLV thể hình đang hướng dẫn trẻ em Hàn Quốc phương pháp tăng chiều cao.

Tại một clinic khác có tên Hamsoa với hơn 50 chi nhánh trên toàn quốc, bác sĩ cung cấp các phương pháp điều trị kết hợp cả hiện đại kiểu phương Tây và truyền thống kiểu Đông Y nhằm giúp thúc đẩy chiều cao của trẻ.

Chương trình chẩn đoán gồm vài giờ kiểm tra x-ray, xét nghiệm máu và phân tích mẫu tóc có thể đưa ra dự đoán về chiều cao của một đứa trẻ trong tương lai.

Seo Hye Kyong, một bà mẹ hai con ở độ tuổi 4~5, hiện đang tiêu tốn gần 800 ngàn KRW (16 triệu VND) mỗi tháng cho gói điều trị kết hợp châm cứu, liệu pháp hương thơm cũng như dung dịch uống hai lần mỗi ngày chứa nhung hươu, nhân sâm và các thảo dược khác cho các con của mình.

Thảo dược và các phương pháp vận động để tăng chiều cao của người Hàn Quốc

Một trường hợp khác, “thực ra bố cháu muốn cháu cao hơn, bởi vì đây là cơ hội duy nhất của cháu để phát triển.” Esther (9 tuổi) e thẹn nói trong khi anh trai cô bé (11 tuổi) tự hào nói về ước mơ cao ít nhất 1m8 của mình. Mẹ lũ trẻ cũng sẽ đăng ký cho chúng một chương trình có hệ thống với chi phí lên tới hơn 2.5 triệu KRW (50 triệu VND) trong vòng 6 tháng cho các mũi tiêm hormone phát triển.

Hormone tăng trưởng và thực phẩm bổ sung giúp tăng chiều cao

Như đã thấy ở trên, nỗi khao khát về chiều cao đã tạo ra một thị trường ngách đầy hứa hẹn cho các sản phẩm hormone tăng trưởng và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng trẻ em.

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, thị trường thực phẩm hỗ trợ phát triển dành cho trẻ em đã tăng hơn 3 lần từ 6.7 tỉ KRW vào năm 2017 tới 20.7 tỉ KRW chỉ sau một năm.

Đối với những trẻ có dấu hiệu về vấn đề phát triển – tức thấp hơn 10cm so với chiều cao trung bình ở cùng độ tuổi và tăng ít hơn 5cm mỗi năm – thường sẽ được điều trị bằng cách tiêm thêm hormone.

Thị trường cho các sản phẩm hormone phát triển sử dụng trong điều trị và cần kê đơn được ước tính vào khoảng 100 tỉ KRW, theo báo cáo từ công ty dược Dong-A ST với sản phẩm hormone tăng trưởng người Growtropin mang lại 19.5 tỉ KRW doanh thu chỉ trong năm 2018.

Ngoài ra, miếng bánh thị trường cũng được chia sẻ giữa Công ty Dược Daewoong với sản phẩm Caretropin và LG Chem Life Sciences với sản phẩm Eutropin cũng như sản phẩm nhập khẩu từ các hãng dược toàn cầu như Plizer và Merck.

Những liều hormone tăng trưởng người này được duy trì hàng tuần trong vòng 1 năm. Đây là một nỗ lực vô cùng tốn kém và kết quả không có gì đảm bảo.

Yoon Myong, một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Consumers Korea, đã điều tra chương trình can thiệp của các clinic với sự giúp đỡ của các nhà khoa học và đề nghị các bậc cha mẹ nên cẩn trọng hơn.

“Không có chứng cớ lâm sàng hay các bằng chứng khác cho thấy những biện pháp điều trị này có tác dụng,” bà Yoon cho biết. “Họ dùng các quảng cáo thổi phồng và lừa dối để dụ dỗ các bậc cha mẹ. Nhưng các gia đình Hàn Quốc thường chỉ có 1 con và họ muốn làm tất cả những gì có thể cho con cái.”

Lim Jae Seon vẫn còn nhớ những liều tiêm hàng tuần vào bụng khi cô 13 tuổi. Tuy nhiên ở độ tuổi 25 hiện tại, chiều cao của cô chỉ là 153cm trong khi cha mẹ cô đều cao hơn mức trung bình. Đôi khi Lim từ hỏi cuộc sống của mình liệu có tốt hơn nếu cao hơn, dù rằng cô cũng hài lòng với bản thân mình hiện tại.

Trẻ em Hàn Quốc trong bệnh viện và thước đo chiều cao ở phía sau.

Ngoài các hormone không bán tự do, các thực phẩm bổ sung không cần đơn của bác sĩ thường rẻ hơn và dễ dàng tiếp cận hơn, tuy nhiên cũng gây phát sinh các vấn đề tiêu cực như sự phóng đại hay tuyên bố sai lệch về hiệu quả của chúng trong quảng bá.

Tháng 10/2019, Bộ An toàn Thực phẩm & Dược phẩm đã phát hiện 5 trường hợp quảng cáo sai lệch về các thực phẩm chức năng với tuyên bố về tác dụng kích thích tăng trưởng.

Một trong những quảng cáo này đã sử dụng đánh giá giả nói rằng các thành phần được cấp phép nhất định trong thực phẩm giúp trẻ cao lớn hơn. Những đánh giá này đi kèm với các bức hình trước-và-sau vô cùng thuyết phục dù rằng không hề liên quan đến sản phẩm.

Rất nhiều sản phẩm đã thử nghiệm tác động cải thiện tăng trưởng trên động vật hoặc tế bào thay vì con người. Bộ đã quyết định rằng những thử nghiệm này là không đầy đủ tính khoa học để làm căn cứ cho các tuyên bố quảng cáo.

Ngoài ra, tỷ lệ thành phần được cấp phép nhắc đến quá không đáng kể để có thể mang lại tác động tới cơ thể người.

Ngoài ra cũng có những sản phẩm dành được sự chú ý của người tiêu dùng thông qua các tin đồn hoặc mạng xã hội.

Một số các blogger trên mạng đã thúc đẩy việc mua hàng trực tiếp từ Nhật đối với các viên nhộng canxi tảo biển. Không như các sản phẩm y tế nhập khẩu theo đường chính ngạch, những sản phẩm này chưa hề được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả.

Các công ty dược phẩm lớn hơn có xu hướng duy trì dòng sản phẩm đã được chính thức công nhận. Hani Pharmaceutical phân phối sản phẩm bổ sung đa chức năng Ten Ten qua các dược sĩ được cấp phép.

Ten Ten không được bán trên các kênh bán hàng online, nhà bán lẻ nói chung hoặc siêu thị. Ten Ten là các viên kẹo dẻo vị dâu có chứa vitamin A, B1, B2, B6, C, D, canxi, magie và chất chống oxy hóa Coenzyme Q10.

Iker (đọc là A-i-khơ) của Chong Kun Dang – nghĩa là “trẻ, lớn” trong tiếng Hàn – có chứa HT042, một hỗn hợp được cấp phép và công nhận là hỗ trợ phát triển, tổng hợp từ chiết xuất rễ hoàng kỳ và các loại khác.

Ngoài ra I-kicker và Hongyi Janggun là các đồ uống có chứa nhân sâm không liên quan trực tiếp đến sự phát triển của trẻ nhưng được quảng cáo là tăng hệ miễn dịch, giúp trẻ “khỏe mạnh” và có thể “phát triển tốt”.

Tuy nhiên các sản phẩm này đều không hề rẻ nếu sử dụng lâu dài. Và cũng như bất kỳ một loại hình sản phẩm nào khác đã nhắc đến ở trên, các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng trước bất kỳ một quảng cáo nghe thuận tai nào.

Khoa học đã chứng minh, không gì hiệu quả trong việc phát triển chiều cao bằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng khỏe mạnh, ngủ đủ và thường xuyên vận động thể thao phù hợp.

XEM THÊM:

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).