Cuộc sống người dân Hàn Quốc đã và đang bị đảo lộn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Để ổn định phần nào đời sống của người dân, bắt đầu từ ngày 4/5/20, Chính phủ Hàn Quốc quyết định viện trợ khẩn cấp trợ cấp thảm họa (재난지원금) cho 2.7 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp trên cả nước bằng nhiều hình thức đa dạng như tiền mặt, coupon mua hàng…

Theo đó, người dân có thể dùng số tiền này để mua sắm tại các điểm mua bán được đăng ký, chỉ định ở địa phương.

Trợ cấp này không được áp dụng tại các cửa hàng có doanh thu từ 1 tỉ KRW trở lên bao gồm: trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chuỗi siêu thị, cơ sở giải trí… Đồng thời, loại hình mua sắm trực tuyến sẽ không chấp nhận thanh toán bằng tiền hỗ trợ này.

Những tưởng chính sách đối phó kịp thời của Chính phủ sẽ giúp người dân bớt đi phần nào gánh nặng về kinh tế, nhưng sự thực lại không phải như vậy.

Lợi dụng việc phiếu mua hàng chỉ được phép sử dụng tại một vài điểm nhất định, một số cửa hàng đã lén lút “làm giá” bất chấp việc người tiêu dùng đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống do dịch bệnh hoành hành.

Cụ thể, không ít các siêu thị, cửa hàng vừa và nhỏ đã đồng loạt tăng giá với mục đích hạn chế việc mua hàng bằng coupon. Hành động tiêu cực này đã khiến những người dân sống trong khu vực vô cùng bức xúc, khó chịu.

Vào ngày 5/5, một trang cafe của hội các bà mẹ sống tại tỉnh Gyeonggi đã đăng tải bài viết với tiêu đề: Giá cả tại các siêu thị có thể sử dụng trợ cấp thảm họa do COVID-19 tăng đột biến.

Bài đăng này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Hàn Quốc. Số lượng truy cập lên đến hàng ngàn người, từng thành viên lần lượt chia sẻ bất mãn của bản thân khi gặp phải với tình cảnh “tréo ngoe” này.

“Khi đến những nơi cho phép trả tiền bằng coupon, tôi nhận thấy giá đã nhỉnh hơn một chút so với trước. Tôi thường mua ở đây nên nhìn một cái là biết được ngay”.
“Tôi đã “mắt tròn mắt dẹt” ngay khi nhìn thấy giá tại cửa hàng thịt gần nhà”.

“Tôi cứ nghĩ đây sẽ trở thành cửa hàng ruột của tôi. Nhưng khi thấy cách họ tận dụng cơ hội để tăng giá như thế này, tôi chẳng muốn ủng hộ nữa”.

“Tại sao lại kinh doanh như vậy trong khi mọi người ai cũng đang cố gắng thắt lưng buộc bụng để cầm cự qua mùa dịch?”

Được biết, tỉnh Gyeonggi là nơi chi trả trợ cấp thảm họa do COVID-19 nhanh nhất cả nước. Mặc dù tốc độ nhận tiền hỗ trợ của người dân ở từng thành phố, từng quận có sự khác biệt, nhưng có thể thấy, tại nhiều khu vực, số tiền trợ cấp này đã góp phần giúp hồi sinh các khu chợ truyền thống đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, nếu những cơ sở cung cấp các loại nhu yếu phẩm vẫn tiếp tục duy trì việc “hét giá vô cớ” này thì chỉ khiến người dân càng thêm phẫn nộ và buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Mặt khác, không chỉ riêng trang cafe này, các trang mạng trực tuyến của người dân ở những thành phố khác cũng xuất hiện ngày càng nhiều lời phàn nàn, than thở với chủ đề tương tự.

“Bắt đầu từ khi nào đậu phụ lại có giá 4.500 KRW/miếng (khoảng 90.000 VND)? Vốn dĩ đã đắt như vậy sao?”

“Mấy hôm trước cá bơn 2 con chỉ 12.000 KRW, bây giờ đã lên 15.000 KRW rồi”.
– “Các cửa hàng thịt và banchan đều lên giá”.

“Dạo này có nhiều khách đến mua mà, không còn tình trạng ế ẩm nữa nên đừng bán hàng “bất lương” như vậy. Cứ tăng giá thế này thì khách sẽ “bỏ chạy” hết”.

Hàn Quốc đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ “khổng lồ” cùng những quyết định chưa có tiền lệ nhằm mục đích “vực dậy” nền kinh tế. Nhưng bên cạnh những giải pháp tạm thời này, vẫn còn đó một bộ phận doanh nghiệp chỉ nghĩ đến những lợi ích nhỏ trước mắt mà xem nhẹ lợi ích lâu dài.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người dân mà còn làm cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Chính phủ mất đi phần nào ý nghĩa tích cực của nó.

XEM THÊM: Hướng dẫn đi siêu thị tiết kiệm ở Hàn Quốc

Tổng hợp từ News1

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).