Do những thay đổi trong cơ cấu dân số Hàn Quốc như hiện tượng dân số già hoá – tỷ lệ sinh chạm mức thấp nhất trong số các nước phát triển, vấn đề thiếu nguồn lao động, việc thay đổi chính sách nhập cư giờ đây đã đã trở thành một việc tất yếu không thể tránh khỏi đối với chính phủ Hàn Quốc.

Gần đây Cơ quan Chính sách người nước ngoài và Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang có động thái mới trong việc thúc đẩy thay đổi chế độ nhập cư.

Trước đây, người nhập cư đến Hàn Quốc sinh sống chủ yếu là lao động người nước ngoài và thành viên trong gia đình đa văn hoá. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu người di cư đã được đa dạng hoá nhờ một bộ phận không nhỏ các gia đình người nước ngoài.

Hwaseong là thành phố có lượng người lao động nhập cư cao nhất ở Hàn Quốc. Điều này cũng dẫn đến xu hướng số lượng gia đình người nước ngoài nhập cư đến Hwaseong sinh sống đông hơn các thành phố khác trong nước.

Vì vậy, đối với đối tượng phụ nữ và trẻ em trong gia đình người nước ngoài nhập cư đang gặp trở ngại trong quá trình chờ nhập tịch, việc dành sự quan tâm đặc biệt và triển khai mạng lưới an toàn xã hội dành cho họ là rất khẩn cấp.

Theo đó, để tìm hiểu nhu cầu về phúc lợi của các gia đình người nước ngoài cũng như đặt nền móng cho các chính sách hỗ trợ trong tương lai, Phòng ban Đa văn hóa Phụ nữ di trú thành phố Hwaseong đã tổ chức một buổi gặp gỡ thảo luận chính sách về nhu cầu phúc lợi của các gia đình nước ngoài nhập cư ở Hwaseong vào ngày 7/11/2019 vừa qua.

Góc khuất của những gia đình lao động người nước ngoài nhập cư

Giáo sư Nam Se Hyun ở trường đại học Hanshin đã thu hút sự chú ý của đại biểu các cơ quan đoàn thể góp mặt tại buổi gặp gỡ thảo luận bằng việc trình bày kết quả của cuộc phỏng vấn sâu được tiến hành trên 14 gia đình người nước ngoài vào tháng 8/2019 vừa qua.

Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh 4 vấn đề chính:

  • Cuộc sống của người vợ trong gia đình lao động nhập cư
  • Cuộc sống và việc nuôi dạy con cái với tư cách là người mẹ trong gia đình nước ngoài
  • Cuộc sống của phụ nữ nhập cư
  • Đặc trưng văn hoá của gia đình lao động nhập cư

Nhóm thực hiện phỏng vấn đã tiến hành đưa ra câu hỏi dựa trên 12 chủ đề chi tiết được chia nhỏ từ 4 chủ đề lớn trên. Nội dung câu hỏi bao gồm lý do đến sinh sống ở Hàn Quốc, cuộc sống hàng ngày, vấn đề nuôi dạy con cái…

Sự phân chia chủ đề cụ thể này nhằm mục đích tìm hiểu và nắm bắt được tình hình cuộc sống thực tế, nhu cầu được hỗ trợ và nguyện vọng của các gia đình người lao động nước ngoài nhập cư đến Hàn Quốc sinh sống.

Theo kết quả phỏng vấn, những người vợ được bảo lãnh sang Hàn Quốc bởi người chồng có visa E-7 (visa dành cho lao động nước ngoài có tay nghề cao) cho biết hầu như chỉ dành thời gian hàng ngày của họ để ở nhà làm việc nhà và chăm con, họ cảm thấy buồn chán và ngột ngạt với cuộc sống hiện tại.

“Tôi cũng muốn ra ngoài để làm việc, nhưng tôi không thành thạo tiếng và không rành đường, vì vậy tôi chỉ có thể ngồi nhà và cảm thấy ngột ngạt mà thôi.” (Người vợ A)

Đặc biệt, có nhiều trường hợp than phiền rằng “người chồng quá bận rộn với công việc nên hai vợ chồng không có đủ thời gian dành cho nhau”, và “cảm thấy xót xa khi người chồng phải một mình gồng lưng nuôi cả gia đình”.

“Chồng tôi đi làm từ sáng sớm đến đêm mới về. Dù tôi muốn giúp anh ấy nhưng cũng không thể làm gì được. Cuối tuần là khoảng thời gian mệt mỏi nhất, anh ấy không thể nghỉ ngơi vì phải dành thời gian tham gia đội dân phòng tự do (자율방범대) đến tận 8~9 giờ tối.” (Người vợ B)

Ngoài công việc chính, những người chồng trong gia đình nước ngoài nhập cư còn tham gia các hoạt động tình nguyện như đội dân phòng tự do nhằm tích luỹ điểm cộng có lợi cho việc duy trì và thay đổi visa người nước ngoài ở Hàn Quốc.

Một số trường hợp các gia đình được phỏng vấn cho biết đã để lại con ở quê nhà.

Những cặp vợ chồng sống cùng con cái cũng bày tỏ không ít lo lắng về vấn đề cho con đến trường và tương lai về hay ở của chúng. Mối lo này xuất phát từ việc cha mẹ đứa trẻ không chắc chắn có thể được gia hạn thời gian lưu trú, hoặc có được cấp quyền cư trú lâu dài hay được phép nhập quốc tịch hay không.

Đặc biệt, nhiều người còn lo sợ khi con em mình đang sống và được giáo dục ở Hàn Quốc, trong trường hợp phải quay trở về quê nhà, chúng có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề về ngôn ngữ, thích nghi văn hóa và phân biệt đối xử.

“Tôi đang có rất nhiều mối bận tâm. Nếu con tôi phải về lại Việt Nam khi cháu đã lớn thì việc học hành của cháu sẽ như thế nào? Vì vậy, tôi rất muốn được nhập tịch.” (Người vợ tên C )

Ngoài ra, Giáo sư Nam Se Hyun cũng nhận được rất nhiều sự chú ý nhờ việc nêu chi tiết những lo lắng, mâu thuẫn và hiện thực cuộc sống của các gia đình nước ngoài – những điều từ trước đến nay vốn chưa từng được xác nhận chính thức.

Giáo sư Nam cho biết, khi nhìn vào kết quả, để có thể hỗ trợ cải thiện tình hình khó khăn mà các gia đình người nước ngoài đang sinh sống ở Hàn Quốc gặp phải, cần phải thực hiện những điều sau đây:

  • Tăng cường hỗ trợ con em gia đình nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, bao gồm chi phí nuôi dạy và chăm sóc các em
  • Thành lập chương trình hỗ trợ các gia đình nhập cư thích ứng tốt với cuộc sống ở Hàn Quốc, bao gồm hoạt động cố vấn và kết nối cộng đồng gia đình nước ngoài với nhau
  • Tìm kiếm và hỗ trợ những người nước ngoài đang rơi vào diện điểm mù của chính sách phúc lợi
  • Xây dựng chính sách đón nhận tích cực con em gia đình nhập cư – những người Hàn Quốc tương lai, thế hệ trẻ sẽ dẫn dắt Hàn Quốc trong thời gian sắp tới.

Chế độ nhập cư cần phải cải cách

Về chủ đề này, Choi Young Il, người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ công dân người nước ngoài thành phố Gimpo cho biết: “Những vấn đề khó khăn mà các gia đình nước ngoài đang phải đối mặt có liên quan đến chính sách nhân lực nước ngoài của chính phủ, đặc biệt là ở loại hình thị thực và loại hình lưu trú. Nghiên cứu lần này nhìn từ góc độ của người lao động nhập cư đã được triển khai vô cùng đúng lúc, chỉ ra hướng mà xã hội Hàn Quốc nên xem xét và thay đổi để khắc phục các vấn đề mà các gia đình nước ngoài gặp phải trong giai đoạn đầu di cư lao động.”

Ông Choi kêu gọi, “Nhiều người lao động nước ngoài đổi từ visa E9 (visa lao động phổ thông) sang E7-4 (visa lao động lành nghề) được phép bảo lãnh vợ con sang Hàn Quốc nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn lớn. Một trong số đó là do thời gian làm việc quá nhiều mà lương lại thấp, rất khó để họ cáng đáng chi phí nuôi dạy con cái ở Hàn Quốc, vì vậy họ đành phải gửi con về lại quê nhà. Chính phủ cần phải tăng cường sự hỗ trợ dành cho con em và gia đình những người thuộc nhóm nguồn nhân lực chuyên môn có khả năng được cấp quyền cư trú lâu dài hoặc quốc tịch trong tương lai.”

Giáo sư Gu Bon Gyu nhận định: “Hiện nay Hàn Quốc không có đủ sự dư dả về mặt thời gian để thực hiện các biện pháp dài hạn nhằm tăng tỷ lệ sinh. Những nghiên cứu tìm hiểu về người lao động nhập cư cư trú lâu dài và gia đình của họ là rất quan trọng đối với chúng ta. Đã đến lúc cần phải xem xét tham khảo chế độ nhập cư của Mỹ và Úc để đề xuất phương án cải cách chế độ nhập cư của Hàn Quốc.”

Ông nói thêm: “Những người lao động nước ngoài đã thành công trong việc chuyển đổi từ visa E9 sang visa E7 thường được gọi là “con nhà người ta” hay “công dân mọt sách” .

Điều đó phản ánh một sự thật là việc chuyển đổi visa hiện nay vô cùng nghiêm ngặt và khó khăn. Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu các mô hình định cư của công dân nước ngoài theo thời gian để đưa ra các chính sách phù hợp với thời điểm nhập cư của họ.”

Nghị sĩ Kim Kyung Hee kêu gọi: “Cần triển khai những phương án hỗ trợ các gia đình nhập cư có con nhỏ thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc, chẳng hạn như hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng. Họ là đối tượng đóng góp rất nhiều cho xã hội Hàn Quốc. Chúng ta cần phải tạo dựng một xã hội không có sự phân biệt đối xử, một xã hội mà ở đó người Hàn và người nước ngoài nhập cư sống hoà hợp và cùng phát triển đi lên.”

⇢ Hiện trạng gia đình đa văn hóa Hàn – Việt:

Tổng hợp từ Oh My News

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).