Vụ 39 người chết ngạt trong chiếc xe container đông lạnh ở Anh hôm 23/10/2019 khiến cả thế giới bàng hoàng. Và càng đau khổ hơn khi nhiều thông tin cho rằng phần lớn trong số họ là người Việt.

Có lẽ, nếu không có chuyến xe định mệnh ấy, không nhiều người trong chúng ta biết về thân phận của những Người Rơm, những người Việt cư trú bất hợp pháp ở Anh và Pháp, những người “sống không ai biết – chết không ai hay”…

Bài tổng hợp từ các tác giả Christine NguyễnHoàng Huy, những người cư trú lâu năm ở Anh quốc và có cơ hội tiếp cận với những Người Rơm này sẽ cho chúng ta thấy cái nhìn cận cảnh về thân phận của những người Việt nhập cư trái phép.

Người Rơm là ai?

“Người rơm” là một từ cay đắng! Nó chất chứa cả máu – nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Vì sao lại là “rơm”? Vì một khi bước vào con đường này, bạn hãy chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm – như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi “đường dây” đưa họ tới một nước châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết – chết không ai hay”.

Bởi lẽ Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ… hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam; và như thế có nghĩa là còn cơ hội… trốn tiếp. Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ chắc chắn họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.

"Người Rơm" và những câu chuyện buồn chưa kể về thân phận bất hợp pháp của người Việt giữa trời Âu

Giáp mặt “Người Rơm”

Một buổi chiều cuối tháng 10 chúng tôi đến rừng Grande Synth, cách thị trấn Téteghem miền Bắc nước Pháp khoảng 10km. Men theo con đường mòn bé tí quanh co chìm sâu trong rừng và ngập sũng bùn đen, ít phút chúng tôi gặp được nhóm khoảng 10 “người rơm” đầu tiên.

Cần nói rõ, Grande Synthe chỉ là một trong số những khu rừng có người Việt nhập cư lậu ẩn nấp quanh cảng Calais chờ cơ hội đi lậu sang nước Anh.

Một người đầu tiên tôi bắt chuyện là một phụ nữ trên 30 tuổi, nói giọng Quảng Ninh, người đã “nhảy bãi” đến lần thứ sáu vẫn chưa thành công.

Theo lời kể, chị đã sống ở Praha gần 4 năm, sau đấy do việc làm ăn ngày càng khó khăn, chị quyết định gửi đứa con gái 6 tuổi về Việt Nam cho ông bà và đi chui đến Anh vì nghe nói “ở đấy dễ kiếm tiền hơn”. Khi hỏi đến giấy tờ tùy thân và ảnh của con gái thì chị trả lời thật gọn: “Em xé bỏ hết trước khi đi rồi”.

Câu trả lời này là “nhất quán” ở mọi người đi lậu: không giấy tờ, không hình ảnh, không bất cứ một bằng chứng nào về xuất xứ nhân thân của mình. Cũng vì thế mà họ được gọi bằng một cái tên rất ấn tượng: “người rơm”.

“Các anh thanh niên ở đây cả tháng mới may ra được tắm một lần. Còn em là phụ nữ nên mỗi tối đều phải nấu nước để rửa ráy, nhưng cũng không nhiều. Ai cũng bị bệnh ngoài da hết chị ạ,” chị nói.

Chị cho biết việc ăn uống chủ yếu là nhờ vào thực phẩm cứu trợ nhân đạo do dân bản xứ và một số nhóm hoạt động từ thiện mang đến.

"Người Rơm" và những câu chuyện buồn chưa kể về thân phận bất hợp pháp của người Việt giữa trời Âu

Sổ đỏ

Được biết mặc dù chính phủ Pháp đã có lệnh giải tỏa trắng để kết thúc nạn di dân lậu tập trung ở các cánh rừng xung quanh cảng Calais chờ trốn sang Anh, nhưng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các địa phương vẫn được tiến hành, thậm chí có nơi còn khá quy mô.

Chia tay với nhóm người rơm này, chúng tôi tiếp tục len lỏi theo một đường mòn và gặp một nhóm nhỏ người rơm khác.

Người đàn ông gốc Thanh Hóa khoảng gần 60 tuổi đang ngồi hong chân bên một bếp lửa dã chiến. Chứng thấp khớp làm các khớp xương chân trái của ông sưng tấy vì thời tiết khắc nghiệt của rừng ôn đới vào đông. Tôi hỏi ông có thuốc men gì không, ông đưa cho tôi xem các loại thuốc giảm đau của hội từ thiện phát cho.

Khuôn mặt ông đầy vẻ căng thẳng, lo lắng vì thời gian ở rừng đã lâu, nhảy bãi nhiều lần mà vẫn không thành công.

Tôi đùa “nhảy bãi mãi thì cũng sẽ có lần thành công, lo gì”. Ông thể hiện ngay sự bực tức với người không hiểu chuyện và cho biết để có tiền đóng cho chuyến đi này ông đã phải thế chấp 5 cái “sổ đỏ” cho ngân hàng và hạn kỳ để chuộc lại sổ đã gần kề.

Ông đồng ý cho tôi chụp ảnh, nhưng khi tôi hỏi có muốn tôi giúp gửi những tấm ảnh này về nhà ở Việt Nam không thì ông bật khóc và giải thích rằng không muốn cho hai người con gái, 11 tuổi và 20 tuổi thấy cuộc sống thê thảm hiện tại của ông vì sợ “chúng nó không chịu đựng nổi”.

"Người Rơm" và những câu chuyện buồn chưa kể về thân phận bất hợp pháp của người Việt giữa trời Âu

Suýt chết đói

Chúng tôi tiến sâu hơn nữa vào rừng với đường đi ngày càng lắt léo hơn. 10 phút sau, một nhóm lán trại hiện ra giữa rừng sâu. Khoảng gần 30 người rơm mới đến trú chân tại đây vừa được 3 ngày. Đa phần là người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, một số ít là người Đắc Lắc, Quảng Ninh.

Một thanh niên ở Đắc Lắc với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu cho tôi biết hành trình nhảy xe đi đường bộ từ Nga sang đến đây anh suýt chết đói dọc đường mấy lần.

Mấy người trong nhóm nói rằng có một nhóm người rơm nữa đóng lán trại không xa chỗ họ bao nhiêu, “nhưng họ xấu lắm, không chơi được”, anh thanh niên Đắc Lắc nói.

Được biết có rất nhiều nhóm người trong khu rừng Grande Synthe này hoạt động biệt lập nhau, theo lối “nước sông không phạm nước giếng”.

Đa số họ đi đường hàng không sang Nga, một số khác đi sang Trung Quốc để sau đấy sang Nga, và từ Nga họ bắt đầu thân phận “người rơm”, không giấy tờ tùy thân, sử dụng đường bộ bằng mọi cách tập kết đến các khu rừng xung quanh cảng Calais tìm cơ hội đi chui sang Anh quốc.

Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, hoặc trả hết nợ nần vay mượn và sau đấy là một cơ hội “đổi đời” to tát sẽ đến với gia đình họ, thậm chí là cả dòng họ của họ.

Một phụ nữ người Nghệ An ở tuổi 50 khi được tôi cho biết thu nhập của một cư dân hợp pháp không trình độ làm nghề giữ trẻ hoặc trông nom người già trung bình khoảng 1 nghìn euro một tháng đã buộc miệng kêu lên “Sao ít thế?”

Chị cho biết là được hứa hẹn sang đến đấy sẽ có công việc, với thu nhập “5 nghìn euro mỗi tháng và còn được bao ăn ở!” Thế nhưng khi được hỏi cụ thể họ sẽ làm những công việc gì, đa phần là những câu trả lời quanh co như đi giữ trẻ, làm nhà hàng…

Chỉ có một số ít hoặc “bạo miệng”, hoặc đang quá bi quan trước thực tế gần như không lối thoát thì nói thẳng là “đi trồng cỏ.”

Đời sống trong rừng

Khu rừng Téteghem có thể xem là đoạn cuối của hành trình từ Việt Nam, sang Nga, qua Đức rồi tới Pháp. Những người Việt hầu như không đủ tiền để đi tiếp và theo họ, đường dây đưa lao động cũng khó đưa họ sang Anh trót lọt. Mấy tháng đầu, họ toàn ăn rau rừng để cầm hơi, nhịn đói khát đến mấy ngày liền.

Theo lời kể của họ, gần đây mới có người tiếp tế thực phẩm và dụng cụ nấu nướng. Tuy có cơm ăn nhưng họ vẫn tiếp tục hái rau trong rừng để thay thế rau chợ. Một người rơm nói: “Đủ ăn, có đồ ấm là nhờ cô chú gốc gác người Sài Gòn định cư tại Dunkerque cho lương thực, tặng mền len, quần áo và giày, chính quyền địa phương cũng cho thịt gà và bạt nilông, để chúng tôi dựng lại hai túp lều lớn khang trang một chút”.

Một cô gái độ tuổi 30 cho biết, nguồn nước chính lấy từ hồ nước lớn bên cạnh (Lac de Téteghem). Cô nói: “Những tháng gần đây có quý cô chú và chính quyền cho nước lọc để uống và đồ dùng vệ sinh”.

Ba tháng, 20 lần đối mặt tử thần

Đang trò chuyện, chúng tôi thấy ba thanh niên vào khu trại. Một người trẻ ngồi bên cạnh giới thiệu: “Ba người này đi nhảy xe không được mới về lại rừng. Họ đi bộ từ sáng đến chiều trên bảy mươi cây số mới về tới đây lúc 5 giờ chiều”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Đi từng ấy người mà không sợ bị phát hiện sao?” Một người giải thích, dù bãi đậu xe ở gần hay xa cũng vẫn phải đi ba hay bốn người, vì xe quá cao cho nên phải đứng lên vai chồng lên nhau, rồi mới lên mui xe được, sau đó nối tay nhau kéo lên xe, còn nữ thì đi theo nam nhưng lên xe trước. Trước khi đi, người nhảy xe phải ăn thật no vì phải nhịn đói cả ngày.

Theo lời kể của những người có kinh nghiệm, nhảy xe có nhiều cách như chui vào thùng xe, nằm trên mui hay đeo dưới lườn xe. Trong khi chui vào thùng xe có nguy cơ bị ngạt thở, ngồi trên mui tuy thoải mái nhưng hiểm nguy rình rập khi xe thắng gấp hoặc lên hay xuống dốc. Còn đeo dưới lườn xe thì đòi hỏi phải đủ sức khoẻ chịu được quãng đường 40km từ bãi tới cảng Calais. Theo họ, khi xe lên tàu thuỷ sang Anh, người nhảy xe phải tìm mọi cách để lọt qua cửa khẩu.

Một chàng trai người Huế trong ba tháng 20 lần nhảy xe nhưng không lọt. Một phụ nữ cho biết cô có bảy lần nhảy xe lên tới cửa khẩu nhưng phải quay lại do kiểm soát quá gắt. Cô này nói: “Mỗi lúc đi nhảy xe để đổi đời cũng không khác nào đi vào cửa chết, rủi trước mắt, còn may mắn thì ít hy vọng”. Theo cô, tuy sức lực có hạn, nhưng nghĩ tới người thân ở nhà đang cần có tiền gửi về để chuộc sổ đỏ đã cầm cố hay có vốn để làm ăn là cô lại tiếp tục nhảy xe.

Qua lời kể của những người Việt ở đây, phần đông đi lao động bất hợp pháp là người miền Trung, nhiều nhất là người ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Trị, Huế, Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Xuất thân miền Bắc có người Thái Bình, Hải Dương. Hai khu rừng bên kia xa lộ A16 có khoảng 300 người, còn sống trong kho hàng thì nhiều, phần lớn là dân Đông Âu chiếm cứ khu vực đó khá lâu. Luật chơi không thành văn của giới lao động nhập cư bất hợp pháp là mỗi nước chiếm cứ một phương.

Nếu có đủ may mắn để sống sót và lành lặn đặt chân xuống đất Anh, con đường chờ đợi họ cũng sẽ không phải là đã hết chông gai. Để tự nguyện trở thành “một nạn nhân của đường dây buôn người” – như cách gọi của truyền thông, họ thường phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền lộ phí. Là những cuốn sổ đỏ cắm vào ngân hàng, là những món nợ vay lãi cao… họ chỉ có một lựa chọn: kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn như lời anh A chị B gì đó là láng giềng, là họ hàng đã đi trước và “chia sẻ kinh nghiệm”.

Những nhà hàng, những tiệm nail… cũng không hẳn là rộng cửa chờ họ, vì án phạt của việc sử dụng người lao động bất hợp pháp rất nặng, con đường càng hẹp lại dẫn đến những ngôi nhà tuyết không bám nổi trên nóc: những trại “trồng cỏ” bất hợp pháp – nơi mà rất nhiều, rất nhiều người ở quê nhà nghĩ rằng sẽ dễ dàng kiếm được số tiền lớn để “hoàn vốn” và đổi đời. Và thỉnh thoảng, lại có những lời kêu gọi trong cộng đồng để quyên góp tiền để đưa ai đó về nước vì “tai nạn lao động” – những vụ tai nạn chết người do điện hay sự cố trong những ngôi nhà bí ẩn. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương, dù là trong những chiếc hòm sắt, nhưng là “rơm” – nên họ, những người nằm lại nơi đất khách, cũng không nằm trong bất kỳ một cuộc thống kê chính thức nào. Nếu họ may mắn vượt qua được những tháng ngày tăm tối đó, những chiếc container sẽ lại tiếp tục vào Anh, chở theo con họ, cháu họ, anh em họ, và cả những người láng giềng ngưỡng mộ những cái nhà to lớn họ gửi tiền về xây ở quê.

Thuế thân

Vào một ngày nắng ấm cuối xuân, chúng tôi đã tiếp cận được 2 người rơm tại công viên Villemin quận 10 Paris. Đó là hai phụ nữ còn rất trẻ, dưới 20 tuổi và khá xinh. Nhưng đấy là những điều chúng tôi ghi nhận được sau khi đã tiếp xúc, chuyện trò. Còn ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy họ thì hoàn toàn khác hẳn.

Họ đi đứng xiêu vẹo, quần áo tả tơi hoàn toàn giống hình ảnh của những người bù nhìn bằng rơm được sử dụng lâu ngày trên cánh đồng. Mặt mũi đầu tóc xơ xác bơ phờ. Họ đói và hôi. Mùi hôi của họ thật khủng khiếp đấm thẳng vào mũi chúng tôi.

Em Tr, 17 tuổi, cho chúng tôi biết các em từ một nơi gần thủ đô Prague của Czech, được đưa đến công viên Villemin này cả tuần nay, và các em uống nước lã cầm hơi là chính. T, 19 tuổi, với vẻ lúng túng, ngại ngần khi nhìn thấy được phản ứng tự nhiên của tôi, em cho biết đã 10 ngày nay các em chưa hề được tắm rửa mà một trong hai em lại đang trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Khi tôi tỏ ý ái ngại khả năng các em sẽ mắc phải bệnh viêm nhiễm phụ khoa, em T cho biết vì đi theo đường bộ từ Trung Quốc sang nên có những lần cả nửa tháng các em không tắm gội, không làm vệ sinh ngay cả “trong những ngày ấy” và vẫn phải “đóng thuế” bằng thân xác trải dài qua những lộ trình “đường cỏ” cho các tay chăn dắt đường dây và các thành phần khác. “Kinh khủng lắm ạ, ban đầu em còn không chịu nổi mùi hôi hám từ chính cơ thể của em, nhưng rồi cũng phải cố mà quen thôi,” T nói.

Hôm ấy, các em đang đợi người trong đường dây đưa đến một địa điểm gần cảng Calais chờ cơ hội để “nhảy bãi”, tức là bám trên những chiếc xe tải chở containner để trốn sang Anh Quốc.

Gặp và nghe những chuyện của hai em Tr và T, chúng tôi quyết định trở lại các cánh rừng quanh cảng Calais một lần nữa.

Một góc rừng Grande Synthe, đây là khu rừng gần nhất dẫn đến cảng Calais, cách cảng khoảng 40 km nên có rất nhiều khu vực trong rừng bị các nhóm người rơm chiếm đóng.

Vẫn những lều trại tạm bợ, nhếch nhác, nhưng lớp người cũ của lần trước không còn một ai. Số người lần này có ít hơn, và cũng “trẻ hóa” hơn nhiều. Tất cả cùng đang tìm cơ hội trốn được đến nước Anh “lao động” với giấc mơ có vài nghìn bảng gửi về nhà mỗi tháng, đầu tiên là để chuộc lại những quyển sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, sau đấy sẽ là một cuộc đổi đời cho cả dòng họ.

H, một phụ nữ Hà Tây 35 tuổi để lại chồng và 2 con, từ Cộng hòa Czech đến cánh rừng Grande Synthe này được khoảng 1 tháng. Cô cho biết tuy vấn đề thực phẩm và vệ sinh cá nhân tương đối ổn thỏa nhờ vào trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện địa phương, nhưng là phụ nữ, H thường xuyên phải đối mặt với những cơn khủng hoảng vì bị bắt buộc phải quan hệ thân xác với những gã thanh niên có gốc Trung Đông, Nam Á vá một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có mặt trong rừng.

Khi tôi hỏi tại sao những người trong nhóm không bảo vệ cho nhau, H nói: “Chúng nó rất hung dữ, nơi rừng rú này mạnh ai nấy lo thân, em mà chống cự lại thì đến xác cũng không còn”.

Theo chúng tôi được biết, những thanh niên hung dữ nói trên thuộc thành phần bất hảo vô nghề nghiệp có gia đình sinh sống tại Pháp, thậm chí có những kẻ đến từ Anh. Chúng tụ tập thành từng nhóm lập lều trại ở bất cứ nơi nào có người rơm Việt Nam tập trung với mục đích “xin đểu” tất cả những gì có thể “xin” được của những người rơm này, từ thực phẩm, quần áo đến cả thân xác của người rơm phụ nữ.

Vừa “xin đểu”, những thanh niên này vừa chi phối và kiểm soát tất cả các hoạt động của các nhóm người rơm theo những mệnh lệnh bí mật nào đấy từ các tay chăn dắt đường dây người rơm.

Cũng như lần trước, tiếp xúc với nhóm 5 người rơm chưa đầy 15 phút, chúng tôi liền bị một đám thanh niên gốc Trung Đông và Nam Á bao vây đe dọa và hành hung “nhè nhẹ”. Khi đám thanh niên này ngang nhiên có những hành động rất sỗ sàng với cả một phụ nữ đứng tuổi như tôi giữa ban ngày, tôi nhìn H và thấy một đôi mắt đầy vẻ chịu đựng và sợ hãi, đôi mắt cho tôi biết những nỗi đau mà H phải trải qua trong những ngày đi tìm miền đất mơ.

Rời Grande Synthe, chúng tôi đến rừng Tétéghem, cách cảng Calais khoảng 50 km về phía Đông Nam và gặp được C, một nữ người rơm gốc Thanh Hóa 22 tuổi, mới thử sức “nhảy bãi” lần đầu tối hôm trước thất bại vừa quay về trại. Sau ít phút chuyện trò với chúng tôi, em bức xúc kể: “Cháu bám trên mui bạt xe tải, khi xe chạy cháu mới thật sự thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà tai nạn có nghĩa là chết, thậm chí là chết không toàn thây”.

Khoảng 18 giờ, chia tay các em mà không biết phải chúc các em điều gì. Khi ra đến bìa rừng, chúng tôi gặp một đôi nam nữ mới được “xuống hàng” đang dò tìm đường vào lán trại. Những thanh niên gốc Trung Đông đang lượn lờ quanh đấy không thèm che giấu cái nhìn thèm thuồng trước con mồi mới. Tôi chợt nhớ đến chuyện một phiên dịch viên từ thiện kể về những phụ nữ lỡ có thai bất đắc dĩ trên con đường đi làm người rơm đã phải khốn đốn như thế nào để giải quyết bào thai đó, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Lời kết

Ai cũng có một đời để sống, có quyền được chọn cách sẽ sống thế nào, sống ở đâu… nhưng cũng đâu phải ai cũng may mắn có khả năng để đi du học, hay đi sang xứ người bằng cánh cửa rộng để theo đuổi ước mơ thay đổi cuộc đời.

Chúng ta hãy ngưng phán xét, ngưng trách móc, ngưng nói đến những điều lớn lao, những nguyên nhân vĩ mô, ngưng dạy bảo những người đã khuất sao không làm thế này thế kia… hãy dành một chút im lặng để cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương.

Dù là người Việt Nam, người Trung Quốc hay người gì chăng nữa, thì cũng là đồng loại của chúng ta, và họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn – hoảng loạn lúc cuối đời.

Mong cho họ được bình yên, ở một thế giới khác, họ sẽ không phải từ bỏ quê hương để mưu sinh, không phải liều mình trên những chuyến xe sinh tử, không phải lạnh lẽo ra đi giữa những kiện hàng, mong cho họ được làm NGƯỜI cho đúng nghĩa, và không bao giờ có thêm ai nữa phải liều mình làm “người rơm”.

Tổng hợp & biên tập từ Dân Việt, BBC và nhiều nguồn khác

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).