Người nước ngoài khi lần đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc chắc hẳn sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Một trong những trải nghiệm đầu tiên với người Hàn có thể khiến bạn cảm nhận được sự khác biệt văn trong văn hoá chính là ở lời chào hỏi.

Thông thường, khi chào hỏi bằng tiếng Hàn, biểu hiện cơ bản và lịch sự nhất vẫn là “안녕하세요” /an-nyeong-ha-se-yo/, có nghĩa là “Xin chào”.

Ngoài biểu hiện này ra, vẫn còn rất nhiều cách chào hỏi khác mà nếu như chưa từng được nghe bàn luận về nó, có thể bạn sẽ nghĩ rằng người Hàn Quốc thật kỳ lạ!

100 Bài giảng tiếng Hàn giao tiếp miễn phí cho người đang sinh sống ở Hàn Quốc

“밥 먹었니?” – Bạn đã ăn cơm chưa?

Biểu hiện chào hỏi được người Hàn sử dụng nhiều thứ hai sau câu chào “안녕하십니까/안녕하세요/안녕” chính là đây – “Bạn đã ăn cơm chưa?”

Thể kính ngữ của biểu hiện này: 식사하셨습니까? / 진지 드셨습니까?

Trong lớp học tiếng Hàn của viện ngôn ngữ thuộc trường đại học S., để tạo bầu không khí sôi nổi cho buổi sáng sớm, cô giáo người Hàn liền đặt câu hỏi cho cả lớp:

(외국인으로서 한국인을 참 이상하다고 느끼는 순간이 언제입니까?)
“Là người nước ngoài, các em nghĩ người Hàn kỳ lạ khi nào?”

Trong khi các học viên người thì vẫn ngơ ngác vì chưa kịp động não, người thì dè dặt không dám lên tiếng, Rana – một học viên người Mông Cổ ngay lập tức giơ tay xung phong xin chia sẻ về trải nghiệm của mình.

(선생님, 한국 친구들이 저를 볼 때마다 밥 먹었냐는 질문부터 하는 것 같아요. 너무 이상한 거 아니에요? 그 친구들이 왜 자꾸 저의 밥을 신경 쓰는 건지 이해가 안 됩니다.)

“Thưa cô, em cảm thấy người Hàn Quốc thật kỳ lạ vì họ cứ gặp em là sẽ hỏi…”ăn cơm chưa” mãi ạ! Em không hiểu vì sao các bạn lại quan tâm việc ăn uống của em đến thế”

Nét mặt thoáng một chút bối rối, cô giáo hỏi ngược lại Rana,

(그럼 그 질문을 받았을 때 대답은 어떻게 했어요 라나씨?)
“Vậy những lúc đó em trả lời như thế nào?”

(글쎄요. 밥 먹었으면 “먹었다’라고 하고요. 아니면 그냥 “아직 안 먹었다”, “밥 말고 샌드위치 먹었다’ 라고 대답하죠.)

“Vâng thì.. nếu em đã ăn rồi, em sẽ trả lời là ăn rồi. Hoặc không thì em sẽ bảo là chưa ăn, hoặc em ăn sandwich chứ không ăn cơm ạ.” – Rana thành thật chia sẻ.

Thực tế, không chỉ người nước ngoài như Rana mới cảm thấy bối rối trước biểu hiện chào hỏi này. Ngay cả người Hàn khi được hỏi rằng vì sao lại hay chào nhau bằng cách hỏi rằng đối phương đã ăn chưa, đa số cũng đều ấp úng không thể trả lời ngay được.

Nếu có thời gian tìm hiểu người Hàn nghĩ gì trong các topic bàn luận về nguồn gốc của các biểu hiện chào hỏi trên MXH, sẽ thấy có rất nhiều lập luận với cách lý giải diễn đạt khác nhau, nhưng tựu chung đều thống nhất theo quan điểm sau.

Những năm 1950~1960, Hàn Quốc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh Nam-Bắc và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nỗi lo lớn nhất của người Hàn khi ấy chính là sự an toàn về tính mạng, sự đảm bảo về cái ăn.

Nỗi lo lớn đến mức trở thành sự ám ảnh. Có người cho rằng câu hỏi “đã ăn cơm chưa?” rất có thể là sản phẩm của sự ám ảnh từ những ngày đói kém kiệt quệ ấy. Người khác thì đồng tình nhưng bổ sung thêm rằng, câu hỏi ấy còn thể hiện sự quan tâm giữa những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm với nhau.

Nếu đối phương trả lời là “Đã ăn rồi.”, người hỏi sẽ yên tâm và ngầm hiểu là hôm ấy đối phương vẫn còn đủ sức khoẻ để lao động kiếm miếng ăn và đủ sức để ăn được miếng ăn đó.

Dần dần, biểu hiện này trở thành câu chào hỏi xã giao quen thuộc trong cuộc sống thường nhật lúc nào không hay. Sau này khi Hàn Quốc đã làm nên Kỳ tích sông Hàn và trở thành một trong 4 con rồng kinh tế châu Á khiến cả thế giới phải kinh ngạc, người Hàn khi gặp nhau vẫn hỏi thăm nhau như một thói quen cố hữu, rằng “đã ăn cơm chưa?”.

Thông thường, người Hàn sẽ dùng biểu hiện này để chào hỏi khi mối quan hệ đã bắt đầu thân thiết hoặc người mở lời có ý muốn tạo bầu không khí gần gũi. Nếu để ý, sẽ thấy những người lớn tuổi khi gặp người nhỏ tuổi thường sẽ có thói quen chào hỏi bằng biểu hiện này nhiều hơn, chính là bắt nguồn từ giả thuyết đã nêu phía trên.

“어디 가?” “어디 가세요?” – Bạn đi đâu đấy?

Có bao giờ đi trên đường, một người quen là người Hàn nhìn thấy bạn liền vui vẻ bước đến hỏi “Đi đâu đấy?” không?

Người Việt Nam vẫn thường chào hỏi người quen bằng biểu hiện này nên có thể cảm thấy bình thường. Trong khi đó, do khác biệt về văn hoá và tư tưởng, nhất là người đến từ các nước phương Tây – vốn đề cao tính cá nhân và sự riêng tư, sẽ cảm thấy vô cùng lạ lẫm không hiểu vì sao người Hàn cứ tò mò mình đi đâu để làm gì.

Vì không hiểu nên thoạt đầu họ sẽ trả lời chi tiết là đi đâu, đi đâu. Nhưng sau đó họ sẽ dần dần nhận ra, đây chỉ là một kiểu chào hỏi xã giao thông thường của người Hàn mà thôi.

Làm gì khi bị người Hàn Quốc chửi?

“수고하세요” – Bạn hãy vất vả đi~ (?)

Người Hàn thường hay sử dụng biểu hiện này như một câu chào tạm biệt hoặc khi muốn cảm thán về sự vất vả trong công việc của đối phương, mong muốn đối phương tiếp tục duy trì sự cố gắng. Trên thực tế, câu này mang nghĩa đen là:

“Bạn hãy tiếp tục làm việc và vất vả tiếp đi” – 더 일하고 고생하라는 뜻임

Vì vậy, dạo gần đây ngay chính người Hàn đôi khi cũng băn khoăn không biết dùng biểu hiện này để chào hỏi có đúng hay không vì sự lập lờ trong ý nghĩa.

Nhiều người trẻ cho hay, mặc dù đã trở thành thói quen khó bỏ, song họ cũng cố gắng hạn chế không dùng biểu hiện này khi tiếp xúc với người lớn tuổi hơn vì không muốn bị hiểu lầm là đang thất lễ.

Một số bình luận gợi ý thêm, “Thói quen ngôn ngữ rất khó bỏ, dù vậy có thể thay đổi dần dần bằng cách nói lời cảm ơn một cách trang trọng (감사합니다), hoặc dùng biểu hiện chào khi rời đi (먼저 들어가겠습니다 / 내일 뵙겠습니다), tuỳ tình huống mà sử dụng linh hoạt để cuộc đối thoại không bị gượng gạo.”

Tổng hợp từ Naver Blog

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).