Nhôm là kim loại được sử dụng rộng rãi làm dụng cụ nhà bếp như nồi, giấy bạc, hay hộp đựng thức ăn dùng một lần.

Mặc dù rất tiện lợi nhưng khi tiếp xúc với đồ ăn, thành phần nhôm có thể hoà vào thực phẩm và được cơ thể hấp thụ, đe doạ sức khoẻ của chúng ta.

Người yêu thích cắm trại, đặc biệt là cắm trại vào mùa đông thường sẽ không thể bỏ qua món khoai lang bọc giấy bạc (giấy nhôm) nướng trên bếp. Vài củ khoai nướng tuy thanh đạm nhưng cũng đủ để mang lại cảm giác ấm cúng cho buổi cắm trại mà nhiều loại cao lương mĩ vị khác không thể sánh được.

Nếu thường xuyên xem phim Hàn Quốc, bạn sẽ ít nhất một lần nhìn thấy những chiếc nồi hợp kim nhôm – niken vàng thường được dùng để nấu mỳ gói trong các cảnh quay ăn uống.

Người Hàn Quốc đặc biệt thích nấu mỳ trong loại nồi này, một phần vì giá thành nồi khá rẻ (có đủ loại giá chỉ từ 4.000 – 16.000 KRW tuỳ theo chất lượng).

Lý do còn lại được đưa ra là vì nhiều người tin rằng, mỳ gói nấu trong loại nồi nhôm vàng có hương vị thơm ngon hơn hẳn so với nấu trong các loại nồi khác. Niềm tin này mãnh liệt đến mức nhiều tín đồ mỳ gói tuyên bố rằng, nếu có ăn mỳ ở hàng quán ngoài đường, họ cũng nhất định chỉ ghé ăn ở nơi nào đun mỳ trong nồi nhôm vàng.

Nhôm có mặt khắp nơi trong nhà bếp

Nhôm là kim loại có mặt trong tự nhiên, khá nhẹ và có tính dẫn nhiệt cao. Nhờ đặc điểm này mà thức ăn khi đun bằng nồi nhôm cũng mau sôi và chín nhanh. Ngoài ra, dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nhôm không dễ bị rỉ sét nên được sử dụng rất nhiều trong gia đình và ở ngoài hàng quán.

Nồi hợp kim nhôm – niken là loại nồi có chất liệu nhôm được sử dụng phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Ngoài nồi nhôm – niken ánh vàng, nồi nhôm trắng và đen cũng được bày bán nhiều trên thị trường.

Màu sắc của nhôm khác nhau phụ thuộc vào yếu tố nhiệt độ, điện áp, loại hợp kim nhôm được sử dụng trong quy trình sản xuất nồi.

Bộ dụng cụ ăn bằng nhôm có khối lượng không đáng kể, thuận tiện cho việc mang theo bên mình mà không lo bị vỡ. Chúng cũng dễ dàng được tái chế và phân loại rác thải sau khi sử dụng. Do đó, nhiều người thường sử dụng hộp đựng bằng nhôm hay giấy bạc để đựng và gói thức ăn trong các hoạt động ngoài trời như cắm trại và dã ngoại.

Giấy bạc cũng là một dụng cụ nhà bếp vô cùng phổ biến vì tính hữu ích và đa năng. Giấy bạc không chỉ dùng để gói thực phẩm mà còn được tận dụng trong quá trình nấu nướng trực tiếp. Chắc hẳn người Việt không còn xa lạ với những món nướng như gà nướng, cá nướng giấy bạc.

Ở Hàn Quốc, các món nướng với lớp giấy bạc bao bọc bên ngoài như khoai lang, khoai tây nướng, thịt ba chỉ đông lạnh cũng là những món ăn “thần thánh” không thể bỏ qua vào những ngày trời se lạnh.

Người thường xuyên uống cà phê hoà tan cũng khó tránh khỏi kiếp chung sống với nhôm. Vì để ngăn chặn độ ẩm, nhiệt độ cao từ bên ngoài cũng như hiện tượng oxy hoá, nhiều nhà sản xuất sử dụng loại bao bì đóng gói có tráng một lớp nhôm mỏng ở trong. Một số loại cà phê hoà tan dạng viên nén cũng được đóng gói trong bao bì nhôm thay vì nhựa.

Cà phê Maxim, đồ uống quốc dân của Hàn Quốc cũng dùng giấy nhôm để đóng gói nhằm bảo quản tốt hơn.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson và Alzheimer

Dụng cụ bếp bằng nhôm rất tiện lợi, nhưng cũng không nên vì vậy mà chủ quan sử dụng một cách quá mức. Nhôm được xếp vào nhóm kim loại nặng, tức những kim loại có số nguyên tử cao và thường thể hiện tính kim loại ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt, nhôm có khả năng được hấp thụ vào cơ thể thông qua thực phẩm.

Năm 2018, Viện nghiên cứu Y tế và Môi trường tỉnh Gyeonggi đã thu thập 56 dụng cụ nấu bếp bằng nhôm, điển hình là sản phẩm nồi hợp kim nhôm-niken ánh vàng và tiến hành phân tích mẫu thực phẩm khác nhau được nấu từ những sản phẩm này.

Theo đó, tuy hàm lượng có thể khác nhau, song 100% thức ăn nấu trong nồi nhôm đều chứa thành phần nhôm tan ra trong quá trình chế biến. Đặc biệt, hàm lượng nhôm tan ra trong các nồi dùng để nấu canh kimchi và mỳ gói có phần cao hơn.

Theo Cục Quản lý an toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA), phần lớn lượng nhôm được hấp thụ vào cơ thể sẽ được thận lọc và thải ra ngoài trở lại. Vấn đề là thận không thể lọc hết hoàn toàn. Hấp thụ nhôm nói riêng và kim loại nặng quá mức sẽ dẫn đến triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Tích lũy nhôm trong cơ thể được chỉ ra là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson và Alzheimer. Theo Tạp chí Khoa học thần kinh Hàn Quốc, kết quả xét nghiệm chỉ số kim loại nặng trong cơ thể một thợ hàn ở độ tuổi 40 mắc bệnh bệnh Parkinson cho thấy, nồng độ nhôm trong huyết thanh của ông là 27,5 µg/L (microgam / lít).

Khi bệnh nhân ngừng công việc thợ hàn, nồng độ nhôm trong huyết thanh giảm xuống còn 2,4 µg / L và nằm trong mức bình thường (0-6 µg / L), các triệu chứng của bệnh cũng đồng thời được cải thiện. Ngoài ra, kết quả một số nghiên cứu dịch tễ học ở bệnh nhân Alzheimer cũng cho thấy, hàm lượng nhôm được tìm thấy trong não bệnh nhân Alzheimer cao hơn so với người khoẻ mạnh nói chung.

Nguy cơ hấp thụ nhôm từ dụng cụ bếp

Khi sử dụng dụng cụ bếp làm từ nhôm, bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định về sức khoẻ. Song trước sự phổ biến của nhôm hiện nay, rất khó để chúng ta loại bỏ thành phần này hoàn toàn trong quy trình chế biến đồ ăn.

Thay vào đó, người tiêu dùng có thể tập sử dụng đồ nhôm một cách an toàn, ít gây hại sức khoẻ hơn bằng cách tuân thủ một số điều sau.

Theo KFDA, thực phẩm có hàm lượng axit hoặc độ pH cao làm tăng khả năng hoà tan thành phần kim loại trong đồ nhôm. Do đó, không nên trữ thức ăn trong nồi nhôm, các loại hộp đựng bằng nhôm hay giấy bạc trong thời gian dài.

Khi chế biến thức ăn bằng nồi nhôm cũng như khi chà rửa, lưu ý cần phải nhẹ tay và sử dụng dụng cụ mềm. Ví dụ, miếng rửa bát kim loại có thể gây xước đồ nhôm, khiến nhôm dễ bị tróc ra. Ở những lần chế biến sau, thức ăn cũng có nguy cơ mắc kẹt ở những vết xước khó chà rửa, dẫn đến việc sinh sôi vi khuẩn.

Ngoài ra, ở giấy bạc khi đem nướng ở nhiệt độ cao, thành phần nhôm trong giấy dễ bị nóng chảy và hấp thụ vào thức ăn. Do đó, khi chế biến đồ nướng cần tránh sử dụng giấy bạc trực tiếp trên vỉ nướng để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dùng.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Money Today

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).