Ngày 25/11, “Hiệu ứng Werther” (베르테르 효과) đã lọt top đầu từ khóa tìm kiếm theo thời gian thực trên các cổng thông tin trực tuyến tại Hàn Quốc như Naver, Daum.

Hiệu ứng Werther là khái niệm nói về hiện tượng khi người nổi tiếng hay người mình kính trọng và yêu mến qua đời sẽ khiến bạn lựa chọn cái chết vì thấy bản thân giống với người đó, hoặc vì những cảm xúc khổ sở bị ảnh hưởng từ việc đó trở nên trầm trọng hơn. Nói cách khác, nạn nhân sẽ bị hoàn cảnh xung quanh gây ảnh hưởng về mặt tâm lý và dẫn đến lựa chọn cực đoan.

1. Nguồn gốc của khái niệm: Hiệu ứng Werther

Năm 1997, Johann Wofgang von Goethe giới thiệu tới công chúng cuốn tiểu thuyết: “The Sorrows of Young Werther” (Nỗi đau của chàng Werther).

Tác phẩm này xoay quanh nỗi đau đớn của chàng trai trẻ Werther khi không thể đến với người con gái mình yêu là Charlotte. Charlotte khi đó đã thuộc về một người đàn ông khác là Abert, người sau này cũng trở thành bạn của Werther. Sau nhiều dằn vặt, Werther quyết định cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này là một trong hai người: mình hoặc Charlotte phải ra đi. Chuyện tình ngang trái kết thúc sau khi Werther chấm dứt đời mình bằng khẩu súng của chính Albert.

Sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời tại châu Âu, giới trẻ đã thi nhau kết liễu sự sống và nhiều nạn nhân được tìm thấy trong phục trang giống hệt miêu tả của nhà văn Goethe về chàng Werther. Một số nạn nhân còn đặt bên cạnh mình khẩu súng giống như của Albert hoặc cuốn tiểu thuyết được mở sẵn tới đoạn Werther tự bắn mình.

Hiện tượng kỳ lạ này sau đó được nhà nghiên cứu xã hội David Philips đặt tên là Hiệu ứng Werther, hay còn gọi là copycat suicide (tự tử theo).

Theo nhà nghiên cứu David Phillips, nếu báo chí khai thác đề tài tự vẫn càng nhiều thì làn sóng tự sát theo sau sẽ càng lan rộng. Điều này tạo ra mỗi nguy hại tiềm tàng mỗi khi có một người nổi tiếng (những nhân vật thu hút truyền thông) ra đi.

Cách thức đưa tin cũng là một vấn đề đang lưu tâm, khi các cơ quan truyền thông khai thác quá kỹ về hình thức tự vẫn, hoặc cố gắng đưa những bài viết mùi mẫn, hoặc lý giải hành động tự vẫn như một lối thoát, giải phóng nhân vật khỏi những chịu đựng từ cuộc sống trầm cảm.

Những bài viết này sẽ khiến người xem đang gặp bế tắc vừa cảm thấy đồng cảm, vừa suy nghĩ nhiều về lựa chọn cực đoan để giải phóng mình khỏi bế tắc hiện tại.

2. Nỗi lo của truyền thông Hàn Quốc

Cụm từ này từng xuất hiện vào thời điểm 2 cố nghệ sĩ Ahn Jae Hwan (tên thật là Ahn Kwang Sung) và Choi Jin Sil qua đời. Những năm gần đây, sau cái chết của nam ca sĩ Jonghyun (SHINee) và mới đây là hai nữ ca sĩ Sulli Goo Hara thì cụm từ này ngày càng được quan tâm ở Hàn Quốc.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học y tế của Hàn Quốc, mạng xã hội, truyền thông có ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người dùng về vấn đề tự tử. Đặc biệt, khi đối tượng sử dụng Internet ngày càng trẻ, nguy cơ họ bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin này càng cao.

Vào tháng 12/2017, một fan hâm mộ người Indonesia đã cố gắng tự tử theo Jonghyun (SHINee).

Fan hâm mộ này đã đăng lên Twitter của mình những dòng trạng thái khá bất ổn. Cô viết: “Tôi có nên kết thúc cuộc đời mình không khi cả bố mẹ và thần tượng của tôi đều đã ra đi? Tôi tuyệt vọng lắm rồi”. Và status cuối cùng là: “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Bố, mẹ, anh Jonghyun, chúng ta sẽ gặp nhau sớm thôi”.

Sau đó, một người bạn của fan hâm mộ này đã tìm thấy bạn mình trong tình trạng bất tỉnh do uống thuốc quá liều. Ngay lập tức, cô gái được đưa tới bệnh viện và may mắn qua khỏi cơn nguy kịch.

Sau khi tỉnh lại, cô gái đã bày tỏ sự ân hận về hành động của mình và gửi lời xin lỗi và cảm ơn tới cộng đồng fan SHINee. Rất nhiều lời hỏi thăm từ fan SHINee cũng như fandom khác đã được gửi tới cô gái này.

3. Chúng ta phải làm gì?

Rất nhiều tổ chức phòng chống tự tử và hành động về sức khỏe tâm lí đã kiến nghị để các trang web tin tức truyền thông tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Một vài nguyên tắc này là:

  • Luôn cung cấp những câu chuyện về việc tự tử cùng với những thông tin phòng chống tự tử, bao gồm số điện thoại của các đường dây nóng và website ngăn chặn tự tử
  • Đề cập rằng việc trầm cảm mà không được điều trị là nguyên nhân số một dẫn đến tự tử
  • Nhấn mạnh rằng bất cứ ai bị trầm cảm đều cần được giúp đỡ ngay lập tức
  • Tránh đăng bài về những chi tiết cụ thể mà những người muốn bắt chước có thể học theo được, bao gồm phương pháp tự tử nạn nhân sử dụng
  • Tránh lãng mạn hóa chuyện tự tử hoặc làm cho nó trông có vẻ như một câu chuyện thú vị
  • Tránh sử dụng từ “tự tử” trong các tiêu đề báo nếu có thể

Nhưng mục tiêu của truyền thông là thu hút độc giả, nhiều khi họ bắt buộc phải dùng những ngôn từ mạnh để thu hút nhiều người xem. Tin tiêu cực và tích cực cũng là hai mặt xấu và tốt của cuộc sống mà chúng ta cần phải đối diện. Đôi khi, độc giả có xu hướng phản ứng nhiều hơn với tin tiêu cực theo bản năng tự vệ – “À, đây là việc xấu. Mình cần biết để tránh!”.

Vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ mình là mỗi chúng ta phải học cách tiếp nhận và xử lý những tác động tiêu cực trên báo chí cũng như trong cuộc sống.

Mặc dù không phải là fan của các nghệ sĩ Hàn Quốc, nhưng rõ ràng khi đọc tin buồn về họ, ta cũng sẽ bị ám ảnh và thấy tâm trạng down cả ngày. Đó là cảm xúc hết sức tự nhiên, bạn hãy đối diện với nó chứ không nên lảng tránh.

Giám đốc Kwak Hyun Jong của Trung tâm Tâm lý Trị liệu Gangnam cho biết: “Tốt nhất là nên tách bản thân ra khỏi người đã mất. Sự ra đi của những người ta tôn trọng hay quý mến sẽ có ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý đối với mỗi người. Tuy nhiên, ta phải chấm dứt việc quá đắm chìm trong đau buồn cũng như hoài nghi về cuộc sống hay đánh đồng bản thân với người đã mất. Cùng với đó, chúng ta phải tìm cách giải tỏa nỗi đau ấy.

Cách tốt nhất chính là cứ để bản thân buồn bã như vậy. Mặc sức thể hiện những cảm xúc tiếc thương, áy náy, u uất, phẫn nộ thay vì kìm nén nỗi buồn của bản thân sẽ giúp ích trong trường hợp này. Hãy nói ra tâm tư này cùng với những người thân cận và chữa lành vết thương lòng bằng nước mắt. Đó là cách giúp chúng ta sẵn sàng quay trở lại với cuộc sống bình thường sau khi đã đau buồn đủ nhiều”.

Kế đến, ông cũng nói thêm: “Tốt hơn hết là hãy cố gắng thay đổi tâm trạng. Đây là khái niệm khởi đầu cho việc chăm sóc bản thân nhằm quay trở lại cuộc sống thường nhật. Việc bắt đầu làm những điều mình yêu thích để thay đổi tâm trạng sẽ giúp mang đến tác động tích cực. Nếu thường xuyên cảm thấy bị kích động muốn làm chuyện cực đoan, bạn nên cố trì hoãn cảm xúc ấy lại và hỏi xin sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.

Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích việc tiếp nhận sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Hãy suy nghĩ tích cực, nhất định sẽ có cách giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải. Tôi mong mọi người sẽ vượt qua khó khăn bằng cách tâm niệm rằng: Mình mạnh mẽ hơn mình tưởng, giai đoạn khó khăn này rồi cũng sẽ qua, và nó sẽ khiến mình trở nên trưởng thành hơn”.

4. Làm sao để nuôi dưỡng sự điềm tĩnh?

Một trong những cách hiệu quả để nuôi dưỡng tâm hồn, chính là luyện tập để có sự điềm tĩnh. Và để dưỡng sự điềm tĩnh chính là tin tưởng.

Kẻ thù của sự điềm tĩnh là những cảm xúc tiêu cực, như giận dữ và ghét bỏ, những điều mang đến trạng thái đau khổ. Những cảm xúc tiêu cực này được hình thành trong tâm trí vì tâm trí như miếng bọt biển, thấm hút cả những điều tiêu cực lẫn tích cực. Song, điều đáng tiếc là tâm trí có xu hướng hấp thụ các cảm giác tiêu cực nhanh hơn tích cực.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tiếp nhận trong vô thức rất nhiều thông tin tiêu cực, như mất mát do chiến tranh, sự thù ghét lẫn nhau, chủ nghĩa tiêu thụ, nhu cầu phải có thêm một điều gì đó…

Nếu ví tâm trí như ly nước lọc và từng thông điệp hỗn độn đó là một giọt mực rơi vào ly nước, thì đến cuối ngày, “ly nước” của chúng ta đều có thể trở nên đục ngầu. Khi đó, nếu một tình huống khó khăn nào xảy đến, chúng ta sẽ có xu hướng phản ứng với sự giận dữ và căm ghét.

Sau khi nhận ra nguồn gốc của sự mất bình tĩnh và hiểu rằng chúng ta có thể kiểm soát ham muốn của chính mình để ngưng đau khổ, chúng ta có thể bắt đầu chuyển hướng nuôi dưỡng một tâm trí bình yên. Mỗi ngày, hãy hướng về những niềm vui có tính chất thuận theo tự nhiên, chúng ta sẽ dần rời xa thói quen tiếp nhận các suy nghĩ tiêu cực trước kia. Dần dần, chúng ta có thể điềm nhiên đón nhận những thay đổi của cuộc sống.

Một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng trạng thái điềm nhiên chính là thực hành chánh niệm. Thiền định là bài tập dành cho tâm trí, nơi khởi nguồn của những cảm xúc tiêu cực lẫn khát khao khó kiểm soát.

Thiền định cho phép chúng ta:

  • Học cách xử lý những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình
  • Kết nối với bình an nội tâm
  • Dọn dẹp những ý nghĩ gây vẩn đục tâm trí
  • Kiểm soát các ham muốn
  • Chấp nhận bản chất của thế giới là không thể bị kiểm soát

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).