Giáng Sinh vốn là dịp xum họp bên gia đình để cùng nhau tổng kết lại một năm đã qua trong không khí đầm ấm, vui vẻ.

Vào dịp này, người Hàn Quốc ra đường nhiều hơn, họ tranh thủ chơi bời, ăn uống, thăm viếng bạn bè trước khi sang tuần mới. Nhưng Noh Jae Moon, một người đàn ông trung niên, chẳng bận rộn như nhiều người khác. Anh chỉ ngồi đơn độc trong một quán cà phê và thưởng thức cốc cà phê.

Làm “ngỗng trời” để củng cố đời con

Noh Jae Moon là một trong những “ông bố ngỗng” (기러기 아빠 – gireogi appa). Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những ông bố đưa con và vợ sang các nước sử dụng tiếng Anh để du học, trong khi bản thân mình ở lại quê nhà làm việc, kiếm tiền trang trải cho cả gia đình. Vợ và con của Noh đang sống tại bang California, Mỹ trong ba năm qua.

Rất nhiều gia đình Hàn Quốc chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Họ đưa con sang các nước nói tiếng Anh với mong muốn con mình nói tiếng Anh lưu loát mà không phải chịu áp lực học hành căng thẳng ở quê nhà.

Trào lưu đưa con sang nước ngoài bắt đầu bùng nổ tại Hàn Quốc từ thập niên 90 do nhiều phụ huynh muốn con mình có nền giáo dục văn minh, khoa học hơn. Tại những nước nói tiếng Anh như Mỹ, New Zealand, Canada, trẻ em cảm thấy rất thoải mái khi tới trường và giáo viên luôn khuyến khích học trò sáng tạo, chứ không học theo kiểu ghi nhớ và nhồi nhét kiến thức.

Những đứa trẻ được cho học nước ngoài từ sớm như thế sẽ trở về nước với khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo – điều mà các doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa chuộng.

Anh Noh Jae Moon không biết chắc khi nào vợ và hai con của anh sẽ trở về Hàn Quốc, bởi chúng có thể tiếp tục tới trường đại học và tìm việc ở California sau khi chúng tốt nghiệp.

Anh chia sẻ: “Con của tôi có quyền quyết định những thứ chúng muốn. Hiện giờ tôi chỉ cố gắng hết sức để có thể hỗ trợ chúng. Tất nhiên, tôi vẫn thấy nuối tiếc cảm giác hạnh phúc của một gia đình đầy đủ”.

XEM THÊM: Địa ngục Joseon có gì? Sự bất công nào khiến 75% giới trẻ Hàn Quốc muốn rời bỏ tổ quốc?

Những gia đình “ngỗng trời” bế tắc

Vợ con trong gia đình các “ông bố ngỗng” khi ra nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do không chuẩn bị kỹ kế hoạch trước khi rời Hàn Quốc. Năng lực tiếng Anh không đủ tốt khiến trẻ thường vất vả khi hòa nhập với môi trường mới còn bà mẹ thì bị cô lập và trầm cảm trong thế giới xa lạ.

Australia có dịch vụ tái định cư và hỗ trợ ngôn ngữ nhưng các dịch vụ này chỉ có tác dụng không đáng kể.

Các gia đình “ngỗng trời” Hàn Quốc mới đến nước khác thường có xu hướng tìm đến những nơi có nhiều người nói tiếng mẹ đẻ. Cuộc sống và các hoạt động của họ cũng tập trung ở nhà thờ Hàn Quốc nào đó trong vùng. Họ khó trở nên gắn kết xã hội với người dân nước sở tại.

Đối với các gia đình có con lớn, sau vài năm, họ nhận thấy khó trở về Hàn Quốc cho dù muốn. Những đứa trẻ lớn này giờ đã bị các bạn đồng lứa ở Hàn Quốc bỏ quá xa và sẽ rất khó để các em tái hòa nhập vào hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Do đó, cuộc sống tưởng như tạm thời ở xứ người lại hóa ra cuộc sống dài lâu. Hậu quả là gia đình “ngỗng trời” bị tắc giữa hai thế giới.

Bi kịch lớn nhất mà một ông bố ngỗng có thể gặp phải là dần dần trở nên xa cách với chính vợ con mình rồi cuối cùng bị vợ yêu cầu… li dị. Bi kịch này đã từng được chuyển thể thành phim “Độc hành” ( A single rider) năm 2017 với sự tham gia của nam diễn viên Lee Byung Hun.

Lee Byung Hun đóng vai một ông bố ngỗng, kiêm giám đốc chi nhánh thuộc một công ty chứng khoán lớn ở Hàn Quốc. Nhưng sự nghiệp của anh đột ngột lao dốc khi số lượng lớn cổ phiếu anh tư vấn cho khách hàng mất giá trầm trọng.

Bế tắc trong công việc, anh quyết định mua vé máy bay, ghé thăm vợ mình là Soo Jin (Gong Hyo Jin), hiện sống tại Úc. Tại đây, anh phát hiện ra vợ mình có quan hệ cùng người đàn ông hàng xóm Australia tên Chris hành nghề công nhân xây dựng.

Đây là một trong những sự thực đau lòng mà không thể trách là lỗi của ai. Gia đình – tên gọi đó chỉ có ý nghĩa khi các thành viên luôn sát cánh bên nhau.

PHIM MỚI CỦA LEE BYUNG HUN: Thảm họa núi Baekdu

Những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai

Về mặt lý thuyết là tất cả cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, song những ông bố ngỗng phải đối mặt với vô số thách thức trong những năm sống chia tách với gia đình.

Một giáo sư Hàn Quốc từng phỏng vấn 151 “bố ngỗng” và nhận thấy khoảng 70% số họ rơi vào trạng thái trầm uất, 77% hứng chịu các vấn đề sức khỏe do chế độ dinh dưỡng kém.

Trong gia đình Hàn Quốc, người mẹ thường đảm nhiệm việc nấu nướng nên nếu người phụ nữ ra nước ngoài, một bộ phận đàn ông không thể tự nấu bữa. Lạm dụng rượu cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở các “bố ngỗng”.

Để đối phó với áp lực do cuộc sống đơn độc mang tới, những ông bố ngỗng dành nhiều thời gian cho các sở thích như nấu ăn hay tập thể thao. Vào mỗi buổi tối, sau khi hoàn thành công việc ở một công ty vận tải biển quốc tế, anh tới một câu lạc bộ thể hình để tập luyện, sau đó trở về nhà để ăn tối và gọi cho vợ, con ở California.

Nam diễn viên hài kỳ cựu Kim Heung Kuk có tới 13 năm kinh nghiệm làm “bố ngỗng”. Ông mua vui cho khán giả trên sân khấu và trở về căn nhà trống trải không bóng người mỗi ngày.

Ngoài cảm giác cô đơn, “bố ngỗng” còn phải đối mặt với áp lực chu cấp tài chính cho bản thân và vợ, con. Chi phí học tập, sinh hoạt của hai đứa con và vợ Noh tại Mỹ lên tới 56.500 USD mỗi năm. Noh thừa nhận anh phải cố gắng hết sức mới có thể kiếm đủ khoản tiền ấy.

Tình hình tài chính không dư dả đồng nghĩa với số lần đoàn tụ ít ỏi. Noh nói anh thăm vợ, con ở Califorina hai lần mỗi năm, bởi nếu gia đình anh trở về Hàn Quốc thì chi phí sẽ cao gấp ba lần.

Áp lực tài chính cũng khiến những “bố ngỗng” không dám tới các nhà hàng, quán cà phê hay khao bạn bè. Nhiều người đàn ông phải giảm những hoạt động giao du và dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động đơn độc.

Thông thường vì lòng tự tôn nên những những “bố ngỗng” hiếm khi thừa nhận những điểm yếu hoặc nhờ vả người khác giúp họ vượt qua gánh nặng tâm lý của tình trạng xa gia đình. Vì thế phần lớn “bố ngỗng” không nhận được sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống cô đơn trong chính ngôi nhà của họ.

Giới chuyên gia đang tranh luận về việc hỗ trợ cho những “bố ngỗng” như tư vấn tâm lý hay thành lập những trung tâm cộng đồng để họ có thể giao lưu với nhau. Hy sinh cho con là điều tốt, nhưng bố mẹ có hạnh phúc trước thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho con cái được – một chuyên gia xã hội Hàn Quốc kết luận.

Chuyện những ông bố ngỗng gây nhiều tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc bởi nó ảnh hưởng quá lớn đến hạnh phúc gia đình của mỗi cá nhân. Nhưng không thể phủ nhận, sự hy sinh thầm lặng của những ông bố ngỗng cũng từng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế Hàn Quốc nói chung, tạo nên Kỳ tích sông Hán.

BẠN CÓ BIẾT: Người già ở Hàn Quốc cũng phải làm việc đến hơi thở cuối cùng?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).