Một ông cụ ở thành phố Busan đã không đổ rác và tích trữ đồ đạc trong nhà suốt 20 năm liền. Khi hàng xóm xung quanh không chịu được mùi hôi thối từ căn hộ của ông, họ buộc phải báo cho cơ quan chính quyền địa phương.

Các nhân viên phúc lợi đã phải nửa dỗ dành, nửa cưỡng chế để ông cụ cho phép họ dọn dẹp căn nhà. 10 nhân viên phúc lợi đã phân loại không ngừng nghỉ trong suốt 1 tuần và thu gom được hơn 20 tấn rác, trong đó có tới 30 nồi cơm điện cũ.

Ngoài đồ đạc vốn có trong nhà, trong 20 năm qua, ông cụ còn tích trữ cả đồ đồng nát thu lượm từ những bãi rác xung quanh khu vực sinh sống.

Ở Hàn Quốc ngày càng có nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi mắc “hội chứng đồng nát”, hay gọi theo thuật ngữ chuyên ngành là Hội chứng rối loạn tích trữ.

Hội chứng rối loạn tích trữ (저장강박증, Compulsive hoarding) là thuật ngữ dùng để chỉ các hành vi tích trữ một cách quá mức những vật ít giá trị hoặc thậm chí hoàn toàn vô giá trị (như giấy vụn, vỏ lon bia, quần áo cũ…), đồng thời vì điều này mà người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh hoạt cơ bản như di chuyển, nấu ăn, vệ sinh cá nhân, ngủ…

Theo các nhà khoa học, hội chứng này xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, tình trạng bệnh sẽ rõ rệt hơn khi chúng ta về già.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn tích trữ này khoa học chưa thể giải thích được đầy đủ. Các chuyên gia cho rằng, hội chứng này có thể là hệ quả của một bệnh khác như: ưa sự lộn xộn, sợ di chuyển, quá lưu luyến các món đồ đã mua.

Theo thống kê, những người mắc Hội chứng rối loạn tích trữ ở Hàn Quốc chủ yếu là người già nhưng sống cô độc hoặc bị gia đình bỏ rơi nhiều năm. Điều này khiến họ cảm thấy cô đơn, bị trầm cảm hoặc rơi vào ối loạn lo âu hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể phân loại và xử lý các vật dụng xung quanh họ.

Những người mắc hội chứng này còn ảnh hưởng tới hàng xóm, vì ngôi nhà của họ không khác gì một bãi rác. Đây cũng là “ám ảnh kinh hoàng” với những nhân viên phúc lợi mỗi khi phải đến thu dọn rác thay cho họ.

Mỗi một đợt thu gom phải cần huy động hàng chục người, nhiều chuyến xe tải mới có thể chở hết rác.

Tuy nhiên, bạn cần phải phân biệt giữa tích trữ và sưu tầm. Người sưu tầm coi nó như một vinh hạnh và không làm giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, người tích trữ thu nhập mọi thứ họ thấy và thường có cuộc sống không lành mạnh.

Chữa trị

Các chuyên gia cho rằng chứng rối loạn tích trữ không phải là một căn bệnh dễ dàng chữa trị, cả khi người bệnh muốn hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia có thể giúp người bệnh hiểu tại sao họ gặp khó khăn trong việc vứt bỏ các thứ vô dụng và làm sao đống bừa bộn hình thành.

Người bệnh cần học cách tự giác vứt bỏ dần các đồ đạc không cần thiết và trải nghiệm rằng việc này khiến cuộc sống của họ dễ chịu hơn.

Trong một vài trường hợp, người mắc bệnh có thể dùng chất ức chế serotonin (SSRIs) vì thuốc sẽ mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát căn bệnh.

Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo những người trẻ nên rèn luyện cho mình lối sống tối giản – chỉ mua những đồ dùng thực sự cần thiết và học cách sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để có cuộc sống hiệu quả và thành công hơn.

TIN LIÊN QUAN:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).