Hôm qua đánh dấu 57 năm ngày cố tổng thống độc tài Park Chung Hee lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của tổng thống Yun Bo Seon, mở đầu cho giai đoạn độc tài mới kéo dài 16 năm (1963 ~ 1979).

Đây không phải là ngày kỉ niệm ở Hàn Quốc, nhưng nếu tìm từ khóa 5월 16일 군사정변 sẽ thấy báo chí Hàn Quốc không bao giờ quên ngày này; là ngày Hàn Quốc bắt đầu chuyển mình từ giai đoạn hỗn mang, ngèo đói và lạc hậu sang giai đoạn đến cả cỏ cây cũng phải đi vào khuôn phép – giai đoạn kinh tế và giáo dục bắt đầu phát triển vượt bậc…

Cả cuộc đời Park Chung Hee là khối mâu thuẫn. Ông bắt quốc dân (và cả chính mình) phải làm việc tối đa trong điều kiện sống tối thiểu và một mực tuân theo những quy định sắt đá của quân đội. Nhiều triệu người nghe ông, nhưng cũng hàng triệu người oán hận ông vì không được sống cuộc sống của con người (làm việc quần quật 14 ~ 16 tiếng mỗi ngày, không được hưởng thụ thành quả làm ra…) ~ con trâu con bò có khi còn đỡ khổ hơn.

Nếu được hỏi NẾU KHÔNG CÓ PARK CHUNG HEE HÀN QUỐC CÓ ĐƯỢC NHƯ NGÀY HÔM NAY KHÔNG thì cả những người yêu và ghét ông đều chỉ có một câu trả lời chung là KHÔNG. Tầm nhìn của Park Chung Hee hướng đến vị thế hùng mạnh của Hàn Quốc trong vài chục năm tiếp theo, và không chỉ có thế, nó còn là một chuẩn mực để các quốc gia nghèo đói và lạc hậu khác phải học hỏi nếu muốn đi lên thành cường quốc kinh tế.

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế làm nên KỲ TÍCH SÔNG HÁN của Park Chung Hee như: xây dựng đường cao tốc Seoul – Busan với chi phí thấp không tưởng, xây dựng phong trào nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và xuất khẩu… Ông cũng đã gây nên TỘI LỚN “đi ngược lại lòng dân” khi dám ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản (ngày 22/6/1965), quốc gia 20 năm trước đó vẫn còn đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Mặt tích cực của việc ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản là Hàn Quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn về tài chính cũng như kỹ thuật trong giai đoạn sơ khai của nền kinh tế dựa vào công nghiệp nặng (sản xuất, chế tạo, dệt may, khai khoáng, đóng tàu…). Còn mặt trái của nó là phải hứng chịu cơn thịnh nộ của người dân, những người không thể hình dung được việc phải “tay bắt mặt mừng” với những kẻ đô hộ mình hàng trăm năm qua.

Cũng như chính cuộc đời của Park Chung Hee, việc ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vẫn gây tranh cãi đến ngày hôm nay. Đứng về mặt lịch sử không ai chấp nhận điều này, nhưng, bạn sẽ chọn sống nghèo đói cùng lịch sử hay chấp nhận đánh đổi vì tương lai tươi sáng hơn cho quốc gia và quốc dân?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).