Bên cạnh phim truyền hình, nền điện ảnh của Hàn Quốc từ lâu đã được công nhận nằm trong nhóm mạnh nhất châu Á với rất nhiều bộ phim hay được khán giả toàn thế giới mến mộ.

Và không chỉ dừng lại ở khu vực châu Á, bộ phim Ký Sinh Trùng còn vinh dự là một trong những bộ phim điện ảnh châu Á hiếm hoi đoạt giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2019 diễn ra ở Pháp hồi tháng 5/2019 và 4 giải thưởng vô tiền khoáng hậu tại Oscar 2020.

Chính vì sự thành công của nền điện ảnh nước nhà mà không hiếm trường hợp phim Hàn đánh bại những phim Hollywood cực hay phát hành cùng thời điểm. Đơn cử như bộ phim Biến Thân (Metamorphosis) đã đánh bại Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw để đứng đầu phòng vé ở Hàn Quốc cùng thời điểm.

Những bộ phim dưới đây đã thu hút tới hơn 10 triệu lượt khán giả cho riêng mình và vì lọt vào danh sách những phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc.

1. Parasite (2019)

– Tên tiếng Hàn: 기생충 (Ký Sinh Trùng)
– Khán giả: 10.080.796 người

Ngoài thành tích phòng vé, Ký Sinh Trùng còn giành giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) lần 72 vào ngày 25/5/2019. Theo Naver, trong lịch sử 100 năm của điện ảnh Hàn, chưa ai làm được điều tương tự Bong Joon Ho. Ký Sinh Trùng khiến giới chuyên môn có cái nhìn tích cực về phim điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Ký Sinh Trùng của là bộ phim nước ngoài đầu tiên xuất sắc đoạt 4 giải thưởng lớn tại lễ trao giải Oscar 2020.

Poster của phim điện ảnh Ký Sinh Trùng, một trong những bộ phim Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại.

2. Extreme Job (2019)

– Tên tiếng Hàn: 극한직업 (Phi vụ Bá đạo)
– Khán giả: 16.264.806 người

Extreme Job lấy nội dung xoay quanh nhóm 5 thám tử với nhiệm vụ lật đổ một tổ chức tội phạm. Để làm được việc đó, họ phải cải trang và giấu đi thân phận thực.

Cả nhóm bắt đầu vào làm tại một nhà hàng gà, nhưng không ngờ món gà lại quá ngon và nhà hàng trở nên siêu nổi tiếng trong vòng, khiến cả đội rơi vào một tình huống trớ trêu không lường trước được gì. Biệt đội này toàn những gương mặt ấn tượng như Ryu Seung Rong, Lee Honey, Lee Dong Hwi.

3. Along With The Gods: The Last 49 Days (2018)

– Tên tiếng Hàn: 신과함께-인과 연 (Thử Thách Thần Chết: 49 Ngày Cuối Cùng)
– Khán giả: 12.276.115 người

Bộ phim là phần tiếp theo của Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới. Chàng trai Su Hong đã được chọn là linh hồn thuần khiết thứ 49 cần giúp đỡ, cũng là linh hồn thuần khiết cuối cùng để cả 3 vệ thần hoàn thành sứ mệnh. Sau sứ mệnh này, họ cũng sẽ đầu thai làm kiếp người mới.

Tuy nhiên trong cuộc hành trình 49 ngày cuối cùng này, thân phận của 3 vệ thần dần được hé lộ. Mọi thứ bắt đầu gay cấn hơn khi họ dần lấy lại những ký ức bi kịch của kiếp trước thông qua Gia Thần – một vị thần có quyền lực và vai trò không hề nhỏ ở dương thế.

4. Along With The Gods: The Two Worlds (2017)

– Tên tiếng Hàn: 신과함께: 죄와 벌 (Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới)
– Khán giả: 14.410.748 người

Bộ phim được chuyển thể dựa trên tác phẩm truyện tranh cùng tên, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Kim Yong Hwa với kinh phí khủng lên đến 35 triệu USD.

Bộ phim xoay quanh cuộc hành trình sau cái chết của người lính cứu hỏa có trái tim thuần khiết tên Ja Hong (Cha Tae Hyun). Vì cứu 1 đứa trẻ khỏi hỏa hoạn, anh đã qua đời và phải trải qua các thử thách của 7 vị thần cai quản địa giới để được đầu thai.

Đi theo và bảo vệ Ja Hong trong mỗi thử thách là 3 hộ thần của Chúa Tể Yeomra: Gang Lim (Ha Jung Woo), Hewonmak (Joo Ji Hoon) và Duk Choon (Kim Hyang Gi).

5. A Taxi Driver (2017)

– Tên tiếng Hàn: 택시운전사 (Tài xế Taxi)
– Khán giả: 12.186.205 người

A Taxi Driver dựa trên câu chuyện có thật về một phóng viên người Đức có tên Jurgen Hinzpeter và anh lái taxi Kim Sa Bok trên chuyến hành trình từ Seoul đến Gwangju để theo đuổi mục đích riêng.

Trong khi Peter muốn đến Gwangju để tìm kiếm sự thật về một điều bí ẩn sắp xảy ra tại đây thì Sa Bok lên đường bởi khoản tiền xe khá lớn được trả để trang trải cuộc sống.

Poster của phim A Taxi Driver, một trong những bộ phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất về đề tài phong trào dân chủ sinh viên.

Cả 2 đều không biết rằng, đón chờ họ tại đích đến chính là cuộc bạo loạn dẫn đến nguy cơ chết chóc của hàng ngàn người vô tội.

Xoay quanh Phong trào dân chủ Gwangju năm 1980, A Taxi Driver đã khiến phòng vé Hàn Quốc chao đảo suốt tháng 8/2017 và gặt hái được nhiều giải thưởng tại các lễ trao giải trong nước.

Tại lễ trao giải Rồng Xanh 2017 (Blue Dragon), bộ phim là chủ nhân của hai giải quan trọng là Phim hay nhấtNam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Song Kang Ho.

6. Train to Busan (2016)

– Tên tiếng Hàn: 부산행 (Chuyến tàu sinh tử)
– Khán giả: 11.566.862 người

Phim có nội dung kể về chuyến tàu kinh hoàng từ Seoul đến Busan, khi những người trên tàu phải đối mặt với đại dịch xác sống biến con người thành loài ác quỷ zombie khủng khiếp.

Cùng với những hành khách may mắn trên tàu, nhóm của Seok Woo (Gong Yoo) phải cố gắng thoát khỏi lũ zombie, tìm kiếm đường sống cho chính mình.

Đây có lẽ là tác phẩm quốc dân của Hàn Quốc được nhiều khán giả Việt Nam biết đến nhất. Xoay quanh cuộc chiến với loại virus thây ma đang lây lan nhanh chóng trên chuyến tàu KTX tới Busan, live-action đầu tiên của đạo diễn Yeon Sang Ho không chỉ nhận được phản hồi tích cực tại Cannes mà còn gây bão tại các rạp chiếu nhờ nội dung kịch tính, nhân văn.

7. Assassination (2015)

– Tên tiếng Hàn: 암살 (Sứ mệnh truy sát)
– Khán giả: 12.706.483 người

Tác phẩm lấy bối cảnh năm 1933, khi bán đảo Hàn Quốc bị quân Nhật chiếm đóng. Nhiều chiến binh phải sống lưu vong ở Trung Quốc để tổ chức các cuộc kháng chiến từ xa. Một tin tình báo cho biết người chỉ huy tối cao của phát xít Nhật sẽ đến thăm Hàn Quốc. Bởi thế, họ bắt đầu lên kế hoạch ám sát tên này.

Phim có sự tham gia của các diễn viện Jeon Ji Hyun, Lee Jung Jae, Ha Jung Woo. Quy tụ dàn diễn viên hạng A hoành tráng, không khó hiểu khi Assassination lại thu hút khán giả ngay từ những tuần đầu công chiếu.

Kinh phí sản xuất của tác phẩm này cũng cực kì khủng, lên tới 18 tỉ KRW. Assassination từng thắng hai giải Phim hay nhất tại Blue Dragon 2015 và Baeksang 2016.

8. Ode to My Father (2014)

– Tên tiếng Hàn: 국제시장 (Hứa với cha)
– Khán giả: 14.262.507 người

Trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc Hàn 1950-1953, hàng trăm ngàn người tị nạn ở Bắc Triều Tiên được vận chuyển di tản về phía Nam bởi các con tàu Hải quân Hoa Kỳ, cậu bé Deok Soo đã không may lạc em gái Mak Soon.

18 phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc với hơn 10 triệu khán giả

Toàn bộ tác phẩm chính là câu chuyện về cuộc đời của Deok Soo, cùng những câu chuyện nhỏ bên gia đình, nỗ lực tìm kiếm em gái và tìm kiếm hạnh phúc, sự đoàn tụ sau chiến tranh.

Xoay quanh những người Hàn bị chia cắt gia đình vì chiến tranh hai miền, Ode to My Father là tác phẩm từng lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Tuy nhiên, vào thời điểm công chiếu, nó cũng gặp phải không ít tranh cãi giữa các phe phái chính trị và thậm chí còn bị gọi là một bộ phim bi lụy hạng thấp.

9. The Admiral: Roaring Currents (2014)

– Tên tiếng Hàn: 명량 (Đại Thủy chiến)
– Khán giả: 17.615.165 người

Tác phẩm của đạo diễn Kim Han Min nói về trận hải chiến Myeongnyang vào ngày 26/10/1597. Thủy quân chỉ gồm 12 chiến thuyền của đô đốc Yi Sun Shin đã đánh bại toàn bộ quân Nhật đông và mạnh, tạo nên chiến thắng lịch sử rạng danh dân tộc.

Với con số 17.615.152 người dân Hàn ra rạp, đây là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đạt doanh thu lên đến 100 triệu USD.

Sau hơn 5 năm, tác phẩm có nội dung cúng cụ này vẫn rất vững vàng ở ngôi vương. Không biết bao lâu nữa mới có một phim xô đổ được kỉ lục của Hải chiến Myeongnyang.

10. The Attorney (2014)

– Tên tiếng Hàn: 변호인 (Người luật sư)
– Khán giả: 11.374.879 người

Là bộ phim tâm lý của đạo diễn Yang Woo Seok. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một luật sư dân quyền trong những năm 1980. Đó là Song Woo Suk, một luật sư nghèo, không tiền, không quyền lực, đến ngay cả cái dây đeo cặp cũng ngắn. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với 5 buổi biện hộ trước tòa và giành chiến thắng trong nhiều vụ kiện, giúp tên tuổi vang xa, trở thành luật sư tên tuổi và kiếm tiền giỏi nhất ở thành phố Busan.

The Attorney là một trong ba phim 10 triệu vé của thần tài Song Kang Ho. Với nội dung xoay quanh Vụ án Burim có thật trong giai đoạn nắm quyền của tổng thống độc tài Chun Doo Hwan, tác phẩm này từng bị khống chế truyền thông dưới thời tổng thống Park Geun Hye, khiến cho bản thân bộ phim lẫn các diễn viên phải chịu nhiều thiệt thòi. Mặc dù vậy, The Attorney vẫn được người dân Hàn Quốc đón nhận nhiệt tình tại rạp.

11. Miracle in Cell No. 7 (2013)

– Tên tiếng Hàn: 7번방의 선물
– Khán giả: 12.811.435 người

Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7 là câu chuyện đẫm nước mắt về Yong Goo – một người đàn ông mắc bệnh chậm phát triển bỗng bị kết oán tù oan dẫn đến tử hình. Quá bất mãn trước cái chết thương tâm đầy oan khuất, cô con gái sau khi lớn lên đã xin mở lại một phiên tòa xét xử, tìm lại công bằng cho người cha quá cố.

Mức hòa vốn của bộ phim chỉ là 1,7 triệu vé nhưng cuối cùng, nó đã thu hút tới gần 13 triệu khán giả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của tác phẩm này là khi đó bộ phim được chiếu vào dịp nghỉ Tết Âm lịch kéo dài ở Hàn Quốc, thời điểm các gia đình thường đến rạp xem phim.

12. Masquerade (2012)

– Tên tiếng Hàn: 광해, 왕이 된 남자 (Hoàng đế giả mạo)
– Khán giả: 12.323.595 người

Đây là phim điện ảnh thứ tư của đạo diễn Choo Chang Min và là phim cổ trang đầu tiên mà nam diễn viên Lee Byung Hun tham gia. Masquerade dựa trên một phần lịch sử về cuộc đời Gwang Hae – vị vua thứ 15 của triều đại Joseon, một vị hoàng đế tài năng nhưng vô cùng tàn bạo.

Bị hoang tưởng rằng có kẻ muốn ám sát mình, vua Gwang Hae (Lee Byung Hun thủ vai) ra lệnh cho tể tướng Heo Guyn tìm một kẻ đóng thế mình. Heo Guyn tìm ra Ha Seon – một kẻ diễn hài trong lầu xanh có ngoại hình giống vua như hai giọt nước. Không lâu sau đó, nhà vua bị đầu độc thật, tể tướng đề nghị Ha Seon tiếp tục đóng vai hoàng đế cho đến khi Gwang Hae khỏi bệnh hẳn.

Từ một gã lang thang chuyên mua vui cho thiên hạ, Ha Seon dần quen với vai diễn người trị vì quốc gia. Có tính cách nhân hậu hơn Gwang Hae, Ha Seon điều hành quốc gia theo cách riêng của mình và dần tạo nên một sự thay đổi tích cực trong hoàng cung. Ngay cả tể tướng cũng bị lay động bởi lòng nhân ái mà hoàng đế giả mạo dành cho những người hầu có thân phận thấp hèn.

Tại lễ trao giải Chuông Vàng lần thứ 49, tác phẩm cổ trang Masquerade tạo nên cơn “địa chấn” khi thắng đậm với… 15 giải thưởng, trong đó có giải Phim hay nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, đây cũng là phim cán mốc 10 triệu vé duy nhất của tài tử Lee Byung Hun.

13. The Thieves (2012)

– Tên tiếng Hàn: 도둑들 (Đội quân siêu trộm)
– Khán giả: 12.983.841 người

The Thieves được xem là phiên bản Hàn Quốc của siêu phẩm Hollywood Ocean’s Eleven (11 tên cướp), kể về hai nhóm trộm chuyên nghiệp của Hàn Quốc và Trung Quốc đua nhau săn lùng viên kim cương Giọt lệ Thái dương trị giá 20 triệu USD.

18 phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc với hơn 10 triệu khán giả

Các nhà phê bình nói The Thieves hội tụ mọi yếu tố để thành công cho một bộ phim điện ảnh: kịch bản kịch tính, kinh phí đầu tư lớn, dàn sao Hàn lẫn Trung Quốc cùng tham gia góp mặt gồm các diễn viên Kim Yoon Seok, Lee Jung Jae, Jeon Ji Hyun, Oh Dal Soo, Kim Hye Soo, Kim Hae Sook, Kim Soo Hyun, Nhậm Đạt Hoa…

Tuy không phải là một tác phẩm xuất sắc về mặt nội dung nhưng The Thieves lại được đánh giá là đủ sự giải trí để khiến khán giả phải xem thử khi đến rạp.

14. Tidal Wave (2009)

– Tên tiếng Hàn: 해운대 (Sóng thần ở Haeundae)
– Khán giả: 11.453.338 người

Sóng thần Haeundae lấy đề tài thảm họa tự nhiên với kinh phí sản xuất lên tới 16 tỉ KRW (khoảng 320 tỉ VND), nói về một vụ sóng thần xảy đến ở bãi biển nổi tiếng nhất Hàn Quốc Haeundae.

Người dân Busan đang lũ lượt đổ về Haeundae nghỉ mát, trong đó có anh chàng Man Sik chuẩn bị cầu hôn cô nàng Yeon Hee. Cơn sóng thần kinh hoàng có tốc độ 800.000m/s ầm ầm lao đến. Hàng trăm nghìn người đang vui vẻ chơi đùa trên bãi cát tuyệt đẹp của Haeundae phải điên cuồng chạy trốn lưỡi hái tử thần.

15. The Host (2006)

– Tên tiếng Hàn: 괴물 (Quái vật sông Hàn)
– Khán giả: 13.019.740 người

Được sản xuất bởi đạo diễn lừng danh Bong Joon Ho cùng sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Song Kang Ho, Byun Hee Bong, Park Hae Il, Bae Doona và Go Ah Sung.

Quái Vật sông Hàn kể về cuộc chiến đấu của gia đình Hee Bong cùng những người hàng xóm chống lại một con quái vật ở bờ sông Hàn khi nó đã bắt mất cô cháu gái Hyun Seo của ông. Ông phải cùng gia đình làm sao để vừa chạy chốn cảnh sát vừa phải chiến đấu với con quái vật để cứu sống cô cháu gái thân yêu của mình.

18 phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc với hơn 10 triệu khán giả

Bên cạnh những thước phim kinh dị cùng tạo hình thủy quái đầy ấn tượng, Quái Vật Sông Hàn còn lồng ghép nhiều thông điệp nhân văn khác. Ý chí, sự quyết tâm và tình yêu thương của những thành viên trong một gia đình nghèo của Hàn Quốc trong cuộc chiến với con quái vật để tìm lại đứa cháu yêu quý cũng khiến cho nhiều khán giả phải xúc động.

Hơn thế nữa, xây dựng hình tượng con quái vật được hình thành từ những chất độc hóa học do con người tạo ra, Quái Vật Sông Hàn còn là lời cảnh tình trước những hành động phá hoại môi trường từ chính chúng ta.

16. King and The Clown (2005)

– Tên tiếng Hàn: 왕의 남자
– Khán giả: 12.302.831 người

Nhà vua và Chàng hề là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của vị đạo diễn lỗi lạc Lee Joon Ik. Một gánh hề rong được mời vào hoàng cung với sứ mệnh làm sao để bạo chúa Yeonsan, người đã quá mệt mỏi với những âm mưu và thù hận trong triều đình, phải bật cười.

Câu chuyện châm biếm của trưởng trò Jang Saeng về quan hệ tình ái giữa nhà vua và các thê thiếp khiến Hoàng đế Yeonsan không thể nhịn cười và gánh hề được lưu lại hoàng cung để tiếp tục mua vui. Nhưng cuộc tình đồng tính tay ba giữa nhà vua, Jang Saeng và anh hề trẻ Gong Gil đã đưa tất cả tới một kết cục bi thảm.

18 phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc với hơn 10 triệu khán giả

Một thành viên trong nhóm hề bị sát hại trong một buổi đi săn của triều đình, Jang Saeng bị đóng dấu sắt nung vào mắt vì tội nhạo báng nhà vua, còn Gong Gil thì tự sát không thành.

Ngoài chủ đề thế giới không gì khác ngoài một sân khấu, bộ phim còn đi sâu vào vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi trong xã hội: đồng tính luyến ái. Nhà vua và Chàng hề đã phá vỡ luật bất thành văn về chủ đề tình dục đồng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, qua đó góp phần khuyến khích công chúng chấp nhận những khác biệt trong xã hội.

Dù chi phí sản xuất chỉ 4,5 triệu USD và không có ngôi sao nổi tiếng, bộ phim vẫn thu hút được 12 triệu khán giả tới rạp, chỉ đứng sau kỷ lục doanh thu phòng vé của siêu phẩm Quái vật sông Hàn.

17. Taegukgi (2004)

– Tên tiếng Hàn: 태극기 휘날리며 (Cờ Thái Cực giương cao)
– Khán giả: 11.746.135 người

Tên bộ phim Taegukgi nghĩa là tên gọi quốc kỳ của Hàn Quốc. Phim kẻ về hai người anh em trẻ tuổi gia nhập quân ngũ và định mệnh trớ trêu lại khiến họ phải đối đầu nhau ở hai chiến tuyến sinh tử trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc Hàn.

Bối cảnh và mức độ phản ánh chiến tranh khốc liệt của Taegukgi cũng tương tự như các tác phẩm của Hollywood như Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) hay The Thin Red Line (Lằn ranh đỏ mong manh).

Các nhà phê bình đánh giá Taegukgi là một bộ phim sâu sắc và thành công trong việc vạch trần những nỗi đau do chiến tranh gây nên. Mặc dù bối cảnh là cuộc nội chiến hai miền Nam – Bắc Hàn nhưng bài học chiến tranh không chỉ gói gọn ở bán đảo này mà nó có ý nghĩa chung về những cuộc chiến trên thế giới. Xem phim, người xem càng hiểu rõ được giá trị của hòa bình.

Sau khi gây tiếng vang với Shiri (1999), đạo diễn Kang Je Kyu đã bắt tay thực hiện Taegukgi với số vốn đầu tư lên tới 14,8 tỉ KRW. Bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh hai miền Triều Tiên này đã đem lại nhiều danh tiếng cho Jang Dong Gun và Won Bin ở địa hạt điện ảnh. Taegukgi cũng là tác phẩm thắng giải Phim hay nhất tại Baeksang 2004.

18. Silmido (2003)

– Tên tiếng Hàn: 실미도 (Biệt đội Ám sát)
– Khán giả: 11.074.000

Dựa trên câu chuyện có thật về Biệt đội Silmido – đơn vị đặc công mang mã số 684, bộ phim là tác phẩm điện ảnh đầu tiên cán mốc 10 triệu lượt khán giả tại Hàn Quốc. Năm 1968, một biệt đội 31 người được huấn luyện đặc biệt ngoài hoang đảo Silmido, với nhiệm vụ xâm nhập vào Bình Nhưỡng của Bắc Hàn để ám sát Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Đây là hành động nhằm trả đũa việc Bình Nhưỡng gửi các điệp viên vượt biên giới và định ám sát tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc khi đó. Tuy nhiên, qua thời gian, mọi sự căng thẳng lắng xuống và khi biết không có cơ hội được vào đất liền, đơn vị 684 đã nổi loạn nhưng mau chóng thất bại.

Bộ phim Silmido kể lại câu chuyện này và tạo ra sức ép dư luận, buộc chính phủ Hàn Quốc phải công khai số phận của 31 thành viên thuộc biệt đội đầy bi kịch này.

One thought on “18 Bộ phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc

  1. Quang Huy viết:

    thiếu Old boy là sai quá sai rồi

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).