Hôm nay (14/8/2019) là ngày Tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến tranh.

Từ năm 2017 có một phong trào lan rộng ở Hàn Quốc là #MeToo (Tôi cũng vậy), phong trào kêu gọi các nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng tố cáo kẻ gây hại.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử sẽ thấy phong trào #MeToo đã xuất hiện ở Hàn Quốc từ trước đó rất lâu.

Hàn Quốc có #MeToo từ năm 1991

Ngày 14/8/1991, cụ bà Kim Hak Sun, một nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, lần đầu tiên đứng ra làm nhân chứng cho toàn thế giới biết sự thật về việc đế quốc Nhật bắt ép phụ nữ để mua vui cho binh lính trong Thế chiến II.

Bởi vậy, kể từ tháng 12 năm 2012 đến nay, các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc lấy ngày 14/8 làm Ngày của nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến trên thế giới (일본군’위안부’ 피해자 기림의 날8월 14일).

Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8

Tại Hàn Quốc, những phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II được gọi là 위안부 (phụ nữ an ủi/phụ nữ giải khuây). Khác với những hành vi hiếp dâm trong chiến tranh, chính phủ Nhật thiết lập hẳn một hệ thống cưỡng chế, xây nhà thổ từ năm 1932 và cưỡng ép phụ nữ của các khu vực thuộc địa phục vụ cho lính Nhật.

Đối tượng phụ nữ bị cưỡng ép vào các nhà thổ tương đối đa dạng, từ các bé gái vị thành niên hơn 10 tuổi đến những phụ nữ đã kết hôn gần 30 tuổi. Họ bị đưa vào nhà thổ bằng nhiều hình thức như bị bắt cóc rồi bị bán đi hoặc bị lừa khi đi xin việc, hoặc bị binh lính, cảnh sát triệu tập cưỡng chế.

Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8

Những phụ nữ mua vui bị xem như món hàng thỏa mãn nhu cầu tình dục của binh lính Nhật.

Từ lúc bị bắt vào nhà thổ, họ chưa từng nhận được một sự tôn trọng nào với tư cách một con người hoặc với tư cách một người thuộc nữ giới. Thậm chí còn không được phản kháng bất cứ hành vi xâm hại tình dục nào của binh lính Nhật.

Có ngày họ phải tiếp đến hàng chục người đàn ông và bị xem như một thứ đồ chơi. Người nào dám chống đối sẽ bị tra tấn, bị đâm bằng dao hoặc các loại hung khí khác

Nhà thổ được quân đội Nhật Bản lập ra lần đầu tiên vào năm 1932, và sau đó lần lượt được thiết lập thêm tại các vùng đất bị chiếm đóng ở khu vực Thái Bình Dương như Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Papua New Guinea, Guam… cho đến khi đế quốc Nhật đầu hàng ngày 15/8/1945.

Có cả nhà thổ của quân Nhật tại Việt Nam

Mới đây, kho lưu trữ lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã công bố những tài liệu cho thấy quân đội Nhật Bản xây cả nhà thổ tại Việt Nam.

Trong tài liệu này đề cập tới 3 nội dung chính: lục quân và hải quân Nhật có kế hoạch xây nhà thổ tại Hải Phòng, Việt Nam.

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1884, nhưng quân đội Nhật đã xâm chiếm Việt Nam sau khi Paris rơi vào tay Đức Quốc xã năm 1940. Quân đội Nhật tiến vào miền bắc Việt Nam vào tháng 9 năm 1940 và chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1941.

Tài liệu này cũng xác nhận về sự xuất hiện của 70 y tá và 25 phụ nữ không xác định danh tính tại Hải Phòng năm 1941. Ủy ban Bồi thường Quốc gia Hàn Quốc cho biết: Rõ ràng những người phụ nữ này có liên quan đến quân đội Nhật Bản, có nhiều khả năng họ nằm trong đội quân an ủi và bị quân Nhật dẫn độ đến đây.

Ủy ban Biên soạn lịch sử quốc gia Hàn Quốc thực hiện dự án thu thập dữ liệu liên quan đến tội ác của quân đội Nhật Bản, tội ác chiến tranh kể từ năm 2016.

Việc phát hiện ra các tài liệu chính thức của Pháp được thực hiện với sự giúp đỡ của Giáo sư Marie Orangee và nhà sử học Lee Jang-gyu (Université Paris Diderot).

Các nhà thổ của quân Nhật chỉ giới hạn ở đất Trung Quốc vào đầu những năm 1930, nhưng khi chiến tranh lan rộng, các nhà thổ này đã lần lượt được mở rộng ra khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của quân đội Nhật, và thậm chí còn phải dời đi theo mỗi khi quân Nhật chuyển sang chiếm đóng vùng khác.

Cuộc biểu tình lâu nhất thế giới

Cuộc biểu tình ngày thứ Tư bắt đầu từ ngày 8/1/1992 nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật Bản thời đó là ông Kiichi Miyazawa. Kể từ đó tới nay, cuộc biểu tình đã diễn ra trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc vào đúng 12 giờ trưa mỗi thứ Tư hàng tuần, suốt 24 năm qua.

Những người biểu tình đòi chính phủ Nhật Bản xin lỗi về sai lầm trong quá khứ. Song Chính phủ của ông Shinzo Abe vẫn tiếp tục những bước đi có thể đưa Nhật Bản trở thành ngòi nổ chiến tranh một lần nữa và hiển nhiên, không hề có một lời xin lỗi lẫn bồi thường nào đối với vấn đề phụ nữ mua vui.

Tính đến ngày 14/8/2019, đã có 1.400 Cuộc biểu tình ngày thứ Tư được tổ chức tại Seoul. Dưới thời tiết nắng nóng hơn 30ºC, gần 20.000 học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở và người dân, đã lấp đầy Con đường Hòa bình xếp thành hình con bướm vàng.

Con bướm này đậu trên vai tượng thiếu nữ hoà bình, là gửi gắm thông điệp về hoà bình và dẫn đường những linh hồn những nô lệ tình dục bị đày ải khắp nơi trở về quê hương.

Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8
Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8
Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8

Hiện tại, trên tổng số 240 người đăng ký với Chính phủ là nạn nhân bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến, chỉ còn 20 cụ bà còn sống.

Hình ảnh về cuộc biểu tình thứ 1.400, diễn ra ngày 14/8/2019.

Nguồn tham khảo: KHAN NEWS

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).