Seoul hiện nay là đô thị hiện đại bậc nhất châu Á và cũng là có sức hút mạnh mẽ với bất kỳ ai đến với đất nước Hàn Quốc. Seoul năng động, không ngừng phát triển và là trái tim của một Đại Hàn Dân Quốc đang vươn lên thành một quốc gia giàu có, thịnh vượng và văn minh.

Hình ảnh một Seoul vừa mang nét đẹp lưu dấu những thăng trầm thời gian và lịch sử, vừa sôi động và hiện đại đã quá quen thuộc với nhiều người.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử để biết rằng sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Seoul đã gánh chịu những tổn thất về nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa…

Nhiếp ảnh gia Han Yeong Soo (한영수), người cộng tác với thương hiệu thời trang Beanpole (빈폴) đã ghi lại một cách sinh động đời sống của đô thị lớn nhất Hàn Quốc thời bấy giờ – thủ đô Seoul những năm 1950 – 1960 dưới góc nhìn giàu tính thẩm mỹ của người nghệ sĩ và góc nhìn chân thực của một người dân thủ đô.

Myeongdong, Seoul 1956

Nodeulseom, Seoul 1958 – 1963

Sông Hàn, Seoul 1959

Hình ảnh một cặp vợ chồng mặc Âu phục hiện đại và sang trọng qua ô gạch vỡ của một mảng tường cũ kỹ, hình ảnh một cây dù che nắng mùa hè cắm trên bãi cát im lìm chờ đợi chủ nhân và hình ảnh những người trượt băng mùa đông chính là hình ảnh phản ánh chân thực cuộc sống Seoul vài năm sau cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”.

Cuối những năm 1950, cuộc sống ở Seoul đã dần quay trở về quỹ đạo vốn có, nhưng đâu đó vẫn còn dấu vết của cuộc chiến đã kết thúc nhưng dư âm vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Những hình ảnh này đã được in trên sản phẩm áo pull ra mắt thị trường Hàn Quốc vào tháng 5/2020 của thương hiệu Beanpole, thuộc công ty thời trang Samsung C&T. Dù chỉ là những bản ảnh đen trắng, không khí mà những tấm ảnh mang lại tràn ngập sự ấm áp và vẫn đủ sức biểu đạt những giá trị thời gian qua từng khuôn hình tinh tế.

Việc đưa những hình ảnh giàu tính thời đại lên các sản phẩm thời trang đã không còn xa lạ, nếu không muốn nói là rất phổ biến. Những năm gần đây, xu hướng “Newtro” (뉴트로 – tân cổ giao duyên) khiến giới trẻ Hàn Quốc đứng ngồi không yên. Trong thời trang, newtro mang lại cho giới trẻ những trải nghiệm từ thời ông bà cha mẹ mà họ khao khát được thử.

Chính khả năng tái hiện quá khứ và thổi vào đó một luồng gió mới mà xu hướng này đem lại cảm giác vừa thân quen, lại vừa lạ lẫm, đồng thời cũng đặc biệt gây hứng thú và ấn tượng với giới trẻ hiện đại ưa thích những trải nghiệm mới mẻ.

Tuy nhiên lần bắt tay này của Samsung C&T và một nhiếp ảnh gia lão làng, với những hình ảnh đen trắng cũ kỹ từ những năm 1950 – 1960 của thế kỉ trước lại là một sự kết hợp mang đến một làn gió mới, khác với Newtro.

Tại sao có thể khẳng định điều này?

Lý do là vì những bức ảnh của Han Young Soo ghi lại khung cảnh của Seoul vào thập niên 1950 và 1960, sau cuộc nội chiến ác liệt giữa 2 miền Nam – Bắc Hàn. Những hình ảnh này là những cảnh vừa xa lạ vừa kỳ lạ, chưa từng thấy ở bất cứ đâu. Một câu hỏi nữa lại được đặt ra, giữa vô vàn những hình ảnh tư liệu quý hiếm còn chưa được công bố, tại sao Beanpole lại lựa chọn những bức ảnh này của Han Young Soo?

Năm 2019, Beanpole đã thay đổi logo của mình thành chữ Hangul với mục đích củng cố định dạng thương hiệu của mình đối với khách hàng gắn với những từ khóa về văn hóa thập niên 1970.

Logo mới của Beanpole

Lee Jung Lim, nhân sự của bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Beanpole cho biết đã tìm thấy những bức ảnh của Han Young Soo và cực kỳ ấn tượng. Dù đó là những bức ảnh đã cũ, nhưng lại có khả năng gợi mở về một giai đoạn lịch sử đã qua.

Han Young Soo là ai?

Han Young Soo (1933 – 1999) là một nhiếp ảnh gia quảng cáo thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Kaesong. Ngay từ bé, Young Soo đã thích vẽ vời và ưa khám phá các loại máy móc.

Giáo viên mỹ thuật của Young Soo đã khuyên cha mẹ cậu bé cho cậu theo đuổi sự nghiệp hội họa. Tuy nhiên, gia đình ông lại không dám mơ tưởng đến việc con trai có thể trở thành họa sĩ. Young Soo đã kế thừa sự nghiệp kinh doanh đồ điện tử của gia đình và từng chỉ coi nhiếp ảnh như một sở thích cá nhân.

Han Young Soo từng trực tiếp tham gia cuộc nội chiến 1950 – 1953 trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau chiến tranh, ông chính thức tham gia vào nhóm Shin Seon Hoi (신선회), một nhóm nhiếp ảnh hiện thực trong những ngày đầu sơ khai của nền nhiếp ảnh Hàn Quốc.

Từ ấy, ông bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc về nhiếp ảnh. Đến những năm 1970, ông gặt hái thành công lớn khi có duyên trở thành nhiếp ảnh gia quảng cáo với sản phẩm là các catalogue quảng bá của trung tâm thương mại. Cho đến giữa những năm 1990, có vô số quảng cáo đã qua tay ông, như quảng cáo cho Samsung Electronics (삼성전자) và Judanhak Cosmetics (쥬단학화장품).

Han Seon Jeong, con gái Han Young Soo đã tập hợp các tác phẩm nhiếp ảnh tư liệu đen trắng chụp bằng máy film của cha mình và giới thiệu với thế giới. Han Young Soo cũng chính là một trong những nhiếp ảnh gia Hàn Quốc đầu tiên có triển lãm cá nhân ở phòng trưng bày đương đại ICP Mana New York. Hiện tại, một số tác phẩm nhiếp ảnh của ông được lưu giữ vĩnh viễn ở Lacma, bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng ở Los Angeles, Mỹ.

Vậy, các tác phẩm của nhiếp ảnh gia kỳ cựu Han Young Soo cho thấy những gì về một Seoul của thập niên 50 – 60?

Cuộc sống Seoul sau chiến tranh

Seoul của ngày nay hoa lệ, còn Seoul của ngày ấy – những năm tháng sau chiến tranh có đủ “hoa”“lệ”? Hãy nhìn vào những bức ảnh Han Young Soo ghi lại hình ảnh Seoul.

Đầu tiên đó là sức sống trong những bức ảnh Seoul thập biên 50, 60. Trong thời hậu chiến, dường như ký ức về sự hoang tàn của một đất nước sau chiến tranh khiến những hình dung về diện mạo của Seoul thường gắn với hình ảnh đổ nát, tan hoang.

Nhưng ngược lại, những bức ảnh của Han Young Soo cho thấy một Seoul tràn đầy sinh khí, hi vọng và niềm tin vào tương lai. Ông đã tập trung miêu tả phần “hoa” tươi sáng, dù đâu đó vẫn thấy phảng phất chút “lệ” tàn dư của chiến tranh.

Đó là hình ảnh những trẻ cười đùa chạy nhảy vô tư, như thể không có một ký ức nào của cuộc chiến có thể ngăn chúng sống những ngày tháng thật ngây thơ trong trẻo. Bởi chiến tranh đã qua rồi.

Đó là hình ảnh người lớn hối hả di chuyển, sự hối hả của một nhịp sống mới – nhịp sống xây dựng và kiến thiết đất nước. Bởi chiến tranh đã qua rồi và người ta cần phải tiếp tục sống cho ngày mai.

Đường phố Seoul 1956 – 1963

Myeongdong, Seoul 1956 – 1963

Sogongdong, Seoul 1959

Sông Hàn, Seoul 1956 – 1963

Mapo, Seoul 1958

Chính nhờ sự sống động của mình, những tác phẩm nhiếp ảnh của Han Young Soo ghi lại giai đoạn lịch sử đặc biệt này còn được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho các nhà sản xuất phim.

Phim điện ảnh “Spring in my hometown” (아름다운 시절) của đạo diễn Lee Kwang Mo (이광모) được sản xuất năm 1998 đã tham khảo khá nhiều hình ảnh trong cuốn sách ảnh “Cuộc sống” (삶) của Han Young. Đây là một bộ phim lấy bối cảnh cuộc sống Hàn Quốc trong những năm tháng chiến tranh.

Poster phim điện ảnh “Spring in my hometown”

Thời trang Seoul thập niên 1950 – 1960

Seoul của thế kỷ 21 đã trở thành kinh đô thời trang châu Á. Vậy Seoul của những năm 1950 – 1960 có diện mạo thời trang thế nào?

Myeongdong, Seoul 1958

Sogongdong, Seoul 1956 – 1963

Vẫn là những hình ảnh được ghi lại trên đường phố Seoul, nhưng xem ra Young Soo có chủ đích rất rõ ràng. Đó hoàn toàn không phải là những cú lia máy ngẫu hứng.

Hình ảnh một bé gái nhìn chăm chú một cô mannequine (ma nơ canh) trong cửa tiệm thời trang, một phụ nữ mặc chiếc áo lông thú sang trọng đang rảo bước trên đôi giày cao gót thời trang, hay người đàn ông ăn mặc lịch lãm ngồi trước quầy báo gần một phụ nữ đang hút thuốc lá…đều giúp hình dung được diện mạo thời trang của người dân Seoul thời kỳ này: cấp tiến, hiện đại và khá thanh lịch.

Euljiro 1 Ga, Seoul 1956- 1963

Myeongdong, Seoul 1958

Đâu đó vẫn có những cô gái mặc trang phục truyền thống Hanbok, nhưng đa số vẫn là hình ảnh của váy áo thanh lịch bắt kịp phong cách thời trang thập niên 1960 của thế giới.

Nhận xét về bố cục ảnh của Han Young Soo, một bảo tàng nhiếp ảnh ở Hungary đã cho rằng: ảnh của Young Soo không có bất kỳ một khoảng trống nào trong các khung hình. Chính những chủ thể từ chính tới phụ, lẫn những chuyển động của chủ thể luôn làm đầy bức ảnh. Đó có thể là tấm bảng hiệu cũ trên đường phố, đó cũng có thể là hướng đi hối hả của một phụ nữ.

Quả thật như vậy, nếu chỉ dùng 2 từ để mô tả bố cục những bức ảnh Seoul của Han Young Soo, thì đó chính là “đầy”“động”. Có lẽ Seoul thời đó trong mắt nhiếp ảnh gia hàng đầu của Hàn Quốc là một thành phố luôn chuyển động, chuyển động ngay cả trong những khung hình tưởng như tĩnh lặng. Đó đồng thời cũng là một đô thị đầy ắp những ngổn ngang lo toan của cuộc sống sau cuộc chiến, xen lẫn những hưởng thụ phù phiếm điển hình của đời sống thị thành.

Có lẽ Han Young Soo phải là một người lạc quan và tha thiết với cuộc sống lắm mới có thể nhìn ra một hiện thực tươi tắn và tương lai sống động của một thành phố vẫn còn đâu đó dấu tích của đổ nát chiến tranh.

Phải chăng ông muốn gửi gắm một thông điệp thật rõ ràng: Seoul nói riêng và cả Đại Hàn Dân Quốc nói chung cần phải quên đi quá khứ, dọn dẹp tàn dư chiến tranh và hướng đến một tương lai tươi sáng.

Và đúng như niềm tin của ông về tương lai ấy, Seoul của ngày hôm nay đã thực sự bỏ lại sau lưng đau thương và mất mát chiến tranh, trở thành một đô thị phát triển, đẹp đẽ và hiện đại – một Seoul hoa lệ.

Tổng hợp từ JoongAng Ilbo

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).