Trong bối cảnh cuối đối đầu bạo động giữa sinh viên và cảnh sát càng leo thang ở Hồng Kông, sinh viên Hàn Quốc trong các trường đại học trên toàn Hàn Quốc đã thể hiện sự ủng hộ với các sinh viên Hồng Kông bằng cách lập ra các Bức tường Lennon.

Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc học tại các trường đại học Hàn Quốc như Yonsei, Korea đã tự ý xé các bản thông cáo, các tấm sticker ủng hộ dán trên những bức tường này.

Mâu thuẫn giữa sinh viên Hàn – Trung dâng cao đến nỗi vào ngày 20/11/2019, sinh viên trường đại học Seoul kiện sinh viên Trung Quốc cùng trường và cảnh sát Hàn Quốc phải tuyên bố sẽ điều tra 5 sinh viên Trung Quốc có hành vi phá hoại bức tường thông điệp.

Với các sinh viên Hàn Quốc, hành động xé giấy trên những bức tường này là xâm phạm quyền tự do ngôn luận.

Một sinh viên chia sẻ: “Chúng tôi, sinh viên Hàn Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ của người Hồng Kông. Chúng tôi lên tiếng với hy vọng cho thấy được là ngay trong trường của chúng ta cũng có những tiếng nói ủng hộ người Hồng Kông… Phá hoại bích chương này là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của sinh viên chúng ta và là một hành vi phi dân chủ.”

1. Sáng kiến mới

Tại một số trường học, các sinh viên Hàn Quốc đã nghĩ ra một sáng kiến mới, ngăn chặn hành vi phá hoại của sinh viên Trung Quốc: Họ in đè hình ảnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình trên những tờ giấy khi thông điệp… ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông.

Cũng giống như ở Bắc Hàn, người dân Trung Quốc nếu tự ý huỷ hoại băng rôn, điêu khắc có in hình người đứng đầu đất nước sẽ bị xử tội rất nặng.

Vào năm 2016, một sinh viên Mỹ tên là Otto Warmbier đã bị chính quyền Bình Nhưỡng bắt vì tội lấy cắp một băng rôn tuyên truyền khi du lịch tại Bắc Hàn. Ngày 19/6/2017, sinh viên này đã qua đời chỉ sau vài ngày được Bắc Hàn trả lại về Mỹ trong tình trạng hôn mê.

Và quả thực, sáng kiến này của sinh viên Hàn Quốc đã phát huy “hiệu nghiệm”, khi không có sinh viên Trung Quốc nào “dám” xé tờ giấy này trong suốt ngày hôm đó.

2. Lãnh đạo các trường đại học bối rối

Trái ngược lại với sinh viên, các trường đại học Hàn Quốc lại phản ứng quá dè dặt của ban lãnh đạo các trường đại học trước các hành vi phá hoại của sinh viên Trung Quốc.

Giới chức đại học Yonsei tuyên bố từ chối không “can thiệp vào vấn đề nội bộ của sinh viên”. Đại diện của trường giải thích rằng trường chủ trương để cho cộng đồng sinh viên tự xử lý tình hình, và “tin tưởng rằng việc đối đầu gần đây giữa sinh viên Trung Quốc và sinh viên các quốc gia khác có thể được giải quyết giữa sinh viên với nhau”.

Đối với các sinh viên câu trả lời “nhạt nhẽo” đó của giới lãnh đạo trường xuất phát từ việc không muốn mất lòng các sinh viên Trung Quốc rất đông đảo tại đây.

Một sinh viên đã nhận định gay gắt là lẽ ra ban lãnh đạo nhà trường phải đứng lên bảo vệ sinh viên của mình, quyền tự do ngôn luận là một quyền được bảo vệ ở Hàn Quốc. Các sinh viên Trung Quốc cần phải được nhắc nhở rằng rằng họ ở đây với tư cách khách mời và đây không phải là Bắc Kinh.

Trên phạm vi cả nước, trong năm 2018, trong số 50.997 sinh viên nước ngoài ở các trường đại học thì có tới 35.799 đến từ Trung Quốc.

3. Đối đầu tại đại học Ewha

Tại đại học nữ Ewha, trong tuần qua, sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã phải đọ sức suốt một ngày nơi bức tường “dân chủ” dán poster, một bên dán giấy ủng hộ Hồng Kông, sau đó bên kia ra sức dán lên những đánh giá ngược lại.

Một sinh viên Hồng Kông Tang Kar Wun cho biết là cô chỉ muốn dán lên tường những mảnh giấy bày tỏ mong muốn hòa bình ở thành phố quê hương, nhưng không một tờ nào còn nguyên vẹn quá một ngày, hoặc là bị xé bỏ, hoặc là bị bôi đen hay bị những lời lẽ thô tục bằng tiếng Hoa viết chồng lên.

Một sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào ủng hộ Hồng Kông ở đại học Ewha đã rất bực tức: “Có thể là không có luật lệ, quy tắc rõ ràng, nhưng phá hoại các bích chương hay biểu ngữ mà sinh viên đã làm là điều không thể chấp nhận được ở đây”.

Một nữ sinh viên trường đại học Hàn Quốc (Korea University) cũng đã nhận được qua mạng WeChat những lời chửi rủa, kèm theo các thông tin cá nhân về cô và cả địa chi liên lạc của cô, các thông tin được chia sẻ trong một nhóm trò chuyện gồm gần 500 sinh viên Trung Quốc đang học tại Hàn Quốc.

Bạn của cũng bị tấn công trên mạng một cách tương tự, thậm chí ảnh của cô còn bị in ra, bên trên ghi những lời lẽ rất thô tục rồi cho dán khắp trường.

Trước tình hình đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc đã ra tuyên bố cho rằng việc sinh viên Trung Quốc phản ứng với “các hành động gây hại cho chủ quyền Trung Quốc” là điều “hợp lý và có thể hiểu được”.

Thông cáo nói thêm là “Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công dân Trung Quốc ở nước ngoài tuân thủ luật pháp địa phương”, “thể hiện lòng yêu nước vừa phải”, và “chú ý đến an ninh của chính mình”.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).