Từ 23/01/2020 (29 Tết), hàng triệu người Hàn Quốc đã quay trở về để đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán – Seollal 2020.

Tết Nguyên đán Hàn Quốc năm nay rơi vào ngày thứ Bảy (25/1/2020), đặc trưng với ẩm thực cổ truyền, lễ hội & phong tục truyền thống, cũng là cơ hội để mọi người khởi động một năm mới với danh sách những điều muốn thực hiện trong năm.

Dù vậy, đối với nhiều người, đặc biệt là người trẻ, những ngày nghỉ Tết không ngập tràn sắc màu lễ hội và tình thân mà ngược lại, còn trở thành một nguồn gây lo âu, căng thẳng lớn.

Theo một cuộc khảo sát của cổng thông tin việc làm Saramin, thực hiện trên 3.507 người Hàn đầu tháng 1/2020, cứ 6/10 người cho biết họ cảm thấy căng thẳng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Cụ thể, trong trường hợp người đã lập gia đình, tỷ lệ căng thẳng là 70.9% đối với nữ giới và 53.6% với nam giới. Nam, nữ trưởng thành còn độc thân cũng gặp tình trạng tương tự với tỷ lệ lần lượt là nữ giới 59% và nam giới 52.4%.

Chia sẻ về lý do áp lực, phần lớn phụ nữ đã kết hôn cho biết họ phải gồng mình với gánh nặng nấu nướng và việc nhà, bên cạnh việc chuẩn bị quà cáp và quản lý các khoản chi tiêu phát sinh trong dịp lễ.

Ngoài ra, còn phải kể đến những cuộc gặp gỡ không mấy thoải mái và có phần áp lực với gia đình nhà chồng. Mặt khác, nam giới đã kết hôn liệt kê mối quan hệ với cha mẹ, những người họ hàng tò mò hiếu kỳ, việc bị so sánh với các thành viên khác trong gia đình là 3 trong số những lí do khiến họ cảm thấy căng thẳng nhất.

Sự khác biệt trong câu trả lời của nam nữ phần nào phản ánh vai trò giới trong gia đình Hàn Quốc, khi phần lớn gánh nặng công việc nhà vẫn đè trên vai phụ nữ cho đến tận hôm nay.

Trong một cuộc khảo sát thực hiện trên 1170 người Hàn vào năm 2018, 57.1% nữ giới và 43.5% nam giới cho rằng việc phân chia công việc nhà không đồng đều là biểu hiện của sự phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ phổ biến nhất trong những dịp lễ tết.

Thật vậy, với ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, xã hội Hàn Quốc thời hiện đại vẫn còn kỳ vọng người phụ nữ phải đảm đương tháo vát công việc nấu nướng cho ít nhất ba thế hệ trong gia đình, song song với việc chuẩn bị thức ăn dâng lên bàn thờ thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên (제사), và đương nhiên không thể không nhắc đến việc dọn dẹp sau những buổi tụ họp, ăn uống linh đình.

Theo dữ liệu thống kê quốc gia Hàn Quốc, cường độ căng thẳng cảm xúc gia tăng trong các dịp lễ tết là nguyên nhân dẫn đến các vụ ly hôn ở nước này tăng mạnh trước và sau các ngày lễ lớn như Seollal (Tết Nguyên đán) và Chuseok (Trung Thu).

Đối với người trẻ chưa lập gia đình, việc bị họ hàng “giảng đạo” và soi mói về vấn đề cá nhân khiến họ trở nên bớt hào hứng và ngại góp mặt trong các buổi gặp gỡ đông người quen.

Từng được xem là biểu hiện của sự thân mật, quan tâm giữa những người trong gia đình với nhau, những câu hỏi về triển vọng sự nghiệp, ý định kết hôn và một số câu hỏi thiếu tinh tế khác hiện nay bị xem là tọc mạch, thậm chí là thô lỗ.

Kim Ji Won (28 tuổi), một người trẻ đã từ bỏ công việc toàn thời gian ở một doanh nghiệp để theo đuổi đam mê ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, cho biết cô quyết định không tham dự bữa tối với gia đình dịp Seollal năm nay vì muốn tránh xa những lời bình luận, đàm tiếu về sự lựa chọn “mạo hiểm” của mình.

Kim cho biết, “Tôi đã nghe mẹ tôi phàn nàn quá đủ về việc con gái bà dám từ bỏ một công việc ổn định lương cao, vì vậy tôi nghĩ mình không cần nghe thêm bài thuyết giảng nào từ những người họ hàng nữa.”

Trong khi đó, Choi Ye Ji (24 tuổi) chia sẻ cô cũng không trông đợi những buổi gặp gỡ với họ hàng, vì linh cảm chuyện chưa tìm được việc làm của mình sẽ trở thành đề tài bàn tán cho mọi người.

Trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi cổng thông tin việc làm Job Korea X Albamon, những câu hỏi về kế hoạch tương lai được bình chọn là chủ đề không nên bàn đến với gia đình vào dịp lễ tết.

Bên cạnh đó, những lời khuyên bắt đầu bằng cụm “khi bằng tuổi cháu…”, “tất cả cũng chỉ vì tốt cho cháu” cũng được xem là những lời có thể gây khó chịu với người nghe.

Sự căng thẳng này đã khiến 59.1% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn trải qua dịp Tết Nguyên đán một mình. 34.1% khẳng định áp lực phát sinh trong dịp lễ tết còn lớn hơn áp lực họ phải chịu đựng trong quá trình tìm việc hay đi làm thực sự.

Tuy nhiên, việc trốn tránh gặp gỡ gia đình và họ hàng ngày lễ tết cũng có mặt trái của nó. Đối với những người con xa nhà vì mưu sinh cả năm trời, họ sẽ hiểu và trân trọng hơn khoảng thời gian hiếm hoi được nghỉ xả hơi bên gia đình.

Những cuộc tụ họp dịp lễ tết có thể khiến bạn không thấy thoải mái ở phương diện nào đó, nhưng thật ra, đây lại là cơ hội hiếm hoi, chỉ có từ 1 đến 2 lần trong năm để bạn có thể gặp gỡ và ở bên cạnh người thân của mình.

XEM THÊM: Những câu chuyện bị lãng quên trong ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc

Tổng hợp từ The Korea Herald

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).