Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam cũng như Hàn Quốc.

Tết, Tết Nguyên đán trong tiếng Việt hay Seollal trong tiếng Hàn tưởng là những danh từ quen thuộc nhưng lại có nguồn gốc rất thú vị, độc đáo.

Tết

Chữ “Tết” là từ bắt nguồn từ việc đọc trại âm Hán Việt của từ Tiết 節 (절). Tiết 節 có nghĩa gốc trong tiếng Trung Quốc là đốt của cây tre (“đốt tre” gọi là trúc tiết 竹節).

Tiết 節 (bộ Trúc 竹) còn có nghĩa là “ngày lễ, ngày hội, lễ hội”.

Văn hóa Á Đông – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng.

Ví dụ: Tiết Xuân có Tiết Nguyên Đán (mồng 1 tháng Giêng); Tiết Hạ có Tiết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) – còn gọi là tết diệt sâu bọ, ăn rượu nếp; Tiết Thu có Tết Trung Thu (rằm tháng 8) và Tiết Đông ứng vào ngày Đông Chí (ngày chuyển tiếp giữa năm cũ sang năm mới Dương lịch (22 tháng 12 dương lịch).

Ở Hàn Quốc, người ta cũng dùng từ Tiết để chỉ những dịp lễ lớn của dân tộc như 삼일절 (Tam nhật Tiết) – ngày kỉ niệm phong trào chống Nhật 1/3/1919, 광복절 (Quang Phục Tiết) – ngày ngày đánh dấu sự ra đời của chính phủ Đại Hàn Dân Quốc sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật.

Ở Việt Nam, phần lớn tiếng Hán có phiên âm khi sang tiếng Việt biến thành ê:

– Thiêm biến thành thêm
– Thiết (yến) biến thành thết (tiệc)
– Chiết biến thành chết…
– Âm Tiết cũng biến thành Tết

Ngoài nghĩa “ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng” như tết Khai hạ, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trùng cửu…. ,trong tiếng Việt, Tết còn dùng để chỉ một dịp đặc biệt duy nhất đầu năm – như người ta thường nói: ăn Tết, đi Tết, chơi Tết, chúc Tết…

Như vậy, từ kết quả của sự rút gọn và biến âm từ xuân tiết trong tiếng Hán, tết đã trở thành danh từ riêng, được viết hoa thành Tết.

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Tết Nguyên Đán được viết theo Hán cổ là 節元旦 (원단).

  • NGUYÊN 元 (bộ Nhân 儿) có nghĩa là “đầu tiên”. Ví dụ: nguyên niên 元年 (năm đầu, năm thứ nhất); nguyên nguyệt 元月 (tháng Giêng); nguyên nhật 元日 (ngày mồng một).
  • ĐÁN 旦 (bộ Nhật 日) có nghĩa là “ngày”. Nguyên đán 元旦 có nghĩa là “ngày đầu năm”, tức mồng 1 tháng Giêng Âm lịch (còn gọi là nguyên chánh 元正, nguyên sóc 元朔, nguyên nhật 元日 trong Hán ngữ).

Như vậy, nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” 元旦 là chỉ “Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch”.

Ở Trung Quốc, người ta gọi Tết Nguyên Đán là “Xuân tiết” (春節, 출절) (nghĩa là lễ hội mùa xuân).

Dựa theo ý nghĩa của “Nguyên Đán”, người Việt tin rằng vào ngày Tết là “ngày làm mới” – mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người.

Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao.

Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên.

Tối thiểu trong ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người Việt tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới.

Seollal ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngày Tết Nguyên Đán được gọi là 설날 – Seollal. Trong từ này, 날 là ngày. Còn chữ 설, theo từ điển Bách khoa Naver, có 3 cách lý giải khác nhau:

1. “설” được lấy ra từ từ “낯설다” (lạ). Bởi vậy nên “설날” cũng có nghĩa là “새해에 대한 낯섦” hoặc “익숙하지 않은 날” (ngày mới lạ, ngày vẫn chưa quen thuộc). Điều này có nghĩa “설날” là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, vẫn chưa hoàn toàn sang năm mới nên người ta vẫn chưa “thích ứng” được.

2. “설날” có nghĩa là “sự bắt đầu” xuất phát từ “선다”, có thể hiểu là 새해 새날이 시작되는 날 – “Ngày bắt đầu ngày mới của năm mới”. Trải qua thời gian từ này được luyến âm trở thành “설날” như bây giờ.

3. “설날” bắt nguồn từ từ cổ “섧다”, có nghĩa là “thận trọng”, hoặc “ở yên cẩn thận”. Đây là câu nói phát sinh từ việc muốn nhấn mạnh trong một khoảng thời gian hoàn toàn mới thì mọi lời nói và hành động đều phải cẩn thận.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).