Tại Hàn Quốc, ngày 1/3 hàng năm là một trong những ngày quốc lễ lớn, kỷ niệm Phong trào kháng Nhật giành độc lập 1/3/1919.

Trong tiếng Hàn, giai đoạn Nhật Bản cai trị bán đảo Hàn Quốc được gọi là 일제강점기 (Nhật đế cưỡng chiếm kỳ) và ngày kỷ niệm Phong trào kháng Nhật được gọi tắt là 삼일절 (Tam Nhất Tiết), tức ngày kỷ niệm 1/3.

Những năm mất nước

Năm 1910, Nhật Bản hoàn toàn thôn tính bán đảo Hàn Quốc bằng Hiệp ước sáp nhật Nhật Bản – Triều Tiên (Joseon) (Tên gọi bán đảo Hàn Quốc đương thời). Trong tiếng Hàn, Hiệp ước này được gọi là 한일합방조약 và được ký kết vào ngày 29/8/1910.

Sau Hiệp ước trên, Nhật Bản chính thức cai trị bán đảo Hàn và thi hành chính sách đô hộ hà khắc nhằm đồng hoá dân tộc Hàn.

Cùng với chính sách bóc lột nhân lực, vật lực và tài nguyên, Nhật Bản còn thi hành chính sách triệt tiêu dân tộc Hàn. Chính quyền thực dân Nhật đưa ra thuyết Nhật Tiên đồng tổ luận (일선동조론) với luận điệu Nhật và Triều Tiên (Joseon) có cùng một tổ tiên và bắt buộc người Joseon phải sử dụng tiếng Nhật, lấy họ tên người Nhật, cấm xuất bản các tờ báo tiếng Hàn…

Người dân Hàn Quốc sống cảnh lầm than trong thời kỳ Nhật trị

Mặc dù phải chịu ách thống trị thực dân tàn bạo nhưng tinh thần phản kháng và đấu tranh đòi độc lập của người Hàn Quốc vẫn được bền bỉ duy trì ở trong và ngoài nước.

Ở trong nước, họ thành lập các tổ chức bí mật như Bộ nghĩa quân độc lập, Tổ chức khôi phục quốc quyền Joseon, Tổ chức Đại Hàn Quang Phục…để hoạt động chống lại quân Nhật. Những nhà yêu nước cũng thành lập những căn cứ tiền tuyến cho phong trào độc lập ở Trung Quốc, Nga, và Mỹ.

Hồi chuông kháng Nhật

Sau khi hoàng đế Gojong (고종, Cao Tông), vị vua buộc phải rời bỏ ngai vàng năm 1907, qua đời tháng 1/1919, những cuộc tuần hành đòi độc lập diễn ra trên toàn quốc.

Ban đầu, cuộc biểu tình dự kiến tiến hành vào ngày 3/3, tức ngày đưa tang nhà vua. Nhưng lo ngại bại lộ kế hoạch nên những người tổ chức biểu tình đã quyết định tiến hành trước hai ngày.

Ngày 1/3/1919, một phong trào độc lập lớn nhất được triển khai một cách rộng lớn mà tiêu điểm là ở Seoul. Đông đảo thị dân, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo đã dồn về Jongno (종로), trung tâm Seoul tổ chức biểu tình, nghe đọc Bản Tuyên ngôn độc lập.

33 người lãnh đạo phong trào đã ký tên vào Bản Tuyên ngôn này. Sau đó, họ đổ xuống đường hô vang khẩu hiệu đòi độc lập, vẫy cờ Thái cực.

Quân đội Nhật bị bất ngờ trước cuộc biểu tình, tuy thế, chúng không chịu nhượng bộ và cho quân đội đàn áp đẫm máu. Có khoảng hơn 7.000 người Hàn bị giết, 16.000 người bị thương, hơn 40.000 người bị bắt giữ, 415 ngôi nhà, 2 trường học, 47 nhà thờ bị phá huỷ….

Mặc dù bị thất bại nhưng Phong trào 1/3 đã xác nhận độc lập tự chủ trên toàn lãnh thổ thông qua tuyên bố Bản Tuyên ngôn độc lập.

Đây chính là động cơ để các phong trào độc lập trong và ngoài nước được triển khai đa dạng hơn mà kết quả của nó là việc thành lập được Chính phủ lâm thời Đại Hàn dân quốc ở Thượng Hải Trung Quốc vào tháng 4/1919.

Đây là các nhà lãnh đạo then chốt của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc, họ đã lãnh đạo nhiều phong trào yêu nước cho đến khi giành giải phóng dân tộc vào tháng 8/1945.

Chính phủ lâm thời có đầy đủ đại biểu đại diện cho các tỉnh thành trong cả nước tham gia và Tờ báo Độc lập Tân văn là cơ quan ngôn luận của chính phủ.

Đến năm 1920, Cao Ly Cộng sản Đảng được thành lập ở Thượng Hải do Lý Đông Huy lãnh đạo; năm 1925, Triều Tiên Cộng sản Đảng ra đời; năm 1927, Tân Cán Hội với tư cách là đoàn thể chính trị xã hội lớn nhất được thành lập.

Năm 1929, nổ ra phong trào học sinh Gwangju phản đối Nhật Bản. Năm 1931, Chủ tịch Kim Gu của chính phủ lâm thời thành lập “Hàn nhân ái quốc đoàn” (한인 애국단, Đoàn thể người Hàn Quốc yêu nước) nhằm tổ chức các cuộc ám sát thực dân Nhật.

Năm 1933, học hội tiếng Joseon ấn định phương án thống nhất về ngữ pháp Hangeul.

Năm 1934, sáng lập học hội Jindan (진단학회, Chấn Đàn học hội) nghiên cứu về Hàn Quốc học. Năm 1938, trước phong trào yêu nước dâng cao, Nhật Bản sửa đổi lệnh giáo dục Joseon, phế bỏ việc giáo dục chữ Hangeul cho người Hàn Quốc…

Có thể thấy, phong trào kháng Nhật 1/3/1919 có ý nghĩa to lớn trong việc nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần dân tộc chống lại ách thống trị của Nhật Bản để rồi tinh thần đó được phát huy cao độ vào dịp mùa thu năm 1945, đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi bán đảo Hàn Quốc.

Vào ngày 15/8/1945, sau quá trình đấu tranh đòi độc lập không ngừng nghỉ của quân dân Hàn Quốc cũng như nhờ kết quả của việc Nhật Bản đầu hàng ở Chiến tranh Thái Bình Dương, Hàn Quốc cuối cùng cũng đã giành độc lập.

Quân Mỹ và Xô Viết đã dàn quân tới miền Nam và Bắc của vĩ tuyến 38 trên Bán đảo Hàn Quốc nhằm tước vũ khí quân Nhật còn sót lại trên Bán đảo Hàn.

Mối thù dai dẳng

Vào ngày quốc lễ 1/3 hàng năm, người dân Hàn Quốc thường treo cờ Thái Cực và tiến hành các hoạt động kỷ niệm phong trào kháng Nhật.

Các bạn trẻ Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống Hanbok và cầm cờ tái hiện lại khung cảnh xuống đường biểu tình chống Nhật. Vào ngày này, các bảo tàng lịch sử hay bảo tàng chiến tranh cũng có người phải đóng giả “lính Nhật” cầm súng đi lại và ai đi qua cũng sẽ giơ tay hô to “Đả đảo thực dân Nhật, Đại Hàn dân quốc vạn tuế!”.

Mặc dù đã thiết lập quan hệ ngoại giao và có những giao lưu mật thiết về kinh tế, văn hoá nhưng quá khứ hận thù vẫn đeo bám quan hệ Nhật – Hàn. Người Hàn Quốc luôn có cảm giác mình là nạn nhân lịch sử, trong khi Nhật Bản hiện tại không hề tỏ ra hối hận, và đôi khi còn cố tình bóp méo sự thật lịch sử. Hai bên đề cập đến quá khứ luôn đứng trên lập trường dân tộc chủ nghĩa chứ không trên lập trường nhân quyền và nhân đạo.

Các vấn đề vẫn hay được hai nước đưa ra tranh cãi là Nhật Bản đòi hỏi chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc, chính phủ Nhật không chính thức xin lỗi phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II và động thái sửa đổi nội dung sách giáo khoa, xuyên tạc sự thật lịch sử của chính phủ Nhật Bản.

Trong thời gian Nhật Bản đô hộ trên bán đảo Hàn Quốc (1910-1945), có những người Hàn thân Nhật, phục vụ cho chính quyền thực dân. Ngày nay, con cháu của phe thân Nhật vẫn tiếp tục bị bài trừ tại Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn thực hiện các vụ kiện nhằm truy thu lại số đất đai, tài sản mà những kẻ theo phe thân Nhật thời chiến để lại cho con cháu. Giá trị số tài sản còn lại này ước tính lên tới khoảng 30 tỉ KRW.

Người Hàn Quốc còn có câu thành ngữ “người đấu tranh đòi độc lập khổ 3 đời, kẻ cộng tác với Nhật sướng 3 đời”, ý chỉ con cháu của phe thân Nhật hiện nay vẫn ăn sung mặc sướng nhờ khối tài sản kếch sù mà cha ông để lại.

XEM THÊM: Giản lược lịch sử Hàn Quốc, từ thần thoại Dangun đến Kỳ tích sông Hán

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).