Tết Trung thu rơi vào ngày 15 âm lịch của tháng Tám Âm lịch đêm trăng tròn nhất và sáng nhất trong năm. Đón tết Trung thu là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam nói riêng và của nhiều nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á nói chung.

Hãy cùng xem không khí đón Tết Trung thu ở các nước có gì đặc sắc nhé!

Hàn Quốc

Tết Trung thu ở Hàn Quốc có tên Chuseok và kéo dài trong 3 ngày.

Trong ngày lễ, người Hàn sử dụng những món ăn chế biến từ các sản phẩm mới thu hoạch được như thịt, cá, hoa quả, bánh gạo… để dâng lên tổ tiên. Trẻ em thì mặc trang phục truyền thống Hanbok, vui chơi và ăn bánh Songpyeon.

Người ta còn gọi Chuseok là lễ Tạ ơn vì đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình sau khoảng thời gian làm việc vất vả. Vào ngày này, các thành viên sẽ nấu những món ăn truyền thống và cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình.

Tìm hiểu thêm về Chuseok, ngày Tết trung thu của người Hàn Quốc

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam được xem như là ngày Tết của thiếu nhi.

Trước lễ hội, phố phường được trang trí đầy màu sắc với đèn lồng và đèn ông sao. Các cửa hàng lúc này cũng bắt đầu bán các loại đồ chơi, mặt nạ, đèn Trung thu…

Người dân sẽ bày mâm ngũ quả, thường bao gồm bưởi, hồng và bánh trung thu để cúng rằm… Sau đó, cả gia đình cùng nhau rước đèn, xem múa lân, ngắm trăng và phá cỗ.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Singapore

Singapore là một trong những nước Đông Nam Á có ngày Tết Trung Thu do đảo quốc sư tử này có rất nhiều người gốc Hoa di cư và sinh sống tại đây.

Dịp rằm tháng 8 hàng năm là thời điểm lý tưởng để người dân nơi đây gửi gắm những món quà ý nghĩa, những lời chúc chân tình đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng đối tác. Món ăn truyền thống của đất nước đảo quốc sư tử trong dịp lễ này cũng là bánh Trung Thu.

Do Singapore có rất nhiều người gốc Hoa sinh sống nên Tết Trung Thu nơi này cũng mang đậm bản sắc của Tết Ngắm trăng của Trung Quốc. Đặc biệt là tại các khu phố người Hoa, họ đã bán và treo đèn lồng Trung Thu trước cả tháng đồng thời các hoạt động múa lân sư rồng cũng được diễn ra hết sức nhộn nhịp vào dịp này.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Thái Lan

Lễ cầu trăng ở Thái Lan cũng được tổ chức vào đúng 15/8 Âm lịch. Vào đêm Trung thu, mọi người cùng quây quần bên bàn thờ Quan Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cúng trăng, cầu nguyện những điều tốt đẹp.

Trái cây không thể thiếu trong mâm cúng của người Thái là đào. Do quan niệm truyền thống, hầu hết bánh Trung thu cũng có hình dáng của trái đào.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Malaysia

Do Malaysia cũng có rất đông người gốc Hoa và Hoa kiều sinh sống, nên rằm tháng 8 tại nơi này cũng tưng bừng đón Tết Trung Thu giống như ở Trung Quốc.

Người dân nơi đây tổ chức lễ hội này nhằm thể hiện niềm vui khi kết thúc một vụ mùa bội thu, là một dịp để thể hiện sự thịnh vượng, no ấm, hòa bình và yên vui.

Lễ hội đèn lồng và lễ hội bánh Trung Thu được tổ chức tại khu Central Market ở thủ đô Kuala Lumpur. Những người tham gia có thể thỏa thích ngắm nhìn các loại đèn lồng treo trên đường phố và thưởng thức các loại bánh Trung Thu khác nhau.

Trong dịp Trung Thu này, người gốc Hoa tại Malaysia cũng duy trì thói quen ngắm trăng, ăn bánh, thưởng trà và treo đèn lồng đỏ. Các hoạt động phục vụ cho lễ hội bao gồm như múa lân, thả đèn lồng, lễ diễu hành đều được người dân hưởng ứng.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Campuchia

Tại Campuchia, Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải rằm tháng 8 như các nước khác. Vào dịp này, người dân Campuchia tổ chức lễ hội Ok Om Bok. Lễ vật trong ngày lễ này bao gồm cốm, chuối, mía, súp sắn…

Buổi sáng sớm ngày lễ, người dân nơi đây tổ chức lễ hội vái lạy trăng hay còn gọi là Bái nguyệt tiết, nhằm thể hiện sự thành kính đối với thần mặt trăng.

Vào buổi tối, họ cùng nhau trải một chiếc chiếu lớn, để đồ cúng lên đó, và cùng nhau chờ trăng lên. Đến khi mặt trăng nhô cao qua đầu ngọn cây, tất cả mọi người thành tâm bái lạy, cầu nguyện xin phúc lành. Sau đó, những người già sẽ lấy gạo dẹp nhét vào miệng trẻ em, nhằm cầu mong sự khỏe mạnh an lành đến cho chúng.

Ngoài ra, người dân Campuchia còn tổ chức hội thi thả đèn gió. Cuộc thi nhằm thể hiện ước mơ, ước vọng đến gần thần mặt trăng để được ban phước và đem lại sự viên mãn cho người tham dự.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Lào

Tại Lào, lễ hội That Luang là lễ hội lớn liên quan đến ngày trăng tròn. Lễ hội này diễn ra suốt một tuần trăng tròn vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (rơi vào vào tháng 11 hoặc đôi khi là tháng 10 dương lịch).

Trung tâm lễ hội là Pha That Luang, ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước Triệu Voi. Vào những ngày lễ hội, các ngả đường đến Pha That Luang lung linh ánh nến và tòa tháp cùng được trang hoàng rực rỡ, tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng.

Bên cạnh phần lễ nghi còn có phần hội kéo dài đến một tuần chủ yếu là các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức. Đồng thời, một Hội chợ triển lãm mang tầm vóc quốc tế cũng được tổ chức ở Buon That Luong thời gian này.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Myanmar

Myanmar cũng là một quốc gia có ngày Tết Trung Thu. Người dân nơi đây gọi ngày lễ đó là Lễ trăng tròn hoặc Tiết quang minh. Trong đêm rằm Trung Thu, họ đều thắp đèn lồng để mang lại ánh sáng rực rỡ cho cả thành phố.

Ngày này, mọi người cùng nhau vui chơi, nhảy múa và xem kịch, xem phim để thể hiện niềm vui cho mùa màng bội thu.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Philippines

Tết Trung thu ở Philippines bắt nguồn từ những người gốc Hoa đến đây sinh sống và làm việc.

Lễ hội sẽ kéo dài trong vòng hai ngày. Đèn lồng đỏ, băng rôn được treo khắp các cửa hàng và con phố khu Chinatown. Ngoài múa lân, rước đèn, ở đây còn có những chiếc xe hoa diễu hành trong trang phục truyền thống của người Hoa.

Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), gồm nhiều “phiên bản” như hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (Bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)…

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Hồng Kông

Những người Hồng Kông có một cách đặc biệt để kỷ niệm Tết Trung Thu, nhất là ở Tai Hang, nơi từng là làng chài của thôn Hakka. Vào năm 1880, dân làng phải chịu đựng những cơn ác mộng khi cuộc sống của họ bị đe doạ bởi cơn bão. Để đảo ngược vận mệnh của họ, họ đã nhảy điệu múa rồng lửa trong vòng 3 ngày.

Điệu múa rồng lửa Tai Hang vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Một con rồng được làm bằng mây và rơm, được bọc bằng cây hương đốt, và diễu hành qua các đường phố.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Đài Loan

Ở Đài Loan, Tết Trung Thu là kì nghỉ với nhiều hoạt động vui chơi giải trí cùng hàng loạt các bữa tiệc nướng. Vào những năm 80 sau chiến dịch quảng cáo truyền hình của các công ty nước sốt thịt nướng, các bữa tiệc nướng ngoài trời như một phần của các cuộc tụ họp gia đình trong Tết Trung Thu. Tuy nhiên, chính phủ đã hạn chế các địa điểm nướng thịt vì những lo ngại về môi trường. Cho phép ăn thịt nướng công cộng trong các công viên ven sông nhất định và các khu vực được chỉ định khác.

Ngoài ra, tại Đài Loan vào dịp Tết Trung Thu bạn sẽ được ngắm đèn trời được thả cùng lời nguyện ước bình an và hạnh phúc. Hay cùng nhâm nhi bánh trung thu và trà trứ danh Đài Loan cũng rất tuyệt.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Trung Quốc

Tết Trung thu là lễ hội lớn thứ 2 ở Trung Quốc, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Tết Trung thu bắt nguồn từ thời nhà Chu (1046 – 256 TCN), khi người dân nhận ra chu kỳ của mặt trăng có ảnh hưởng với vụ mùa và bắt đầu tổ chức lễ hiến tế vào ngày trăng tròn tháng 8 Âm lịch.

Vào dịp lễ này, người dân Trung Quốc trở về bên gia đình, cùng ăn tối và thưởng thức bánh trái truyền thống. Một số địa phương còn tổ chức lễ hội rước đèn lồng, múa lân và múa sư tử.

Trong suốt hàng nghìn năm, Trung thu đã là dịp để các gia đình Trung Quốc và cộng đồng tụ họp cùng nhau, chúc mừng và cảm ơn mùa màng bội thu từ mùa hè.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Nhật Bản

Tết Trung thu du nhập vào Nhật Bản từ hơn 1.000 năm trước. Otsukimi là lễ hội tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, cũng là thời điểm trăng tròn nhất.

Vào ngày lễ, người dân sẽ bày một mâm bánh lớn trước nhà, cùng trò chuyện, ăn uống. Nhiều không gian công cộng cũng tổ chức ngắm trăng để mọi người cùng tham gia. Món ăn đặc trưng trong ngày Trung thu là bánh gạo nếp – Tsukimi Dango. Trẻ em thường rước đèn lồng cá chép trong lễ hội.

Trung thu các nước có gì khác nhau?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).