Giống như con người, thú cưng như chó, mèo sẽ có những lúc cần được truyền máu, đặc biệt là trong trường hợp bệnh tật hoặc tai nạn bất ngờ. Trên nhiều diễn đàn của cộng đồng người yêu chó ở Hàn Quốc, không hề khó để bắt gặp những bài viết được đăng tải với nội dung kêu gọi giúp đỡ cún cưng cần được truyền máu khẩn cấp.

Thế nhưng bạn có bao giờ thắc mắc, lượng máu cần truyền cho chú chó đang ốm của mình đến từ đâu không? Ở Hàn Quốc, những chú chó làm công việc hiến máu thầm lặng vì đồng loại được biết đến với tên gọi “공혈견” (chó hiến máu).

Hiện nay, chó hiến máu đóng vai trò cung cấp đến 90% lượng máu cần thiết cho những ca phẫu thuật thú y chó ở Hàn Quốc. Không thể phủ nhận rằng sự tồn tại của những chú chó làm công việc hiến tặng máu thầm lặng này đã cứu sống “người bạn trung thành” của rất nhiều gia đình.

Tuy nhiên, nhiều nhóm bảo hộ và người yêu động vật cũng lên tiếng cho rằng những chú chó hiến máu đang phải hy sinh quá nhiều so với những gì chúng được nhận lại.

Theo báo cáo, nhiều nơi ở Hàn Quốc bao gồm bệnh viện thú y và các cơ sở tư nhân tổ chức nuôi nhốt chó hiến máu trong môi trường khá chật hẹp. Từ 2 tuổi đến 7 tuổi (theo tuổi chó), những chú chó này sẽ phải hiến máu trung bình mỗi tháng 1 lần và làm công việc này suốt đời.

Gần đây, những hộ gia đình nuôi giống chó lớn khi biết tin đã bắt đầu nhận thức và đưa chó cưng của mình đi hiến máu nhằm giảm gánh nặng đè trên vai những chú chó hiến máu, góp phần lan toả “sẻ chia” trong cộng đồng người yêu chó ở Hàn Quốc.

Lee Hyun Hee (ở Gyeonggi) là chủ của 3 chú chó thuộc giống chó núi Bern. Chú chó mẹ Gom Sun (8 tuổi) cùng 2 chó con Gom Woong và Gom Dol (5 tuổi) được biết đến như những “hiệp sĩ hiến máu” khi vừa giúp đỡ đồng loại không may gặp nạn, vừa giảm thiểu sự vất vả cho những chú chó hiến máu được nuôi nhốt công nghiệp.

Cho đến nay, 3 chú chó đã đã 5 lần hiến máu tại bệnh viện. Lượng máu mỗi thành viên trong gia đình Gom Sun hiến được có thể cứu đến 3 – 4 chú chó nhỏ. Đồng nghĩa với việc, cứ mỗi lần cả gia đình đi hiến máu, lượng máu cho đi sẽ được dùng để cứu tối đa 15 chú chó khác.

Cô Lee cho biết ban đầu cũng cảm thấy có lỗi với 3 chú chó cưng khi đưa chúng đi cho máu. Nhưng cô quyết tâm rũ bỏ cảm giác áy náy ray rứt khi nghĩ đến những chú chó hiến máu bị nuôi nhốt trong môi trường chật chội và nghèo nàn chiếu trên TV.

Sau mỗi lần hiến máu, cô thường ôm và vuốt ve chúng nhiều hơn mọi ngày, đồng thời thưởng cho chúng bữa ăn đặc biệt giàu dinh dưỡng. Cô tâm sự, “Nghĩ đến những chú chó cả đời chỉ làm công việc hiến máu thì “những đứa trẻ” của tôi mỗi năm vất vả độ một lần cũng không sao cả.”

Chiếc khăn choàng màu vàng mà Gom Sun, Gom Woong và Gom Dol đeo quanh cổ là món quà mà Hiệp hội Chó hiến máu Hàn Quốc dành tặng cho những chú chó thực hiện nghĩa cử cao đẹp góp phần cứu sống những người bạn đồng loại.

Giống chó núi Bern vốn khá trầm tính, lại rất tình cảm và thân thiện, nhờ vậy mà quá trình hiến máu của chúng cũng suông sẻ hơn. Cô Lee tự hào chia sẻ, 3 chú chó nhà cô không bao giờ tỏ ra sợ hãi khi xét nghiệm máu kiểm tra sức khoẻ. Cô tiết lộ thêm rằng có lần Gom Sun còn… ngủ thiếp đi trong khi đang hiến máu.

Tùy vào bệnh viện, hầu hết các quy trình cho chó hiến máu đều có người giám hộ đi kèm. Bác sĩ và y tá cũng ngồi trên sàn trong lúc thao tác lấy máu nhằm giúp tâm trạng chú chó ổn định. Sau khi hiến máu, chó cưng sẽ được nghỉ ngơi đầy đủ và truyền dịch để lấy lại sức.

Ảnh hưởng sâu sắc bởi chú chó cưng cũ tên Popeye (giống tha mồi Labrador), cô Lee đã quyết định đưa những chú chó cưng sau này đi hiến máu. Khi còn sống, đã có lần Popeye theo chủ đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ rồi ngẫu nhiên truyền máu cho một chú chó lông xù Maltese đang trong tình trạng nguy kịch.

Cô Lee chia sẻ rằng không thể nào quên vẻ mặt cảm kích của chủ nhân chú chó khi ấy. Một thời gian sau, cô lại đưa chó đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ và lại tình cờ bắt gặp chú chó lông xù ngày trước phải vào bệnh viện cấp cứu. Lần này đến lượt Gom Woong đã “ra tay nghĩa hiệp” truyền máu cho bạn. Người chủ của 3 hiệp sĩ hiến máu không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt khi cho biết “những đứa trẻ” của cô đã cứu sống chú chó nọ đến tận 2 lần.

Cô Lee còn tự hào về tình trạng sức khoẻ của 3 mẹ con Gom Sun, vì chỉ những chú chó khoẻ mạnh mới có thể hiến máu. Để chúng có đủ sức hiến máu, cô bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ cho ba chú chó hơn bình thường. Bởi nếu muốn trở thành một hiệp sĩ hiến máu, chó cưng cần phải được tiêm phòng định kỳ các mũi phòng gium tim và giun móc trong độ tuổi từ 2 – 8 tuổi, đồng thời đáp ứng yêu cầu về cân nặng từ 25kg trở lên.

Hiến máu thường xuyên giúp kích thích sản sinh tế bào hồng cầu, tạo nguồn máu tươi mới tốt cho sức khoẻ thú cưng. Bên cạnh đó, thú cưng có cơ hội được kiểm tra sức khoẻ đồng thời thông qua xét nghiệm máu trước khi hiến.

Việc xét nghiệm này được thực hiện miễn phí và cho ra kết quả chi tiết hơn cả khi kiểm tra sức khoẻ thông thường. Nhờ sự hỗ trợ này mà chú chó Gom Sun từng được phát hiện nghi ngờ dương tính với ký sinh trùng Babesia (ký sinh trùng lây truyền bởi ve, có thể gây bệnh huyết khối, phá hủy máu và gây ra các triệu chứng như nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong).

Bệnh viện nơi Gom Sun đến hiến máu đã tích cực gửi mẫu xét nghiệm máu của chú chó này đến tận Mĩ để đưa ra chẩn đoán chính xác. May mắn là ở lần kiểm tra thứ 3, Gom Sun đã được chẩn đoán âm tính với kí sinh trùng nguy hiểm.

Trước những ý kiến cho rằng những người chủ đưa chó đi hiến máu chỉ đang hành động theo ý mình mà không hề quan tâm đến cảm nhận của chó cưng, cô Lee trả lời: “Thật lòng tôi cũng cảm thấy có lỗi. Nhưng những hành động hoàn toàn vì chó cưng như đưa chúng đi kiểm tra sức khoẻ hay điều trị bệnh, chúng ta cũng đâu hề xin phép ý kiến chúng trước rồi mới thực hiện? Tôi tin rằng việc mình đang làm là vì những chú chó cưng của tôi, mà cũng là vì chó cưng của người khác.”

Cô Lee hy vọng những người đưa ra chỉ trích trên có thể một lần nghĩ đến cảm giác của những chú chó cả đời chỉ làm công việc hiến máu. Chủ của 3 chú chó Gom Sun, Gom Woong và Gom Dol tâm nguyện, dù không thể góp phần xoá bỏ hình thức nuôi nhốt chó với mục đích lấy máu, cô cũng mong giúp những chú chó ấy được nghỉ ngơi dù chỉ là một chút nhờ sự san sẻ trách nhiệm từ những chú chó cưng khoẻ mạnh khác.

XEM THÊM: Hàn Quốc bắt đầu áp dụng đăng ký chứng minh thư bắt buộc cho chó

Tổng hợp từ 중앙일보

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).