Vào tháng 8/2019, tổng thống Moon Jae In đã tặng tất cả nhân viên trong Phủ tổng thống cuốn sách có tiêu đề: 90년생이 온다 (Thế hệ 9X đã đến). Đây là cuốn sách của tác giả Lim Hong Taek (임홍택), đề cập đến những khó khăn mà thế hệ 9X Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Trên bìa cuốn sách tặng các nhân viên, tổng thống Moon Jae In có viết: “Chúng ta đều từng trải qua tuổi 20 một lần trong đời, nhưng hiện nay chúng ta hiểu những người ở độ tuổi 20 được bao nhiêu?” (누구나 경험한 젊은 시절, 그러나 지금 우리는 20대를 얼마나 알고 있을까요?)

Quả là không hề dễ dàng khi tìm hiểu về cuộc sống của toàn bộ 6.95 triệu người sinh vào thập niên 90 tại Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết, thế hệ này sở hữu một số đặc điểm khác biệt hơn thế hệ trước: cá tính hơn, cởi mở hơn và nhạy cảm hơn với sự bất công xã hội.

17 Điều kỳ lạ & dễ thương chỉ có ở Hàn Quốc

Một thế hệ phẫn nộ trước sự bất công

Ở Hàn Quốc, việc cạnh tranh dường như là vô tận từ việc chạy đua vào một trường đại học danh tiếng, kiếm tìm một công việc được cho là “tạm ổn”, rồi mua nhà, kết hôn…

Sức ép cạnh tranh này khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc trở nên nhạy cảm khi nghe tin về những người giàu có và quyền lực được đối xử ưu tiên hơn.

Gần đây, vụ gian lận nhập học của con gái tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cho Kuk đã khiến hàng loạt sinh viên đổ ra đường biểu tình đòi công bằng.

Một sinh viên (25 tuổi) chia sẻ: “Tôi đã rất tuyệt vọng khi trượt đại học. Nhưng có những người như con gái ông Cho Kuk mặc dù năng lực không bằng tôi nhưng lại nhờ bố mẹ có quyền thế nên được ưu tiên hơn tôi”.

Khi nói đến thế hệ 9X, còn có một thuật ngữ khác là Thế hệ Millennials.

Thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi). Sở dĩ nhóm người này được ưu ái một cái tên riêng như vậy bởi Millennials được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội (forum, blog, facebook…).

Với những tiến bộ công nghệ, khoảng cách tiếp cận kiến thức và văn hóa đã được thu hẹp, buộc mọi người phải cạnh tranh gay gắt hơn.

Thế hệ 9X chấp nhận những thách thức này, nhưng họ muốn một sân chơi công bằng.

Trong một khảo sát năm 2017 của Hàn Quốc, 61.5% trong số 10.000 người dưới 30 tuổi tự nhận thấy khả năng thăng tiến của họ trong xã hội là rất thấp. Trong khi kết quả khảo sát vào năm 2013 là 46.8%.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố vào tháng 6/2019, trong tổng số 3.873 người trưởng thành có 80,8% số người Hàn cho rằng nền tảng gia đình giàu có là điều quan trọng để thành công trong cuộc sống.

Theo các nhà quan sát, thế hệ 9X có xu hướng phản ứng trước những vấn đề xã hội và chính trị, như thảm kịch phà Sewol hay vụ bê bối Cho Kuk .

Thế hệ 9X Hàn Quốc không gắn liền với hệ tư tưởng chính trị truyền thống như việc phe bảo thủ luôn coi trọng liên minh Hàn Quốc – Mỹ hơn là quan hệ liên Triều. Còn thế hệ trẻ lại ưu tiên cải thiện quan hệ xuyên biên giới hơn.

Ngoài ra, thế hệ này đã chứng kiến và trực tiếp tham gia những cuộc biểu tình lật đổ tổng thống Park Geun Hye với tội danh tham nhũng vào năm 2016.

Cuộc sống sau song sắt của bà Park Geun Hye, nữ tổng thống “5 nhất” của Hàn Quốc

Điều này cho thấy thế hệ trẻ không chỉ giỏi trong việc bày tỏ ý kiến, mà họ đã đứng lên hành động bằng những cuộc biểu tình thay vì chỉ dựa trên các lá phiếu bầu.

Nếu cho rằng thế hệ trẻ này không quan tâm đến chính trị thì chưa đúng, bởi chưa có đảng phái chính trị nào đại diện cho lợi ích của họ mà thôi.

Không thấy tội lỗi khi nhảy việc

Thế hệ những người sinh vào đầu thập niên 90 đã quen với việc làm thêm nhiều giờ và tham dự các bữa tối nhậu nhẹt sau giờ làm.

Làm theo những gì được sai bảo cũng trở thành một văn hóa nơi làm việc của họ. Việc cống hiến cả đời cho một công ty duy nhất cũng không phải chuyện hiếm tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, những lao động trẻ này có xu hướng “nhảy việc” thường xuyên để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn. Họ muốn cống hiến cho các dự án và sự nghiệp cá nhân, thay vì với nhóm lợi ích hoặc công ty của họ.

Hồi tháng 1/2019, phong trào “nghỉ việc” lọt vào top 10 các vấn đề được bàn luận nhiều nhất trên các trang mạng xã hội lớn tại Hàn Quốc.

Một số công nhân viên văn phòng thậm chí còn tham gia các lớp học hướng dẫn kế hoạch nghỉ việc. Một trường học dạy “từ bỏ công việc” ở Seoul đã thu hút hơn 7.000 người tham dự kể từ khi mở cửa vào năm 2016.

Các tập đoàn lớn góp phần đưa nền kinh tế Hàn Quốc thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á như Samsung và Huyndai, trong con mắt của thế hệ lớn tuổi Hàn Quốc, được coi là cánh cửa để bước vào tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, hiện nay không ít thanh niên Hàn Quốc thay vì phấn đầu vào làm tại những công ty này, lại lựa chọn rời khỏi thành phố để làm nông nghiệp hoặc đi lao động ở nước ngoài, họ không còn mấy mặn mà với sự thành công truyền thống: công việc văn phòng được trả lương cao, nuôi gia đình và mua căn hộ.

Một nhân viên chia sẻ: Tôi không trung thành tuyệt đối với công ty cũng như các đồng nghiệp của tôi. Tôi sẵn sàng rời khỏi công ty khi cảm thấy mình đã học đủ ở đây và muốn phát triển hơn nữa ở nơi khác.”

Theo cuốn sách 90년생이 온다 (Thế hệ 9X đã đến), những người sinh vào thập niên 90 không tin rằng lòng trung thành với công ty sẽ giúp thăng tiến sự nghiệp. Đó là lý do vì sao họ không ngại chuyển đổi chỗ làm để đầu tư cho sự nghiệp tương lai của mình.

Có thể điều này xuất phát từ việc họ đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi mọi người luôn làm việc trong nỗi thấp thỏm vì sợ mất việc.

Làm vừa đủ, tận hưởng cuộc sống

Trong những năm 1980, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thói quen “làm việc tới chết” ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Thời gian làm việc trung bình của người Hàn là 68 giờ mỗi tuần.

Được mệnh danh là “nghiện việc nhất châu Á”, Hàn Quốc có thời gian làm việc mỗi tuần đứng thứ 2 trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico.

Nhưng kể từ tháng 7/2018, tất cả các công ty có từ 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật “WoLiBal” (viết tắt của work-life balance, tạm dịch cân bằng công việc cuộc sống).

Nhờ đạo luật này mà giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng ưu tiên nhiều hơn vào việc cân bằng giữa đời tư và công việc, cũng như tập trung phát triển tiềm năng của họ thông qua công việc.”

Giáo dục & Tốc độ, động lực thành công của kinh tế Hàn Quốc

Đã chán “ăn bữa hôm, lo bữa mai”

Hiện nay, không ai có thể đảm bảo với thế hệ trẻ rằng họ có thể đạt mục tiêu như thế hệ trước. Đó là lí do vì sao họ theo đuổi lối sống tận hưởng khoảnh khắc nhiều hơn là hy sinh cho tương lai không chắc chắn kia.

Trong một xã hội nơi thành công dường như xa vời và đòi hỏi một quá trình nỗ lực lâu dài để đạt được, người trẻ tuổi bị cuốn hút vào những trải nghiệm mang lại cho họ cảm giác hài lòng tức thời.

Shibal biyong (시발비용) – trong tiếng Hàn, “biyong” có nghĩa là chi phí còn “shibal” là một từ chửi thề. Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, “có đồng nào xào đồng ấy” mà không muốn tiết kiệm vì tương lai kém triển vọng.

Bạn mua chiếc áo khoác đẹp vì nghĩ để dành cả đời cũng không đủ tiền mua nhà. Bạn ăn bít tết bởi cho rằng không bao giờ tiết kiệm đủ cho quãng đời sau khi về hưu.

Trong mắt những người lớn tuổi, shibal biyong là một điều gì đó rất tiêu cực, dùng để chỉ những kẻ phá tiền cho những việc vô bổ, không bao giờ có suy nghĩ tằn tiện cũng như ý chí phấn đấu.

Nhưng đối với những người trẻ Hàn Quốc, shibal biyong được xem là phương thuốc tức thời cho những mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống hàng ngày.

Nhiều người than vãn rằng dù có tiết kiệm 20 năm cũng chẳng thể mua nổi nhà ở Seoul. Nhưng nhiều bạn trẻ không không quá bận tâm về điều đó. Thay vì tiết kiệm vì một tương lai không đảm bảo và lo nghĩ quá nhiều cho viễn cảnh xa xôi, họ quyết tâm đầu tư vào hiện tại.

Những hình ảnh chụp các bữa ăn sang chảnh hay những “núi” đồ hiệu với hashtag #shibalbiyong xuất hiện này một nhiều trên các trang mạng.

Nói một cách khác, giống như geumsujeo (금수저, thìa vàng) và hell Joseon (헬조선, địa ngục Hàn Quốc), khái niệm shibal biyong cũng thể hiện sự tuyệt vọng của thế hệ trẻ Hàn Quốc.

Tổng hợp từ Korea Herald

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).