Hàn Quốc lại mới xảy một vụ gia đình tự sát tập thể đau lòng nữa lại xảy ra ngay trước dịp lễ Giáng Sinh 2019. Mức thu nhập thấp cùng những khoản nợ lớn không có khả năng chi trả được cho là lý do đẩy gia đình này vào bước đường cùng.

Theo cảnh sát, 4 thành viên trong gia đình gồm hai vợ chồng ông K (42 tuổi), con trai (14 tuổi) và con gái (11 tuổi) được tìm thấy đã tử vong vào lúc 8 giờ tối ngày 23/12/2019 tại nhà riêng ở Daegu.

Hiện chưa có báo cáo về việc tìm ra ghi chép để lại nghi ngờ là di thư của gia đình. Khi cậu bé con trai cả 14 tuổi nghỉ học bất thường không xin phép, giáo viên chủ nhiệm của em đã nghi ngờ và đi báo cảnh sát thì phát hiện vụ việc đau lòng.

Cảnh sát điều tra nhận định gia đình trên lựa chọn cách giải quyết cực đoan nhiều khả năng là do bi quan trước hiện thực nghèo khó. Trước đó, giáo viên chủ nhiệm của cậu con trai cho biết có từng nghe cậu bé chia sẻ về việc gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Được biết, căn phòng nơi phát hiện 4 nạn nhân tử vong bị khoá trái, không có dấu hiệu xâm nhập từ bên ngoài nên khả năng bị sát hại rất thấp.

Theo điều tra, cuộc sống gia đình ông K rơi vào cảnh túng quẫn nghiêm trọng. Không có ghi chép về thu nhập của người chồng. Cả gia đình 4 người sống nhờ vào khoản tiền 2 triệu KRW vợ ông K kiếm được hàng tháng.

Số tiền này được dùng để chi trả dần những khoản nợ nần ước tính lên đến 100 triệu KRW, phí thuê nhà 300.000 KRW/tháng và chi phí sinh hoạt cho 4 miệng ăn. Trong hòm thư gia đình, cảnh sát tìm thấy thông báo yêu cầu thanh toán các khoản nợ gồm 40 triệu và 20 triệu KRW từ các tổ chức, cơ quan tài chính.

Không thể chứng minh “hộ nghèo”, nhiều gia đình tìm đến giải pháp cực đoan

Ở Hàn Quốc, những trường hợp tự sát tập thể vì túng quẫn như gia đình K tái diễn liên tục một cách đáng lo ngại trong vài năm gần đây. Điển hình là vụ việc 3 mẹ con tự tử ở quận Songpa (thủ đô Seoul) vào năm 2014.

Người mẹ 60 tuổi và 2 cô con gái ngoài 30 vật lộn với cuộc sống nghèo khó trong một thời gian dài, cuối cùng đã chọn cách kết liễu cuộc đời sau khi để lại một phong bì chứa 700.000 KRW tiền thuê nhà và hoá đơn điện nước.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có ít nhất 4 vụ tự sát tập thể do nghèo túng. Đơn cử là 3 vụ tự tử tập thể chỉ trong vòng 20 ngày vào tháng trước đã cướp đi sinh mạng của 9 người, trong đó có người già và trẻ nhỏ.

Tháng 7/2019, cảnh sát phát hiện thi thể 2 mẹ con người Bắc Hàn bị chết đói trong căn hộ ở phường Bongcheon, quận Gwanak, Seoul.

Đặc điểm chung của những vụ việc thương tâm này là trước khi tìm đến cái chết, các hộ gia đình đều không tìm được biện pháp để giải quyết kế sinh nhai do những bất cập trong tiêu chuẩn quy định”hộ có thu nhập thấp”, cùng sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ của hệ thống phúc lợi Hàn Quốc.

Trong vụ việc 3 mẹ con tự tử ở quận Songpa, người mẹ kiếm được 1,2 triệu KRW mỗi tháng nhờ phục vụ ở nhà hàng, vì vậy họ không đủ điều kiện để được xét vào diện đối tượng có thu nhập dưới mức sống cơ bản để được nhận trợ cấp.

Gia đình ông K cũng rơi vào trường hợp tương tự. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, nếu một người có khoản nợ từ các tổ chức tài chính, số tiền đó sẽ được khấu trừ, không liệt kê vào tài sản cơ bản. Tuy nhiên, khoản nợ đó cũng không được cân nhắc liệt kê vào các hạng mục cần chi trả như sinh hoạt phí, chi phí y tế khi xét đến tiêu chuẩn thu nhập hàng tháng của hộ nghèo.

Do đó, mặc dù mỗi tháng gia đình K phải vừa xoay sở sinh hoạt phí cho 4 người, vừa phải trích ra một con số đáng kể để trả khoản nợ hơn 100 triệu KRW, họ cũng không được xét nhận mức trợ cấp cơ bản vì người vợ có mức thu nhập 2 triệu KRW/tháng.

Trước đó vào năm 2013, do công việc làm ăn của K gặp thất bại, vợ ông đã đến trung tâm cộng đồng để đăng ký được xét vào diện gia đình có thu nhập thấp song bị từ chối vì gia đình có khoản tiền đặt cọc thuê nhà theo năm và xe riêng. Họ cũng không đủ điều kiện để nhận khoản trợ cấp khẩn cấp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, gặp khó khăn trong việc duy trì kế sinh nhai do biến cố bất ngờ.

XEM THÊM: Người già ở Hàn Quốc làm việc đến hơi thở cuối cùng, sự bất hạnh hay niềm hạnh phúc?

Trách nhiệm của cộng đồng

Nhiều người chỉ trích cho rằng các gia đình trên đã không tích cực tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài trước khi đi đến sự lựa chọn cực đoan. Thế nhưng trên thực tế, để nhận sự hỗ trợ một cách bài bản, những người này phải chứng minh gia đình mình là “hộ có thu nhập thấp” bằng việc nộp một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm hàng tá giấy chứng nhận, từ chứng nhận quan hệ gia đình, hợp đồng thuê nhà, đến thông tin giao dịch tài chính, bệnh án…

Trong vụ việc 2 mẹ con người Bắc Hàn tử vong tháng 7/2019 vừa qua, khi còn sống người mẹ cũng từng được yêu cầu nộp giấy xác nhận đã ly hôn nhằm mục đích xác nhận xem người cô có phải là người có nghĩa vụ hỗ trợ gia đình hay không.

Các hộ gia đình thu nhập thấp có thể duy trì kế sinh nhai nhờ được cung cấp thông tin việc làm hay trả nợ hộ. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào mức độ nhiệt tình, sự nỗ lực giúp đỡ của nhân viên phúc lợi xã hội phụ trách hỗ trợ gia đình đó.

Theo Kim Yong Won, người đứng đầu Trung tâm Cải cách Thuế Đoàn kết (참여연대 조세개혁센터), xã hội Hàn Quốc là một cấu trúc mà trong đó, nghèo túng là vấn đề của cá nhân và phải được khắc phục bởi cá nhân và gia đình.

Việc nhận thức rằng các vấn đề nội tại gia đình nên được giải quyết bởi các thành viên trong nhà cũng là một yếu tố tác động con người hướng đến sự lựa chọn cực đoan hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

BẠN CÓ BIẾT:

Tổng hợp từ 경향신문

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).