Ngày 13/12/2019 vừa qua, Toà án cấp cao Seoul đưa ra phán quyết không chấp nhận kháng cáo của một phụ nữ Việt Nam (bà A), đồng thời giữ nguyên lệnh trục xuất và cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc trong vòng 10 năm đối với người này.

Bà A lần đầu tiên đến Hàn Quốc theo chương trình tu nghiệp sinh công nghiệp vào tháng 4/1997. Sau khi hết thời hạn tu nghiệp, bà vẫn tiếp tục ở lại. Điều này đồng nghĩa với việc bà A trở thành công dân BHP ở Hàn Quốc.

Năm 2005, người phụ nữ này quay về Việt Nam sau khi nhận lệnh trục xuất từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, bà lại nhập cảnh vào Hàn Quốc bằng cách mượn hộ chiếu của người khác chỉ 3 năm sau đó. Năm 2011, bà A một lần nữa bị phát hiện đang lưu trú BHP và nhận lệnh cưỡng chế xuất cảnh lần 2.

Năm 2017, bà A quay trở lại Hàn Quốc bằng hộ chiếu cá nhân và kết hôn với C, một người đàn ông mang quốc tịch Hàn Quốc. Tháng 5/2018, trong khi làm thủ tục xuất cảnh về Việt Nam thăm gia đình, hồ sơ lưu trú BHP trong quá khứ của bà A đã bị nhân viên bộ phận quản lý Xuất nhập cảnh sân bay Quốc tế Incheon phát hiện.

Ngay sau đó, cơ quan trên đã đưa ra lệnh trục xuất và cấm nhập cảnh đối với bà A với lý do: hành vi cố ý nhập/xuất cảnh bằng hộ chiếu vào Hàn Quốc của người khác của bà A có thể trở thành mối đe doạ đến an ninh quốc gia của Hàn Quốc.

Bà A đã đệ đơn kháng cáo lên toà án cấp cao Seoul, yêu cầu vô hiệu hoá lệnh cấm nhập cảnh đối với mình. Trong đơn, bà lập luận hiện đang trong quá trình chuẩn bị tìm việc làm ở Hàn Quốc nhằm chu cấp cho bố mẹ già yếu ở Việt Nam. Nếu lệnh trục xuất được thực thi, bà sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ gia đình. Bên cạnh đó, việc làm ăn của chồng bà cũng có thể bị ảnh hưởng và cuộc hôn nhân của hai người có nguy cơ bị chia rẽ.

Trong phiên toà sơ thẩm, toà án không đồng tình với lý do bà A đưa ra. Toà cho rằng, với tư cách là người từng nhiều lần cố tình lưu trú BHP ở Hàn Quốc, bà A phải chịu mọi trách nhiệm về vấn đề cá nhân như nếp sống sinh hoạt bị đảo lộn và những mối quan hệ hình thành ở Hàn Quốc bị gián đoạn khi lệnh cấm được đưa ra. Toà khẳng định không thể xử lý nhẹ tay đối với hành vi vi phạm luật xuất nhập cảnh nghiêm trọng như trường hợp bà A.

Toà án Seoul cũng cho biết thêm, dù bị phát hiện từng sử dụng hộ chiếu của người khác và nhận được lệnh cấm nhập cảnh của sân bay, bà A vẫn tiếp tục bay về Việt Nam mà không có động thái thành khẩn nào.

Thông qua đó, toà khẳng định cần phải thắt chặt kiểm soát hơn nữa vấn đề xuất nhập cảnh của người nước ngoài. Tuy nhiên, bà A không chấp nhận phán quyết này và đã đệ đơn kháng cáo yêu cầu vô hiệu hoá quyết định của Cơ quan Xuất nhập cảnh sân bay Quốc tế Incheon.

Dù vậy, trong phiên xét xử giữa tháng 12/2019 mới đây, toà án cấp cao Seoul vẫn cho rằng bản án trong phiên toà sơ thẩm là chính xác và hợp lý, đồng thời quyết định giữ nguyên lệnh trục xuất và cấm nhập cảnh Hàn Quốc 10 năm đối với bà A.

XEM THÊM: Việt Nam đứng thứ 3 trong các quốc gia cư trú BHP ở Hàn Quốc nhiều nhất

Tổng hợp từ 조선일보

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).