Người Hàn Quốc & người nước ngoài đã và đang sinh sống ở Hàn Quốc thường xuyên sử dụng tàu điện ngầm sẽ ít nhất một lần phải cau mày khi chứng kiến những hành động như “chốn không người” của một bộ phận người đi tàu. Chẳng hạn như chen hàng trong khi chờ tàu, nói chuyện lớn tiếng, bỗng dưng hét toáng lên, hoặc bị “cưỡng chế” nhường ghế…

Thế nhưng đã từ lâu ở Hàn Quốc, có một hành động vẫn thường xuyên gây tranh cãi mỗi khi có ai đó bàn luận đến mức độ phiền toái khi nó đó được thực hiện ở tàu điện ngầm – chính là việc trang điểm.

Tháng 6/2017, Hội nữ sinh viên trường đại học Dongguk đã tiến hành thu thập và cho đăng tải những lời phát ngôn của các giáo sư trường Dongguk trong lúc đang giảng bài có hàm ý phân biệt giới tính, ghét bỏ hay xem thường phụ nữ.

Trong số 45 lời phát ngôn mà hội nhận được từ các sinh viên trong trường, có một câu nói của một vị giáo sư nam vô cùng đáng chú ý.

“Các em sinh viên lên tàu điện ngầm thì đừng trang điểm. Ở Pháp, chỉ có những phụ nữ làm công việc bán hoa mới có hành vi như thế thôi.”

Ngay khi được đăng tải, câu nói này đã lập tức gây xôn xao. Nhiều người quan ngại cho rằng, những phát ngôn có ngôn từ kích động sự thù ghét cũng như phân biệt đối xử nhắm đến phụ nữ kiểu này vẫn còn tồn tại, ở một nơi gần gũi với sự văn minh tiến bộ nhân loại như giảng đường đại học, mà lại còn ở mức độ nghiêm trọng.

BẠN CÓ BIẾT: Những tiện ích dành riêng cho phụ nữ ở Hàn Quốc

Chưa hết, một phóng viên người Hàn Quốc đã từng chia sẻ quan điểm trên một bài báo rằng, “Hình ảnh người phụ nữ trang điểm nơi công cộng không hề đẹp mắt. Và phụ nữ trang điểm trong tàu điện thì trông rất luộm thuộm.”

Kim, một thực tập sinh 24 tuổi, do ngủ dậy muộn nên đã quyết định trang điểm trong tàu điện trên đường đến chỗ làm. Trong lúc đang đánh kem nền và vẽ lông mày, cô cảm nhận được sự săm soi của những người xung quanh nhưng cố vờ như không biết gì. Thế nhưng khi vừa xuống khỏi tàu, có ai đó liền buông lời lăng mạ khiến Kim cảm thấy bị shock.

” XX này, muốn trang điểm thì làm ở nhà rồi hẵn ra đường chứ…”

Kim hoang mang tột độ, cô nghĩ rằng hành động trang điểm của mình không có gì sai trái khi cô không gây phiền phức trực tiếp đến ai. Những buổi sáng khi thời gian sửa soạn bị thu hẹp lại do ngủ dậy muộn, hoặc do quá mệt nên muốn ưu tiên ngủ thêm 15-20 phút thay vì trang điểm, Kim sẽ mang đồ trang điểm theo để tranh thủ sửa soạn trong thời gian ngồi trong tàu điện.

Nếu thời gian thư thả, không chỉ riêng Kim mà tất cả những người phụ nữ khác đều sẽ chọn trang điểm ở nhà. Song vào những trường hợp cấp bách thì không còn cách nào khác. Kim nói trong bức xúc: “Cũng chẳng phải là tôi đã huých phải vào ai hay vấy bẩn phấn trang điểm vào ai cả. Tôi không gây hại trực tiếp đến ai bằng hành động của mình thì tại sao lại phải chịu nghe những lời lăng mạ ấy?”.

Cô hiểu rằng, ở một số xã hội như Hàn Quốc, hành động trang điểm nơi công cộng, cụ thể là tàu điện có thể không được mọi người nhìn nhận tích cực, nhưng đến mức phải nghe những câu từ tục tĩu xúc phạm thì cô không chấp nhận được.

Trang điểm làm phát tán bột phấn và xộc mùi hương mỹ phẩm?

Lee, một nhân viên văn phòng 25 tuổi tỏ vẻ bức xúc khi việc phụ nữ trang điểm trong tàu điện trở thành đề tài gây tranh cãi trên MXH. Lee cho rằng, những người phán xét việc phụ nữ trang điểm trong tàu điện ngầm với lập luận nào là “bột phấn bay tứ tung”, “mùi mỹ phẩm quá mạnh” đều là những người chưa hiểu rõ nên mới đưa ra nhận xét như vậy.

Cô chia sẻ: “Những ai thường trang điểm sẽ biết thôi, dạo gần đây làm gì có loại sản phẩm trang điểm nào mùi mạnh và bột đến mức như họ nói.” Được biết, Lee thường sử dụng mỹ phẩm dạng kem nên hầu như không có việc phát tán bột phấn gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Cô giải thích thêm rằng, trên thực tế, trừ phi dùng cọ trang điểm loại lớn để đánh phấn thì may ra, còn bình thường thì rất khó để phát tán bột phấn. Về vấn đề mùi hương mỹ phẩm, cô cũng kiên quyết cho rằng, trừ trường hợp dùng nước hoa, còn hầu như không một loại sản phẩm trang điểm thông thường nào xộc mùi mạnh cả.

Mặt khác, Lee Jung Su (nam, 26 tuổi) cho rằng trang điểm trong tàu điện ngầm là hành động gây phiền toái. Suy nghĩ này xuất phát từ việc anh từng có trải nghiệm bị vết màu từ mỹ phẩm dây bẩn lên áo.

Jung Su quả quyết chưa bao giờ sử dụng loại mỹ phẩm nào có màu này nên chắc chắn đó phải là từ người khác. Anh cho rằng các vết mỹ phẩm không dễ tẩy rửa nên kể từ đó, mỗi khi gặp người trang điểm trên tàu, Jung Su đều cố gắng hết sức để né tránh.

Hai lập trường trái ngược

Nhiều ý kiến cho rằng, dù trang điểm trong tàu điện ngầm không tác động gây phiền toái trực tiếp, nhưng sẽ thật khó chịu khi khiến nhiều người phải vô tình nhìn thấy những hành vi thuộc về phạm trù riêng tư của một cá nhân nào đó. Những người đứng về lập trường này cho rằng, ở những nơi công cộng như tàu điện, khó mà không đưa mắt nhìn một lần khi có một người ngồi gần đó bắt đầu trang điểm.

Kim, vừa trang điểm trong tàu điện nhưng cũng không thể ngừng để tâm đến ánh nhìn của người xung quanh. Cô thổ lộ, “Cũng có thể họ thấy lạ nên đưa mắt nhìn một lần. Nhưng nhất định có những người cứ phải nhìn chăm chăm mới chịu được. Trang điểm đâu phải là một điều gì đáng khinh?”

Lee Hyun Ju – một người mới đi làm thường xuyên tranh thủ trang điểm trong tàu điện cũng cảm thấy không mấy dễ chịu về việc này.

“Tôi cũng muốn được thoải mái sửa soạn ở nhà vì ghét phải trang điểm trong khi chịu đựng ánh nhìn soi mói của người trong tàu điện. Nhưng nếu đi làm mà không trang điểm thì vào công ty sẽ có người săm soi rồi lại hỏi đau ốm ở đâu ư?. Vậy nên trang điểm trong tàu điện là việc hoàn toàn miễn cưỡng phải làm đối với tôi.”

Ở Nhật Bản đã từng xảy ra tranh cãi về việc một chiến dịch kêu gọi không trang điểm trong tàu điện ngầm được phát động. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, một quan chức trong đơn vị vận hành tàu điện ở Seoul cho hay, “Năm 2019, đã có 13 khiếu nại dân sự liên quan đến việc trang điểm trong tàu điện, song đó là con số rất nhỏ so với hàng trăm khiếu nại về các vấn đề khác. Hiện tại chúng không có ý định phát động chiến dịch nào liên quan đến phản đối trang điểm trong tàu điện.”

Giáo sư trường đại học Kyunghee kiêm nhà phê bình văn hoá đại chúng Lee Tae Kwang nhận định: “Hành động trang điểm trong tàu điện ngầm hoàn toàn không có gì phải cấm cản nếu nó dừng lại ở phạm vi không gây hại đến ai. Những tranh cãi kiểu này này rốt cuộc đều là vấn đề xuất phát từ cơ cấu xã hội Hàn Quốc. Muốn giải quyết, phải bắt đầu từ việc thay đổi bầu không khí xã hội – nơi mà luôn ngấm ngầm đòi hỏi con người lúc nào cũng phải chỉn chu, nghiêm trang và đẹp đẽ.”

XEM THÊM VĂN HÓA TÀU ĐIỆN HÀN QUỐC:

Tổng hợp từ 스냅타임

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).