Hàn Quốc là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Không một nam công dân nào ở Hàn Quốc được miễn nghĩa vụ quân sự, cho dù là con của các gia đình khá giả, chính trị gia hay người nổi tiếng.

Điều này đồng nghĩa những diễn viên, các ngôi sao và ca sĩ thần tượng cũng không được ưu tiên hơn người bình thường. Và không ít nghệ sĩ đã đánh mất cả sự nghiệp sau khi trở về từ quân đội.

Người dân Hàn Quốc suy nghĩ gì về việc đi nghĩa vụ quân sự?

Chế độ nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc bắt đầu được thực hiện từ năm 1957 tới nay. Theo đó, mọi nam giới của nước này trong độ tuổi từ 18 tới 35 đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nữ giới không bắt buộc, nhưng được phép tình nguyện gia nhập.

Theo luật pháp Hàn Quốc, nam giới bước qua tuổi 18 sẽ phải ghi danh nhập ngũ. Khi bước qua tuổi 19, thanh niên sẽ phải khám sức khỏe để nhập ngũ, tuy nhiên chưa bắt buộc nhập ngũ ngay mà có thể được hoãn.

Thanh niên Hàn Quốc thường có hai cách lựa chọn: đi nghĩa vụ quân sự ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc chờ tốt nghiệp đại học, học xong năm nhất sẽ bảo lưu kết quả để đi nghĩa vụ. Hồ sơ quân nhân là một trong những thứ giấy tờ cực kỳ quan trọng, giúp nam giới có lợi thế hơn khi đi xin việc. Các công ty, tập đoàn của Hàn Quốc cũng không muốn nhận những người chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự vì sớm muộn họ cũng sẽ phải nghỉ làm trong… 2 năm để thực hiện việc này.

Hàn Quốc, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là tội phản quốc

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những quân nhân này sẽ được đưa vào danh sách dự bị. Trong vòng 6 năm sau khi xuất ngũ, những quân nhân dự bị này sẽ được tập huấn mỗi năm vài tuần để ôn lại các kỹ năng chiến đấu của mình.

Thanh niên Hàn Quốc nếu muốn được miễn nghĩa vụ quân sự sẽ phải dành được huy chương vàng ở Olympic hoặc ASIAD – như một cách mang vinh quang về cho tổ quốc. Tuy nhiên họ vẫn sẽ phải trải qua khóa huấn luyện tập trung kéo dài 4 tuần.

Có người Hàn Quốc chấp nhận việc đi nghĩa vụ như một sự hiển nhiên, nhưng có người tỏ sự bất mãn vì hai năm đi nghĩa vụ đã đánh mất quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất của một đời người.

Với nghệ sĩ, việc đi nghĩa vụ quân sự không khác gì án treo, bởi thời gian hai năm có thể khiến người hâm mộ quên đi thần tượng của mình. Và tại một đất nước có ngành giải trí phát triển như Hàn Quốc, việc bị thay thế là không thể tránh khỏi. Sau khi xuất ngũ, trở lại ngành giải trí liệu có còn đạt được đỉnh cao như trước? Việc nhập ngũ luôn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm tại Hàn Quốc và luôn làm các nam nghệ sĩ Kbiz phải run sợ.

Trong khi đó, bất cứ ai lừa dối hoặc cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc sẽ bị bỏ từ hoặc trục xuất vĩnh viễn. Theo ước tính, quốc gia này giam giữ nhiều người trốn nghĩa vụ quân sự hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.

Những tội đồ trốn nghĩa vụ quân sự

Yoo Seung Joon

Yoo Seung Joon sinh năm 1976, từng được tôn vinh là huyền thoại âm nhạc Hàn Quốc thập niên 1990.

Tháng 1 năm 2002, sau khi được Chính phủ Mỹ cấp quyền công dân, Yoo quyết định từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trước đó anh ta luôn miệng hứa trên truyền hình: Tôi hứa sẽ phục vụ quân sự như một người đàn ông Hàn Quốc.

Hàn Quốc, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là tội phản quốc

Năm 2001, khi thời hạn nhập ngũ gần đến, anh ra nước ngoài để nói lời chào với gia đình ở Mỹ, trước buổi hòa nhạc chia tay để nhập ngũ diễn ra tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Yoo Seung Jun bỗng nhiên lật ngược thế cờ, vào ngày 18/1/2002, anh từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc, nhập tịch Hoa Kỳ. Lý do anh ta đưa ra là: Khi nhập ngũ, tôi đã 30 tuổi và sẽ phải kết thúc cuộc đời làm ca sĩ. Do đó, tôi quyết định không đi lính sau một thời gian dài xáo trộn với gia đình tại Mỹ.

Toàn bộ fan và người dân bị sốc, họ cảm thấy nam ca sĩ đã phản bội lại đất nước. Chính phủ yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Tư pháp cấm Yoo Seung Jun nhập cư, Bộ đã chấp nhận và từ chối đơn nhập cảnh của anh vào ngày 2/2/2002.

Sau đó Yoo phải sang Mỹ và Trung Quốc đóng phim. Lần gần nhất Yoo phát hành nhạc là năm 2007, tuy nhiên album Rebirth of YSJ không được đón nhận. Nhiều người hâm mộ vô cùng thất vọng về nam ca sĩ này và quyết không tha thứ. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi Yoo Seung Jun đã xin lỗi công chúng hâm mộ qua một video được đăng trên mạng.

Yoo Seung Jun đã khóc khi thừa nhận rằng anh ta sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự nếu như anh ta có thể trở về Hàn Quốc. Anh nói nếu được về nước sẽ lập tức nhập ngũ ở tuổi 39, dù quân đội Hàn khi đó không nhận người quá 38 tuổi.

Camera ghi clip này sau đó đã tắt nhưng Yoo Seung Jun đâu có ngờ rằng phần âm thanh vẫn chưa tắt và nhiều người tuyên bố ca sĩ đã chửi thề sau khi video kết thúc.

Hàn Quốc, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là tội phản quốc

Sau này có giải thích rằng các giọng nói trong video clip là của một số nhân viên khác chứ không phải của Yoo Seung Jun. Nhưng cư dân mạng vẫn không buông tha và nghi ngờ về sự chân thành của Yoo Seung Jun trong video. Từ đó, Yoo Seung Jun liên tục đâm đơn kiện nhiều thiết chế khác nhau nhằm xóa lệnh cấm anh ta trở về Hàn Quốc song lần nào cũng bị bác bỏ.

Tòa án tối cao Hàn Quốc ngày 11/7 kết luận việc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Los Angeles (Mỹ) từ chối cấp visa cho nam ca sĩ, là vi phạm pháp luật, quyết định trả vụ án lại cho Tòa án cấp cao Seoul. Tòa án tối cao lưu ý rằng ngay cả khi người Hàn quốc trở thành người ngoại quốc bằng cách có quốc tịch nước ngoài và trốn tránh nghĩa vụ quân sự, thì theo Đạo luật Hàn Quốc ở nước ngoài, tình trạng F-4 (xin thị thực Hàn Quốc) chỉ được hạn chế cho đến khi 38 tuổi.

Dù chưa có kết luận cụ thể nhưng những phán quyết có lợi của tòa án có thể mở đường cho nam ngôi sao một thời quay trở lại quê hương kể từ năm 2002. Tuy nhiên, dù có được quay trở về Hàn Quốc thì Yoo cũng khó có thể hoạt động trong ngành giải trí. Với làng giải trí Hàn, những vụ việc dính líu tới pháp luật, nghĩa vụ quân sự coi như dấu chấm hết cho sự nghiệp của nghệ sĩ.

MC Mong

MC Mong cũng là một trong những sao nam lụi tàn sự nghiệp vì trốn nhập ngũ.

Từ năm 1999 đến 2006, nam ca sĩ hiphop đã trì hoãn nghĩa vụ quân sự với những lý do: tham gia thi công chức, huấn luyện nghề nghiệp, xuất ngoại biểu diễn và nhổ răng.

Thậm chí ngôi sao này còn quyết định nhổ bỏ cả 4 chiếc răng lành lặn để được miễn nhập ngũ.

Hàn Quốc, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là tội phản quốc

Thời điểm sự việc được đưa ra ánh sáng, MC Mong khiến công chúng phẫn nộ và lãnh án 6 tháng tù giam. Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nam ca sĩ gần như bị tẩy chay khỏi làng giải trí.

Năm 2014, MC Mong trở lại sau 3 năm ở ẩn vẫn không được khán giả nước nhà chấp nhận. Thậm chí, các đồng nghiệp lên tiếng ủng hộ album mới của anh cũng bị chỉ trích thậm tệ.

Năm 2004, ba nam diễn viên Jang Hyuk, Song Seung Hun và Han Jae Suk đồng loạt đưa ra bệnh án giả để xin hoãn nhập ngũ. Họ bị dư luận chỉ trích và phải tổ chức họp báo xin lỗi. Cả ba đã nhập ngũ bổ sung, nhưng đối với người dân Hàn, họ vẫn là tội đồ.

Có thể nói, càng là người nổi tiếng, dư luận càng tập trung đánh giá lòng yêu nước, lòng trung thành và trách nhiệm với Tổ quốc. Đối với các ca sĩ, diễn viên danh tiếng, khi vi phạm kỷ luật quân đội, bên cạnh việc nhận hình phạt trong quân ngũ, còn nhận thêm búa rìu của dư luận, thậm chí đối mặt với việc sự nghiệp xuống dốc, bị người hâm mộ tẩy chay.

Những thủ đoạn tinh vi hơn

Một số thanh niên Hàn Quốc đã tự tạo bệnh án để trốn nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, có 12 sinh viên tham gia các chuyên ngành âm nhạc cổ điển tại một trường Đại học ở Seoul trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách không giống ai đó là tăng cân. Những thanh niên này đã cố tình ăn rất nhiều thức ăn giàu calo như pizza, hamburger với hy vọng trở nên béo phì, sau đó là trượt bài kiểm tra thể chất và không phải nhập ngũ. Họ ăn 5 bữa 1 ngày, trong suốt 6 tháng. Kết quả là mỗi người đã tăng 30kg. Đây như một nỗ lực tuyệt vọng, tự biến mình thành một dạng người không đủ khả năng, để trốn nghĩa vụ.

Một vài thanh niên khác còn cố tình nghe âm thanh cường độ cao từ còi hơi để bị mất thính lực tạm thời.

Tưởng chừng là một vấn đề rất nhỏ nhưng luật nghĩa vụ quân sự thời điểm này đang gây ra không ít đau đầu cho giới chức Hàn Quốc. Dân số trẻ ngày càng giảm, nghĩa vụ quân sự được rút ngắn, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong quân đội. Tất cả sẽ càng làm những tranh cãi về sự công bằng của luật miễn trừ nghĩa vụ quân sự thêm căng thẳng.

Lại có những người tha thiết muốn đi nghĩa vụ

Bên cạnh những người tìm mọi cách trốn tránh không đi nghĩa vụ, lại có những trường hợp từ bỏ thẻ xanh Mỹ để được thực hiện nghĩa vụ quân sự như một công dân Hàn Quốc.

Cha In Pyo là con trai cưng của đại gia hàng hải khét tiếng, được đi du học và có nhà cửa khang trang tại Mỹ. Tuy nhiên, anh cãi lời cha để về Hàn làm nghệ sĩ, từ chối tiền thừa kế. Vì có quốc tịch Mỹ, anh không cần phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn từ bỏ để được tòng quân. Hành động này của anh khiến người Hàn nể trọng, yêu mến đến tận bây giờ.

Ca sĩ, diễn viên Taecyeon của nhóm 2PM cũng từ bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Hàn. Anh cho biết gia đình định cư Mỹ gần 20 năm nay. Họ hoàn toàn ủng hộ mong muốn được cống hiến cho quân đội nước nhà của con trai.

Bố của ca sĩ Kim Jong Kook là cựu chiến binh trong thời kỳ chiến tranh ở châu Á và nhận được vinh dự đặc cách nghĩa vụ nhờ góp công phục vụ quốc gia. Bởi vậy có nghĩa rằng con trai của ông sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự hoặc được giảm thời gian phục vụ xuống chỉ còn 6 tháng.

Bố của Kim Jong Kook cũng đã nhận ra sự lo lắng của con trai và dự định nộp đơn để nhận đặc cách cho các con. Tuy nhiên, cả Kim Jong Kook và anh trai Kim Jong Myeong đều đã trì hoãn việc xin đặc cách này mà tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự như những người đàn ông bình thường. Chỉ sau khi các con hoàn thành nghĩa vụ trong 21 tháng, bố của Kim Jong Kook mới thật sự nộp đơn xin chứng nhận.

XEM THÊM: Từ 2020 Hàn Quốc cho phép từ chối nghĩa vụ quân sự vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).