워라밸 (wo-ra-bael) là một thuật ngữ mới xuất hiện từ khi chế độ làm việc 52 giờ/tuần được áp dụng. Đây là từ phiên âm và viết tắt của cụm từ tiếng Anh Work-Life balance.

Định nghĩa này lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào cuối thập niên 1970, mô tả sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân của một người.

Thế hệ có xu hướng tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống được gọi là thế hệ wo-ra-bael (워라밸시대). Từ khoá này đã từng phổ biến đến mức có thể thấy chúng ở khắp mọi nơi, từ “doanh nghiệp wo-ra-bael”, “chính sách wo-ra-bael” cho đến cơn sốt “trào lưu wo-ra-bael”, “văn hoá wo-ra-bael”…

Năm 2018, Bộ Lao động và Tuyển dụng Hàn Quốc (고용노동부) đã công bố danh sách “10 doanh nghiệp vận hành theo phương châm Work-Life balance” (워라밸 실천 기업) lần thứ 2 . Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chấm số điểm khá cao. Việc một cơ quan chính phủ sử dụng một từ mới như “워라밸” đến tận hai năm liên tiếp cũng đã phần nào cho thấy độ hot sình sịch của từ khoá này.

TOP 5 công ty trả lương cao nhất Hàn Quốc

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiên phong vận hành theo hot trend

Tháng 6/2019, Eduwill (에듀윌) – 1 công ty chuyên về lĩnh vực giáo dục đã “táo bạo” tiến hành áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần – “qua mặt” cả chế độ 52 giờ/tuần gây xôn xao trước đó để trở thành công ty tiên phong vận hành theo hot trend “Work-life balance”.

Được biết, chế độ làm việc 4 ngày/tuần hiện vẫn đang trong quá trình thí điểm, dự tính đến năm 2020, tất cả các chi nhánh và bộ phận của Eduwill sẽ áp dụng chế độ mới này.

Người Hàn Quốc, đặc biệt là người trẻ phản ứng rất tích cực về thông tin trên. Eduwill cho biết, ngay sau khi thông tin áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần được chính thức công bố, lượt truy cập trang web tuyển dụng của công ty tăng vọt đến 71%. Ở một số vị trí tuyển dụng, lượng ứng viên đăng ký tăng gấp đôi so với bình thường.

Ngày 1/11/2019, Hunet, một công ty khác chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục cũng đã tiến hành áp dụng chế độ làm việc 4.5 ngày/tuần (36 giờ làm việc). Thứ 6 hàng tuần sẽ là ngày tự học “프라이러닝 데이” (Fri-Learning Day). Theo đó, nhân viên sẽ đến công ty vào buổi sáng để tham gia các hoạt động tự trau dồi phát triển bản thân, buổi chiều thì có thể được nghỉ về sớm.

Home Cafe: Xu hướng biến nhà thành resort của giới trẻ Hàn Quốc

Chế độ làm việc 4 ngày/tuần – 1 mũi tên bắn… trăm con nhạn

Một nhân viên văn phòng đang làm ở công ty áp dụng chế độ 4 ngày/tuần cho biết, “Ưu điểm lớn nhất của chế độ mới là bạn có nhiều thời gian hơn trong cuộc sống bận rộn của mình. Thoải mái hơn về mặt thể chất và tinh thần giúp hiệu suất công việc được nâng cao.

Đứng trên lập trường của các công ty, chế độ này cũng giúp các công ty tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Về lâu dài, hiệu quả làm việc của nhân viên được tăng lên thông qua quá trình tự phát triển bản thân cũng góp phần tăng lợi nhuận cho công ty.”

Ở các nước tiên tiến, chế độ làm việc 3 ngày, 4 ngày/tuần đã được áp dụng cố định. Các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đã áp dụng thành công chế độ làm việc 1 tuần 4 ngày với số giờ làm việc là 30 giờ/ tuần.

Chính phủ New Zealand khi thí điểm chế độ làm việc 4ngày/tuần với tiền lương được giữ nguyên vẹn cũng dẫn đến kết quả thành công với mức độ căng thẳng của nhân viên được giảm xuống và sự hài lòng trong công việc cũng cao hơn.

Chi nhánh Microsoft (MS) ở Nhật Bản cũng đưa vào thí điểm chế độ làm việc tương tự và thu về tín hiệu tích cực với hiệu quả lao động tăng 40% và công ty cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí về cơ sở vật chất.

Park Ji Yeon, một người trẻ đang trong quá trình tìm việc làm cho biết: “Chế độ làm việc 4 ngày/ tuần có sức thu hút đối với tôi vì nó tạo điều kiện cho tôi được làm nhiều điều mình muốn hơn vào những ngày trong tuần và giúp chất lượng cuộc sống của tôi được đảm bảo hơn. Khi tìm việc, so với vấn đề lương bổng cao thấp thì tôi quan tâm đến các chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho nhân viên nhiều hơn.”

Nếu chế độ làm việc mang tính cách mạng này được áp dụng rộng rãi ở Hàn Quốc, căn bệnh của những người đi làm mang tên “hội chứng ngày thứ Hai” sẽ có thể biến mất. So với chế độ làm việc 5 ngày/tuần, người trẻ sẽ có nhiều thời gian hơn để tự phát triển bản thân, từ đó biết cách sử dụng thời gian hiệu quả và mức độ tập trung vào công việc cũng theo đó được nâng cao.

Tổng hợp từ 냅타임

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).