Chính phủ Hàn Quốc đang khuyến khích nam giới nghỉ phép dài hạn chăm con nhỏ nhằm tăng tỷ lệ sinh và chống tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Mục tiêu của Hàn Quốc là thay đổi ý thức của người dân về việc chia sẻ trách nhiệm của người chồng trong việc nuôi dạy con cái. Trước đây, tình trạng trọng nam khinh nữ ở Hàn Quốc còn nặng nề, đàn ông luôn giữ trách nhiệm làm việc, kiếm tiền cho gia đình. Vì vậy, đa phần nam giới Hàn Quốc ít làm việc nhà hay chăm sóc con cái.

Việc nam giới không chịu lo việc gia đình ở Hàn Quốc là nguyên nhân lớn khiến tỷ lệ sinh ở nước này giảm mạnh và dân số già đi nhanh chóng. Nhiều phụ nữ lo ngại khi sinh con sẽ phải nghỉ việc trong thời gian dài, công ty sẽ hạ lương hoặc tạo cơ hội thăng tiến cho người khác.

Hàn Quốc cho biết sẽ đưa ra các sáng kiến hỗ trợ nam giới chấp nhận nghỉ phép ở nhà chăm con và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng cho phép người lao động nam nghỉ phép chăm con.

Nam giới được nghỉ hưởng lương 10 ngày khi vợ đẻ

Nam giới được hưởng 10 ngày sau khi vợ đẻ

Từ ngày 1/10/2019, nam giới Hàn Quốc sẽ được tăng thời hạn nghỉ phép thai sản (출산휴가) từ 3 ngày lên 10 ngày và tất cả 10 ngày phép này đều được hưởng 100% lương.

Để đỡ phần gánh nặng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ trả lương 50%, tương đương với 5 ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, số ngày phép này có thể được chia ra và sử dụng tuỳ ý trong vòng 90 ngày (trước đây chỉ được dùng trong vòng 30 ngày), kể từ ngày sinh con.

Theo quy định, người lao động Hàn Quốc có con dưới 8 tuổi hoặc học chưa đến năm thứ hai tiểu học sẽ được xin nghỉ phép nuôi con (육아휴직) và làm ít giờ (단축근무) tối đa là 1 năm. Tuy nhiên từ ngày 1/10/2019, thời hạn nghỉ phép và làm ít giờ này có thể kéo dài thành 2 năm.

Trường hợp người lao động không muốn nghỉ quá lâu có thể xin chuyển sang chế độ xin làm ít giờ (단축근무), tức một ngày làm từ 1 ~ 5 tiếng, một tuần làm từ 15 ~ 35 tiếng.

Trong khoảng thời gian xin nghỉ phép hoặc xin làm ít giờ này, người lao động vẫn được hưởng 100% lương, hạn mức tối đa là 2 triệu KRW/tháng.

Trước đó, Hàn Quốc cũng đã có những chính sách khuyến đẻ, tùy địa phương và điều kiện mà gia đình có con đầu lòng có thể nhận tới 16 triệu KRW tiền hỗ trợ như tỉnh Gangwon.

Nam giới được nghỉ hưởng lương 10 ngày khi vợ đẻ

Ngày càng nhiều các ông bố xin nghỉ thai sản

Theo báo cáo của Bộ Tuyển dụng & Lao động Hàn Quốc ngày 28/7, trong số 53.494 người xin nghỉ chế độ để chăm sóc con nhỏ ở khối tư nhân trong nửa đầu năm nay, nam giới chiếm 11.080 người (20,7%).

Điều này có nghĩa là cứ 5 người xin nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ lại có một người là nam giới. Số nam giới nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ đã tăng tới 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái (8.466 người).

Bộ Tuyển dụng & Lao động dự báo, nếu tiếp tục xu hướng hiện nay, số nam giới nghỉ chế độ chăm sóc con nhỏ trong cả năm 2019 sẽ vượt ngưỡng 20.000 người.

Năm 2017, Hàn Quốc nâng tỷ lệ hưởng lương khi xin nghỉ làm chăm sóc con nhỏ, từ 40% lên 60% lương trong 3 tháng đầu. Bắt đầu từ năm 2019, tỷ lệ hưởng lương trong vòng 3 tháng tiếp theo được nâng lên từ 40% lên 50%.

Và kể từ 1/1/2020, không chỉ chăm vợ sinh con, tất cả lao động Hàn Quốc đều được xin nghỉ phép 10 ngày hưởng 100% lương để chăm sóc thành viên trong gia đình bị ốm.

Nam giới được nghỉ hưởng lương 10 ngày khi vợ đẻ

Ngoài ra, chế độ “trợ cấp cho người bố khi nghỉ làm chăm sóc con nhỏ” được áp dụng từ năm 2014 cũng góp phần lớn thúc đẩy xu thế này.

Đối với chế độ này, nếu cả bố và mẹ lần lượt xin nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ, thì người đăng ký nghỉ sau sẽ được hưởng 100% lương, hạn mức tối đa là 2,5 triệu KRW (2.100 USD) một tháng.

Trong nửa đầu năm 2019, đã có 4.833 người nghỉ làm chăm sóc con nhỏ theo diện chế độ này tăng tới 56,2% so với năm ngoái. Điều này được phân tích là bởi hạn mức được trợ cấp đã tăng từ 2 triệu KRW (1.690 USD) lên 2,5 triệu KRW (2.112 USD) bắt đầu từ năm nay.

Trong số những nam giới nghỉ việc chăm sóc con nhỏ trong nửa đầu năm nay, có 6.285 người làm việc ở những doanh nghiệp trên 300 nhân viên, chiếm 56,7%. Điều này cho thấy nam giới nghỉ chế độ chăm sóc con cái vẫn tập trung ở các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp dưới 300 nhân viên là 43,3%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái là 40,8%.

Bên dưới là biểu đồ chế độ nghỉ đẻ năm 2017 của 41 quốc gia phát triển của EU và OECD với màu xanh là tỉ lệ trả lương 100% cho phụ nữ nghỉ đẻ, màu tím là tỉ lệ trả 100% lương cho nam giới nghỉ giúp vợ đẻ.

Nam giới được nghỉ hưởng lương 10 ngày khi vợ đẻ

Tại Na Uy và Thuỵ Điển, hầu hết mọi người cha đều hưởng một số ngày nghỉ chăm con.

Tuy nhiên, khi tính đến việc nghỉ chăm con, thì Estonia là nước đứng đầu. Nơi này cho phép nam giới được nghỉ chăm con dài nhất mà vẫn được bảo đảm giữ được công ăn việc làm (85 tuần).

Tại một số nơi, thời gian nghỉ chăm con được cho khá hào phóng, nhưng tỷ lệ những người sử dụng tiêu chuẩn này lại thấp.

Nhật Bản cho phép các ông bố nghỉ 30 tuần vẫn được hưởng lương, tính đến nay là nơi cho nghỉ nhiều nhất trong số các nước được xem xét đến. Tuy nhiên, chỉ có rất ít các ông bố (tỷ lệ 1 trên 20 người, theo số liệu năm 2017) thực sự sử dụng đến.

Một số nước thậm chí còn không có mấy quy định về vấn đề này trong chính sách chăm sóc gia đình. Thuỵ Sỹ nằm trong số các nước giàu không có chế độ để nam giới nghỉ để thực hiện nghĩa vụ làm cha. Mỹ cũng không hề có khái niệm gì về việc cha nghỉ chăm con. Các công ty đơn lẻ có thể cho nhân viên nghỉ chăm con, nhưng đó là chính sách riêng của công ty chứ không phải do luật định.

UNICEF khuyến nghị các nước nên hỗ trợ những người làm cha, mẹ thời gian nghỉ thai sản, chăm con bắt buộc là 06 tháng.

Tổng hợp từ Newsis

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).