Trong tiếng Hàn, bình luận tiêu cực hay bình luận ác ý được gọi là 악플, viết tắt của 악성댓글 (bình luận mang tính “ác ý”, phỉ báng người khác).

Những năm qua, các cuộc tấn công bằng bình luận nặc danh và tin đồn ác ý ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng với làng giải trí Hàn Quốc. Vấn nạn này phá hỏng hình ảnh nghệ sĩ K-Pop và gây ra tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của người nổi tiếng.

Sau sự ra đi đột ngột của Sulli vào ngày 14/10/2019 vừa qua, một lần nữa vấn đề bắt nạt qua mạng lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. Thậm chí, trên các bài báo đưa tin Sulli qua đời cũng có không ít bình luận ác ý nhắm vào người đã khuất khiến người đọc không khỏi sốc trước sự thiếu chín chắn của một bộ phận cư dân mạng.

Điều đáng nói là ngay sau khi nữ ca sĩ mất đi, nhiều bình luận chỉ trích đã xuất hiện trên các trang xã hội của các nghệ sĩ từng thân thiết với Sulli, điển hình là IU và Victoria (thành viên nhóm F(x)).

Ngày 15/10/2019 đã có một kiến nghị được gửi lên trang web của Phủ tổng thống với tiêu đề: 연예인(fx)설리를 죽음으로 몰아간 악플러들의 각력한 처벌을 원합니다 – Xin hãy xử nghiêm những kẻ đăng bình luận tiêu cực, dẫn đến cái chết của nghệ sĩ Sulli. Bên cạnh đó, có một bản kiến nghị khác mang tên: 인터넷 실명제 전면시행 합시다 – Hãy áp dụng chế độ sử dụng tên thật trên mạng xã hội.

Một dự luật được gọi là Đạo luật Sulli cũng đã được đề xuất bởi 9 thành viên Quốc hội. Khoảng 100 tổ chức, bao gồm Liên đoàn công đoàn Hàn Quốc, Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Hiệp hội Bóng đá Người nổi tiếng, Liên đoàn Lao động Giải trí quốc gia, Hiệp hội Nhân viên chính phủ Hàn Quốc… và 200 người nổi tiếng khác từng phải chịu bình luận ác ý, sẽ tình nguyện tham gia hỗ trợ đạo luật này.

Mới đây trong chuyên mục Pháp luật hữu ích (법률의 쓸모) thuộc bản tin 8 giờ sáng hàng ngày của đài truyền hình KBS, luật sư Hwang Bang Mo đã có những chia sẻ pháp lý về cách đối phó với bình luận ác ý trên các trang mạng xã hội.

Theo đó, không phải bình luận nào khiến tâm trạng người đọc không vui thì cũng bị gán danh “bình luận ác ý”.

Tiêu chí xác định bình luận ác ý

Một bình luận ác ý phải được đánh giá dựa trên ba tiêu chuẩn pháp lý sau:

1. Xác định nạn nhân mà bình luận này nhắm đến (피해자 특정)

Bình luận này phải đang chỉ trích một cá nhân cụ thể chứ không phải là hướng tới một tập thể nào đó. Có thể bình luận không nếu đích danh tên tuổi, nhưng nếu bên thứ ba đọc và có thể xác định được ngay đối tượng mà bình luận này nhắm đến thì cũng được xem là bình luận ác ý.

2. Ý định phỉ báng, lăng mạ đối phương phải rõ ràng và cụ thể (비방의 의도)

Ở tiêu chí này, cần xem xét nội dung của bình luận ác ý có đủ tệ đến mức làm tổn thương nghiêm trọng tới hình ảnh cũng như địa vị xã hội của người mà bình luận đó hướng đến hay không.

3. Nhận thức của đại đa số về tính ác ý của bình luận (공연성)

Hầu hết các bình luận ác ý được để lại trên các trang mạng xã hội cá nhân. Do đó, tội phỉ báng trên Internet có thể được áp dụng theo Đạo luật mạng thông tin và truyền thông.

Đặc biệt, nếu bình luận có nội dung đặt điều không đúng sự thật, người bình luận có thể bị kết án lên đến 7 năm tù giam hoặc chịu phạt đến 50 triệu KRW (khoảng 1 tỉ VNĐ).

Tuy nhiên, nếu nạn nhân của bình luận ác ý tha thứ thì người viết bình luận ác ý có thể được miễn truy tố. Có thể thấy nhiều trường hợp nghệ sĩ nổi tiếng sau khi nhận bản kiểm điểm hoặc thư xin lỗi của người để lại bình luận ác ý đã bãi bỏ khiếu nại cho họ.

Cách khiếu nại bình luận ác ý

Thông thường, nếu là tội phỉ báng hoặc huỷ hoại danh dự thì sau khi thu thập thông tin cá nhân của người viết bình luận ác ý, người bị hại có thể viết đơn khiếu nại và trình lên cảnh sát.

Các trường hợp xử phạt do để lại bình luận ác ý tại Hàn quốc ngày một tăng lên. Điển hình là trường hợp một số người đã bị kết án tù 10 tháng đến tù treo 2 năm sau khi để lại bình luận ác ý chỉ trích trình độ học vấn của ca sĩ Tablo (thành viên nhóm nhạc Epik High). Một người đàn ông cũng đã bị kết án 1 năm tù giam vì bình luận có nội dung xúc phạm đến các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol năm 2014.

Không chỉ người nổi tiếng mà những người bình thường cũng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của bình luận ác ý. Để khiếu nại những kẻ đưa ra bình luận ác ý thì cần phải thu thập chứng cứ và điều này rất khó thực hiện trên mạng Internet. Người bị hại cần chụp lại màn hình hoặc quay phim đầy đủ các bình luận có chứa phát ngôn mang tính huỷ hoại danh dự hoặc phỉ báng hướng đến mình.

Thông qua đó, có thể chứng minh được một địa chỉ ID cụ thể đã để lại bình luận ác ý hoặc thực hiện hành vi này liên tục. Bằng các chứng cứ đã được chụp màn hình lại, các cơ quan điều tra có thể tìm ra được thủ phạm dựa vào theo dõi địa chỉ IP.

Tuy nhiên việc định tội danh và xử phạt người viết bình luận ác ý còn khá nhiều hạn chế. Đơn cử là trường hợp nếu kẻ viết bình luận ác ý hiện đang sinh sống ở nước ngoài thì rất khó để hợp tác với tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol trong việc truy nã tội phạm bình luận ác ý.

Một trường hợp khác là đối với những người để lại bình luận ác ý thông qua thiết lập mạng riêng ảo (VPN -Virtual Private Network) có địa chỉ IP quốc tế, thì việc phát giác và xử lý cũng gặp rất nhiều hạn chế.

XEM THÊM: Phóng sự truyền hình uy tín của đài SBS bị lên án dữ dội vì lợi dụng cái chết của Sulli để câu view

Tổng hợp từ KBS NEWS

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).