“Cứ 5 người Hàn Quốc cố gắng tự làm hại (self-harm) hoặc tự sát, sẽ có một người nằm trong độ tuổi 20.”

Nghị sĩ Kim Kwang Soo của Đảng Dân chủ Hoà bình Hàn Quốc (민주평화당) đã phát biểu về báo cáo “Thực trạng nhập viện cấp cứu do cố gắng tự sát và tự làm hại của người dân trong vòng 5 năm” như thế.

Từ năm 2014 ~ 2019, trong số 141.104 trường hợp nhập viện do tự làm hại và tự sát, số ca ở độ tuổi 20 chiếm 28.822 trường hợp, nhiều nhất trong số các độ tuổi toàn thể người dân Hàn Quốc.

Ngoài ra, số người trẻ tìm đến bệnh viện để chữa trị tâm lý đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo báo cáo “Thực trạng chữa trị của người ở độ tuổi 20 từ năm 2016 ~ 2018” của Dịch vụ đánh giá và thanh tra tra bảo hiểm sức khoẻ Hàn Quốc, năm 2018, lượng người trẻ tìm đến bệnh viện vì các chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu và căng thẳng đã tăng 44.5% trong vòng 3 năm.

Theo báo cáo “Thống kê nguyên nhân tử vong năm 2018” của Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, số ca chết do tự sát là 13.670 trường hợp, tăng 1207 trường hợp so với năm 2017. Tự sát còn là nguyên nhân gây tử vong số một ở thanh thiếu niên, người ở độ tuổi 20, 30 ở nước này.

Theo báo cáo kết quả khám nghiệm tâm lý năm 2018 cũng cho thấy, một người thiệt mạng do tự tử chịu sự tác động ảnh hưởng của trung bình 3.9 sự kiện căng thẳng mãn tính kết hợp. Yếu tố thể chế, xã hội và cá nhân là 3 yếu tố chính tác động đến quyết định tự tử của một người.

Lý do khiến số người ở độ tuổi 20 mắc bệnh tâm lý hoặc muốn từ bỏ cuộc sống ngày càng tăng được đưa ra là do những vấn đề gây bức bối trong cơ cấu xã hội Hàn Quốc như nạn thất nghiệp, sự cạnh tranh khốc liệt, hiện tượng phân cực giàu nghèo đi kèm với sự phân hoá xã hội sâu sắc, môi trường căng thẳng cực độ…

Vô vọng trong cuộc chiến tìm việc làm

Park (24 tuổi) là một người trẻ đang ráo riết để chuẩn bị trở thành tiếp viên hàng không. Liên tục thất bại trong các cuộc phỏng vấn khiến Park bắt đầu cảm thấy vô vọng về một tương lai bấp bênh không việc làm. Cô cho hay “Kết quả phỏng vấn lần nào cũng tệ khiến cảm giác u uất trong tôi ngày một lớn. Tôi dần trở nên phụ thuộc về mặt cảm xúc vào gia đình và bạn trai hơn trước.”

Các chuyên gia cho biết, người ở độ tuổi 20 sẽ gặp căng thẳng nếu họ bị mắc kẹt trong tình trạng không kiếm được việc làm kéo dài. Liên tục gặp thất bại trong quá trình ứng tuyển xin việc dễ làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người trẻ.

Park cho biết cô rất đồng cảm khi đọc tác phẩm “죽고 싶지만 떡볶이는 먹고 싶어” (Tạm dịch: Dù muốn chết nhưng tôi vẫn thèm bánh gạo cay) của tác giả Baek Se Hee, mô tả về chứng loạn tính khí (Dysthymic disorder: một dạng nhẹ hơn của trầm cảm nhưng cũng không nên xem thường).

“Mặc dù không nghĩ mình mắc bệnh trầm cảm, nhưng tôi vẫn cảm thấy nặng nề mệt mỏi lắm. Khi đọc sách, tôi thấy chính mình trong từng câu chữ của tác giả nên đã được an ủi rất nhiều.”

Độc giả yêu thích tác phẩm Dù muốn chết nhưng tôi vẫn thèm bánh gạo cay chủ yếu là người trẻ ở độ tuổi 20. Tác phẩm đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm, đồng nghĩa với việc người trẻ tìm thấy sự đồng cảm khi bàn đến các chứng bệnh tâm lý.

Quan hệ với người yêu, bạn bè, đồng nghiệp gặp trục trặc cũng trở thành nguyên nhân

Nhiều người trẻ đang cảm thấy căng thẳng vì không thể mở lòng với những người bạn cùng giới hoặc gặp khó khăn trong việc hoà nhập vào môi trường công sở. Kim (26 tuổi), người vừa được nhận vào làm nhân viên chính thức tại một doanh nghiệp chia sẻ, “Trong công ty mọi người đã túm năm tụm ba chia bè phái cả rồi. Tôi không biết bắt chuyện thế nào với họ. Việc thích ứng và hoà nhập với môi trường công sở thật sự rất khó khăn với tôi.”

Kim cũng đã đem nỗi lòng của mình để tâm sự với bạn bè, song cùng là những người trẻ gặp những vấn đề như nhau, họ không thể đưa ra giải pháp nào để giúp đỡ lẫn nhau ngoài nghe nhau tâm sự và an ủi rằng tình trạng của đối phương vẫn khá khẩm hơn bản thân.

Theo kết quả báo cáo “Nghiên cứu vấn đề tâm lý, tình cảm của người trẻ độ tuổi 20 và biện pháp đối phó” của Viện nghiên cứu chính sách thanh niên Hàn Quốc, mối quan hệ với bạn thân cùng giới hoặc người yêu cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến các vấn đề tâm sinh lý của những người trẻ tuổi.

Báo cáo mô tả, một cô gái ở độ tuổi 20 bị trầm cảm nặng trong vòng sáu tháng khi chia tay bạn trai. Cô gái này cho biết “Tôi và bạn trai đã kết thúc không mấy tốt đẹp. Chứng trầm cảm của tôi cũng trở nên tồi tệ kể từ đó. Mặc dù đã được tuyển dụng vào một công ty, nhưng tôi chẳng thiết làm việc và lúc nào cũng chỉ muốn về nhà.”

Hội chứng “cháy sạch” tuổi 20 (burnout syndrome)

Gần đây, số người mắc phải hội chứng burnout ở độ tuổi 20 có xu hướng tăng lên.

Năm 2017, tờ báo Dong-A Ilbo đã làm một cuộc khảo sát về chỉ số burnout trên 1000 người ở độ tuổi vị thành niên trở lên. Kết quả cho thấy, chỉ số burnout của người trẻ thuộc độ tuổi 20 là cao nhất, đạt 46.5 điểm trên thang điểm 75.

Hội chứng cháy sạch (burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý – y khoa – xã hội chỉ về hiện tượng kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày với những triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ mà không rõ nguyên nhân.

Người mắc phải sẽ rơi vào trạng thái thờ ơ, tự ghét bỏ bản thân, từ chối làm việc vì sức khoẻ thể chất và tinh thần bị giảm sút. Những người có nghề nghiệp là y tá hoặc người nổi tiếng, vận động viên thể thao phải chịu sự huấn luyện với tần suất dày đặc rất dễ mắc phải hội chứng này.

Yoon (26 tuổi), đang là một thực tập sinh tại một công ty nọ. Sau 4 năm cạnh tranh khốc liệt trên ghế giảng đường, vừa tốt nghiệp Yoon đã rơi ngay vào trạng thái vô vọng, mất hết sinh khí. Anh chia sẻ, “Tôi muốn trốn tránh thực tại. Sau khi tốt nghiệp, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là chuẩn bị xin việc.”

Thực tế, Yoon đã làm việc rất chăm chỉ kể từ ngày đầu tiên tại công ty thực tập. Song mọi việc không diễn ra thuận lợi, anh tự cảm thấy ghét bỏ bản thân mình. Yoon so sánh năng lực xử lí công việc của mình với các đồng sự và tự cho rằng mình không làm nên trò trống gì. Cảm thấy thua thiệt, anh vẫn tiếp tục mang việc về nhà ngay sau cả khi đã tan làm.

Yoon cho hay, “Dù vậy, chỉ mới mấy ngày thôi mà tôi đã cảm thấy quyết định mang việc về nhà là một sai lầm vì nó khiến tôi quá mệt mỏi. Giờ đây, sau khi tan làm, tôi quyết định nghỉ ngơi. Cuối tuần tôi cũng hay đi xem phim hoặc tập thể thao để giải toả căng thẳng.”

Rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó chịu liên tục trong vòng một tháng sau khi chú tâm dồn hết sức lực vào công việc chính là dấu hiệu của hội chứng burnout. Hội chứng này có thể dẫn đến những chứng bệnh tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu (Anxiety disorder) và rối loạn hoảng sợ (Panic disorder). Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải hội chứng đốt cháy, biện pháp tốt nhất là hãy dừng lại và để cho cơ thể được nghỉ ngơi.

Tổng hợp từ 스냅타임

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).