Từ tháng 7/2019, người dân Hàn Quốc đã phát động phong trào “NO JAPAN” – tẩy chay hàng hoá Nhật Bản để trả đũa quyết định của Tokyo nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cho Seoul.

UNIQLO từng là một trong những thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản được người Hàn Quốc yêu thích nhất với giá cả phải chăng. Nhưng hãng này cũng phải gánh chịu những tổn thất doanh thu kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Nhật – Hàn xảy ra.

Một quan chức của UNIQLO từng phát ngôn: “한국은 불매운동 오래 못간다 – Người Hàn Quốc không tẩy chay được lâu đâu” và điều này càng khiến “lửa đổ thêm dầu”, làm cho việc tẩy chay UNIQLO ngày càng dâng cao trong suốt tháng 7 và tháng 8/2019 tại Hàn Quốc.

Một cửa hàng UNIQLO đóng cửa ở Hàn Quốc sau 10 năm hoạt động

Vào đầu tháng 8/2019, một cửa hàng UNIQLO ở Jongno(3)ga, Seoul đã phải đóng cửa vì không có khách.

Tuy nhiên, mặt hàng quần áo giữ nhiệt (Heattech) của UNIQLO được nhiều người ưa thích vào mùa lạnh bởi không cần mặc quá nhiều quần áo cồng kềnh, gò bó nhưng vẫn giữ ấm hiệu quả. UNIQLO đã mở nhiều đợt giảm giá lớn vào dịp thu đông, nhân kỷ niệm 15 năm hoạt động tại Hàn Quốc để mong lấy lại tình cảm của các khách hàng.

Tại thời điểm hiện nay, các cửa hàng UNIQLO mở chương trình giảm giá lên đến 50% cho rất nhiều sản phẩm mới. Một chiếc áo len cashmere cổ thuyền của nam được bán với giá 106.000 KRW tại cửa hàng online ở Hồng Kông, trong khi đó, chiếc áo này chỉ có giá 69.000 KRW ở Hàn Quốc.

Một số người tiêu dùng Hàn Quốc nhận thấy ngày càng khó để tẩy chay hoàn toàn hàng hoá Nhật Bản. Ví dụ như Mano Lee, một nhà văn tự do sống tại Seoul, đã đối mặt với một vấn đề nan giải khi cô muốn mua một chiếc áo t-shirt màu đen, chỉ Uniqlo mới có. Dù đã tuyên bố ủng hộ việc tẩy chay, nhưng Lee cho biết mình “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc lén lút vào một cửa hàng gần nhà để mua chiếc áo và lẳng lặng rời đi. Cô chia sẻ: “Sau khi mua chiếc áo, tôi phải giấu chiếc túi ấy đi để người khác không thấy, bởi trên đó có in logo của Uniqlo.”

Vì sợ bị phê phán, những “fan hâm mộ bí mật của Nhật Bản” tại Hàn Quốc không dám “mạo hiểm” đến vậy. Thay vào đó, họ đặt hàng trên mạng. Xu hướng tẩy chay đã cho ra đời những nhóm trò chuyện, cộng đồng trực tuyến, họ thảo luận về các sản phẩm của Uniqlo, chia sẻ với nhau những mẹo để tránh các công ty vận chuyển từ chối giao sản phẩm của Nhật Bản.

Do đó, theo báo cáo hồi tháng 7, dù doanh số bán hàng của các cửa hàng vật lý bị ảnh hưởng nặng nề và phải đóng cửa 4 cửa hàng ở Hàn Quốc trong mùa hè, thì doanh số bán hàng online của Uniqlo vẫn tăng mạnh.

Khi thấy các cửa hàng UNIQLO dần đông đúc trở lại, một trang cộng đồng ở Nhật Bản đã đăng tải: Sự kiên định của người Hàn Quốc chỉ đến vậy thôi sao? Cuối cùng vẫn phải mua à? Cuối cùng, chỉ Hàn Quốc bị mất uy tín mà thôi.

Nguồn Naver News

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).