Đang lăm le khôi phục lại thị trường Hàn Quốc sau khi chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến dịch tẩy chay hàng Nhật dữ dội trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, hãng thời trang thương hiệu UNIQLO lại dính cú phốt mới.

Ngày 1/10/2019, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hãng, UNIQLO tung ra một đoạn quảng cáo dài khoảng 30 giây, giới thiệu các mẫu quần áo thu đông.

Concept của đoạn quảng cáo này là một cô bé da đen 13 tuổi tự xưng nhà thiết kế thời trang. Cô bé hỏi một cụ bà người da trắng: Bà mặc gì hồi còn ở tuổi cháu? Và cụ bà này trả lời: “Oh my God, I can’t remember that far back.” – Trời đất, làm sao bà nhớ được những chuyện lâu như vậy?.

Vấn đề là câu trả lời của cụ bà khi chuyển sang tiếng Hàn là: 맙소사! 80년도 더 된 일을 기억하냐고 (Làm sao bà nhớ được chuyện hơn 80 năm rồi!)

Cộng đồng mạng Hàn Quốc cho rằng, hãng UNIQLO của Nhật cố ý lấy mốc “hơn 80 năm trước” là để ám chỉ thời kỳ trước năm 1939, giai đoạn thực dân Nhật lập ra hệ thống nhà thổ (từ năm 1932) tại bán đảo Hàn Quốc, Trung Quốc… và cưỡng ép phụ nữ của các khu vực thuộc địa phục vụ cho lính Nhật.

Hiện tại, cư dân mạng Hàn Quốc đang đưa ra nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh đoạn quảng cáo này. Có người cho rằng đây chỉ là sự phỏng đoán quá nhạy cảm, ảnh hưởng của tư tưởng “luôn là người bị hại” khi đề cập tới những vấn đề liên quan đến Nhật Bản.

Tuy nhiên, có nhiều người khác, tiêu biểu như giáo sư Seo Kyung Deok, trường đại học nữ Seongshin thì quả quyết cho rằng: chắc chắn 100% là đoạn quảng cáo này đang ngầm chỉ đến câu chuyện của những nô lệ tình dục trong quá khứ.

Đoạn quảng cáo có giới thiệu cụ bà 98 tuổi, cô bé người da đen 13 tuổi, như vậy nếu muốn dịch mốc thời gian chính xác thì phải là “85 năm trước” chứ không phải là “80 năm”. Hoặc nếu không muốn “đụng chạm” đến lịch sử, UNIQLO chỉ cần dịch theo đúng nguyên tác tiếng Anh: Oh my God, I can’t remember that far back – 어머, 그렇게 오래전 일은 기억나지 않아 – Trời đất, làm sao bà nhớ được những chuyện lâu như vậy?

Đây không phải là lần đầu tiên UNIQLO bị phản đối ở Hàn Quốc với những phát ngôn không phù hợp. Vào tháng 7, Takeshi Okazaki, giám đốc tài chính của công ty mẹ của UNIQLO đã đưa ra tuyên bố rằng việc “tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc sẽ không kéo dài”.

Trước những cáo buộc liên quan đến quảng cáo này, UNIQLO một mực phủ nhận và cho rằng đã “sơ suất trong quá trình chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Hàn nên gây ra sự hiểu lầm không đáng có này”.

Nô lệ tình dục thời chiến là gì?

Khác với những hành vi hiếp dâm trong chiến tranh, đây có thể coi là một hình thức bạo lực tình dục có hệ thống do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, bắt ép phụ nữ của các thuộc địa nhằm cung cấp nô lệ tình dục cho các quân nhân. Trong lịch sử chưa từng có một quốc gia hay thể chế nào lại thiết lập hẳn một hệ thống cưỡng chế, cung cấp phụ nữ làm nô lệ tình dục phục vụ các quân nhân như đế quốc Nhật đã làm.

Nhà thổ được quân đội Nhật Bản lập ra lần đầu tiên vào năm 1932, và sau đó lần lượt được thiết lập thêm tại các vùng đất bị chiếm đóng ở khu vực Thái Bình Dương như Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Papua New Guinea, Guam .v.v. cho đến khi đế quốc Nhật thảm bại vào ngày 15/8/1945.

Mặc dù cho đến nay, các đoàn thể xã hội và phụ nữ ở Hàn Quốc vẫn kiên trì tổ chức biểu tình về vấn đề nô lệ tình dục trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc, nhưng các nạn nhân vẫn chưa hề nhận được một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Nhật Bản.

Những người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng còn cho rằng những phụ nữ an ủi này đã chủ động bán dâm nên không cần phải xin lỗi, bồi thường.

Tổng hợp từ Naver News

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).