Sinh lão bệnh tử là một trong những quy luật cuộc sống không thể tránh khỏi đối với bất cứ ai. Cái chết thường được xem là điểm cuối cùng của hành trình làm người và cũng tùy từng quốc gia, tuỳ từng nền văn hoá mà nghi thức tang lễ được tổ chức khác nhau.

Có những đám tang bi ai thống thiết, nhưng cũng có những đám tang được tổ chức như một bữa tiệc, ăn nhậu linh đình.

Trong bài tìm hiểu về văn hoá tang lễ của Hàn Quốc, TTHQ sẽ giới thiệu với các bạn sơ lược về văn hoá tang lễ truyền thống và tang lễ hiện đại, đặt trong sự đối chiếu, so sánh với văn hoá tang lễ của Việt Nam.

Những nghi thức tang lễ truyền thống

Cũng giống như Việt Nam hay Nhật Bản, văn hoá tang lễ của Hàn Quốc từ xa xưa đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc với nhiều nghi thức cầu kỳ.

Tang lễ của người Hàn Quốc bắt buộc phải có các nghi thức như:

  • Lễ lâm chu và nghi thức hú hồn: Được xem là nghi lễ sau khi người chết đã tắt thở, người nhà sẽ dùng đồ dùng như quần áo, đồ đạc để kêu gọi hồn vía người chết quay lại, nếu trong khoảng thời gian gọi mà hồn không trở về thì nghĩa là phải chấp nhận sự ra đi của người ấy. Nghi thức này không còn được áp dụng nữa bởi sự ra đi của con người ngày nay thường được y học xác nhận và gia đình không còn áp dụng những cách thức truyền thống đó nữa.
  • Lễ tắm gội: Là việc làm sạch thân thể cho người đã qua đời để họ đến với thế giới mới trong yên vui và giũ sạch mọi nỗi buồn lo cùng bụi trần.
  • Lễ phạm hàm: Là nghi lễ đưa tiền và gạo vào bên trong quan tài của người chết và đưa vào miệng người chết
  • Nghi lễ khâm niệm và nhập quan: Là nghi lễ đưa người chết vào quan tài đã chuẩn bị sẵn. Đây là phút cuối người nhà được nhìn thấy người đã chết nên thường rất đau thương và tràn ngập buồn bã.
  • Nghi thức an táng: Là nghi thức đưa người đã khuất về với nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày nay có hai hình thức chính là chôn cất và hỏa thiêu. Đây được xem là nghi thức chứa nhiều đau thương và là thời điểm chính thức đánh dấu sự ra đi vĩnh viễn của người đã chết.

Lễ rước quan tài và hò đưa tang

Xưa kia ở Hàn Quốc, người ta đặt quan tài của người quá cố lên kiệu tang Sangyeo (상여) trang trí sặc sỡ, rồi người làng sẽ cùng nhau khiêng kiệu đưa người quá cố tới nơi chôn cất. Vừa đi họ vừa ca hát để an ủi thân nhân người quá cố, và để những người khiêng kiệu tang rảo bước nhịp nhàng cùng nhau, ca khúc này gọi là “hò đưa tang”.

Việc rước kiệu dạo một vòng quanh làng cũng là để cho những người trẻ tuổi và con trẻ trong làng thấu hiểu và đón nhận một cách tự nhiên về cái chết.

Trong tấm ảnh tang lễ được tổ chức theo phương thức truyền thống trên, đoàn rước quan tài do 24 người đàn ông khiêng, phụ nữ không được đi theo lễ rước này.

Để cầu nguyện cho người quá cố được lên miền cực lạc, người Hàn Quốc còn mời ông đồng, bà đồng mở chiếu đồng Gut để cầu khấn, giúp linh hồn người quá cố vượt qua mọi quan ải trên đường xuống suối vàng.

Trong thần thoại của Hàn Quốc có một vị thần tên là công chúa Bari (바리공주), đảm trách công việc chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người quá cố trên đường xuống âm phủ. Nàng vốn là công chúa thứ 7 của một vương quốc, và đã sống một cuộc đời năm chìm bảy nổi trước khi trở thành thần linh.

Liên quan đến câu chuyện về công chúa Bari, “Saenamgut vùng Seoul” (서울 새남굿) là nghi thức lên đồng cầu cho linh hồn người chết đến được cõi cực lạc.

Chơi bài trong đám tang

Trong việc tang, người Hàn Quốc bị giằng kéo giữa hai thái cực: Một bên là quan niệm coi cái chết là bước vào cuộc sống mới ở thế giới khác nên việc tang ma được xem như việc đưa tiễn; bên kia là quan niệm trần tục coi chết là hết nên việc tang ma là việc xót thương.

Vì vậy, bên cạnh tiếng khóc thương tiếc, còn có hình ảnh người trong làng đến đám tang ăn uống vui vẻ như đi chảy hội, đặc biệt là trong những đám tang của người cao tuổi hoặc người có nhiều công trạng.

Cũng giống như người Việt, khi nhà có người mất, hàng xóm láng giềng sẽ xúm vào giúp đỡ vì không thể tránh những lúc “tang gia bối rối”.

Để giảm bớt sự mệt mỏi, nhiều vị khách còn lập chiếu chơi bài truyền thống Go-stop (고스톱), hay còn được gọi là Hwatu (화투), một trò chơi đánh bài truyền thống của Hàn Quốc. Sự hiện diện của những vị khách ồn ào, bàn tiệc, rượu soju, chiếu bài… có vẻ mâu thuẫn với hình ảnh của một đám tang vốn cần trang nghiêm, nhưng đó lại là một cách để thể hiện tình cảm yêu mến người đã khuất và an ủi nỗi cô đơn, trống vắng của người ở lại.

Hình ảnh đám tang ở làng chài Gong Jin trong “Hometown Cha-Cha-Cha”

Áo tang màu trắng hay màu đen?

Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Thêm, màu trắng cũng gắn liền với đám tang truyền thống của người Việt. Vì xót thương nên con cháu không lòng dạ nào mà dùng đồ tốt (nên có tục làm đỗ tang bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng – màu xấu nhất trong Ngũ hành); không tâm trí nào mà nghĩ đến việc ăn mặc (nên trong thời gian tang có tục để gấu xổ, áo trái, đầu bù tóc rối…); đau buồn quá nên đứng không vững (khi đưa ma, con trai phải chống gậy, gái yếu hơn nên phải lăn đường); đau buồn quá dễ sinh quẫn trí va đập thành trùng tang (nên khi đưa ma phải đội mũ làm bằng dây chuối…).

Trong đám tang truyền thống của Hàn Quốc, cả nam và nữ cũng đều phải mặc trang phục màu trắng, gọi là Sambaeot (삼베옷). Tuy nhiên, trong thời gian thực dân Nhật thống trị bán đảo Hàn Quốc (1910~1945) đã ban “Luật nghi lễ” vào tháng 11/1934, quy định người dân phải dẹp bỏ những nghi thức rườm rà, đắt tiền cho các nghi thức tang lễ.

Theo luật này, tang gia phải mặc trang phục màu tối, nam đeo băng trên cánh tay trái, nữ đeo nơ trước ngực trái hoặc cài đầu bên phải. Trên băng đô của nam có sọc để phân biệt, 4 sọc là con trưởng, 3 sọc là các con trai kế tiếp, 2 sọc là con rể, một sọc là cháu và các anh em.

Nhiều nhà văn hoá Hàn Quốc đến nay vẫn cho rằng, văn hoá tang lễ truyền thống đã bị thực dân Nhật phá huỷ, nhưng vì sự giản tiện, văn minh nên những quy định này đã được người dân Hàn Quốc đón nhận như một truyền thống mới.

Đám tang của cố chủ tịch Samsung Lee Gun Hee được truyền thông nước nhà chú ý vì phu nhân và các con gái của cố chủ tịch đều mặc trang phục hanbok màu trắng, như một thông điệp muốn giữ gìn màu trắng trong văn hoá tang lễ truyền thống xưa.

Ý nghĩa của vòng hoa màu trắng

Hoa chia buồn tựa như lời tạm biệt gửi đến người quá cố, cầu mong cho họ có một chuyến đi bình an nhất. Vòng tang càng nhiều càng thể hiện được thanh danh của gia quyến hoặc chứng tỏ người quá cố sinh thời được nhiều người yêu mến.

Trong phim “My Mister” (나의 아저씨), khi bà nội Ji An (IU đóng) mất, thấy đám tang sơ sài, buồn bã, Sang Hoon đã đặt rất nhiều kệ hoa tang lễ để gửi đến đám tang, nhờ bạn bè đến phúng viếng, ăn uống vui vẻ.

Ở Việt Nam, nếu người mất còn trẻ tuổi thì hoa chia buồn màu trắng, người mất đã lớn tuổi có thể viếng hoa nhiều màu như trắng, tím, vàng… Ở Hàn Quốc, hoa trắng (thỉnh thoảng điểm thêm hoa ly) được dùng cho mọi đám tang.

Hoa tang lễ được cắm 3 tầng, dưới cùng là lớn nhất, thu hẹp lại ở những tầng trên. Tầng hoa thứ nhất tượng trưng cho địa phủ bao la, rộng lớn; tầng hoa thứ hai tượng trưng cho trần gian; tầng hoa thứ ba tượng trưng cho thượng giới.

Lẵng hoa chia buồn Hàn Quốc thể hiện cho sự luân hồi của một kiếp người, 3 tầng hoa thể hiện cho 3 thế giới mà con người sẽ trải qua: sinh ra từ đất, sống ở trần gian, và rồi trở về trời, rồi lại sinh ra từ đất.

Đám tang trong đời sống hiện đại

Ngày nay, người Hàn Quốc hầu như đã bỏ hết những nghi lễ rườm rà như cờ quạt, kèn trống, đốt vàng mã… Đám tang được tổ chức gọn gàng ngay trong nhà tang lễ của bệnh viện, linh cữu được chở bằng xe ôtô chuyên dụng, mọi thủ tục chỉ diễn ra từ 2 ~ 3 ngày nên nhiều khi nếu không báo thì hàng xóm láng giềng cũng không biết là nhà có tang.

Các công ty tổ chức tang lễ thường làm việc rất chuyên nghiệp nên hầu như các gia đình đều chọn dịch vụ tang lễ của bệnh viện. Tuỳ theo từng nhu cầu mà chi phí có mức chênh lệch khá cao.

Cụ thể, nếu chỉ thuê địa điểm đặt ban thờ làm nơi phúng viếng thì chi phí khoảng 1~2 triệu won, nếu thêm dịch vụ tiếp khách, phục vụ bữa ăn thì chi phí thêm khoảng 3~4 triệu won. Tính thêm chi phí thuê nhân viên hỗ trợ, chi phí sử dụng dịch vụ nghĩa trang thì một đám tang tổ chức trong 3 ngày có thể tiêu tốn từ 10~20 triệu won.

Một ví dụ về quy trình tang lễ hiện đại được hướng dẫn chi tiết tại bệnh viện Samsung.

Nếu bạn kết hôn với một người Hàn Quốc, sẽ có lúc bạn tham dự một lễ tang của người thân trong gia đình. Linh cữu của người đã khuất thường được di chuyển trên một xe tang thường là một chiếc limousine màu đen, gia đình của người đã khuất sẽ di chuyển trên những chiếc xe riêng cùng đi tới lễ hỏa táng.

Tại nơi hoả táng, các thành viên sẽ chờ đợi ở phòng chờ cho đến thi thể của người đã khuất được hỏa táng xong và nhận lọ tro cốt được niêm phong bởi nhân viên của nhà hoả táng

Những điều cần chú ý khi dự đám tang ở Hàn Quốc

Lễ tang ở Hàn Quốc hiện nay tuy giản tiện nhưng được tổ chức vô cùng trang trọng, có ý nghĩa lớn với gia đình người quá cố.

Vì thế, nếu được mời tham dự lễ tang ở Hàn Quốc thì có thể bạn sẽ thấy lo lắng khi không biết mình có bỏ qua nghi lễ nào quan trọng hay không.

Đầu tiên, một đám tang ở Hàn Quốc thường kéo dài trong 3 ngày, và tốt hơn nên tham dự ngày đầu tiên hoặc thứ hai, vì quan tài sẽ được đưa đi hoả táng hoặc mai táng vào ngày thứ ba, ngày này sẽ bận rộn nhất và chỉ có sự tham gia của gia đình, bạn bè thân thiết của người quá cố.

Trang phục tham dự tang lễ

Nam giới khi tham dự tang lễ, nam giới nên mặc áo sơ mi trắng gọn gàng cùng bộ vest đen chỉnh tề và trang nghiêm; phụ nữ nên mặc một chiếc váy đen kín đáo, không đeo trang sức, phụ kiện rườm rà. Không nên để lộ da trần vì vậy nếu mặc váy, bạn nên sử dụng tất chân.

Tất cả đồ đạc mà bạn mang theo tới lễ tang cũng đều phải có màu đen, bao gồm ô, cặp xách, túi xách tay và giầy. Nói tóm lại, đừng mặc hoặc đem theo thứ gì có màu sáng hoặc màu sắc sặc sỡ vì điều này có thể gây phá vỡ bầu không khí trang trọng trong lễ tang.

Chuẩn bị tiền phúng điếu

Tiền phúng điếu trong tiếng Hàn gọi là 부의금 hoặc 조의금. Cũng giống Việt Nam, khi đi tham dự đám tang thì nhất định cần chuẩn bị sẵn tiền phúng điếu.

Mặt trước của phong bì có các chữ mang hàm nghĩa “Kính viếng” như 부의 (賻 儀), 부조 (謹 弔), 추모 (追慕), 추도 (追悼), 애도 (哀悼), 위령 (慰 靈), mặt sau là nơi ghi tên và nơi làm việc của người đến viếng. Khi viết tên nên viết theo chiều dọc, nếu muốn bạn có thể viết một dòng tin nhắn ngắn hoặc một lời cầu nguyện cho những người đã khuất ở phía bên phải của mặt sau.

Theo lệ, bạn càng gần gũi với người đã khuất thì khoản tiền phúng viếng sẽ càng lớn, nhưng số tiền hợp lý thường rơi vào khoảng 50.000 won. Số lẻ thường được sử dụng cho những sự kiện buồn, vì vậy, bạn nên để vào phong bì số tiền phúng viếng là con số lẻ như 3, 5, 7. Nếu bạn viếng 100.000 won thì cũng không sao vì 3+7=10, số 10 cũng được coi là điềm lành.

Bạn cũng nên lưu ý tránh để số tiền phúng viếng có số 4 vì trong tiếng Hàn, số 4 phát âm là “sa”, cùng âm với “tử” – chỉ cái chết.

Thứ tự phúng viếng

Về cơ bản, có 6 bước phúng viếng cần nhớ là:

1. Ghi danh (방명록 서명): Bước này rất quan trọng vì trong lúc tang gia bối rối, nhiều khi gia quyến không nhớ hết được sự hiện diện của các vị khách.

2. Thắp hương hoặc dâng hoa (분향/ 헌화): Bạn có thể chọn thắp hương hoặc dâng hoa. Nếu là đám tang theo đạo Phật thì thắp hương, nếu là đám tang theo đạo Tin Lành hoặc Công Giáo thì nên dâng hoa, nếu không theo đạo thì cũng nên dâng hoa. Hoa cúc trắng đã chuẩn bị sẵn trên bàn thờ, bạn chỉ cần cầm một cánh hoa, hướng bông hoa về phía trước và đặt trước ảnh thờ, sau đó cúi đầu khoảng 15 độ và mặc niệm trong giây lát.

3. Vái lạy (재배): Nếu chọn dâng hoa thì không cần lạy, nếu thắp hương thì thắp hương xong phải lùi lại một bước, thực hiện nghi thức vái lạy 2 lần và đứng lên, cúi người 90º thêm 1 lần.

Khi lạy, nam giới phải đặt tay phải lên trên tay trái, và nữ giới thì ngược lại, phải đặt tay trái lên trên. Vái lạy theo kiểu Hàn Quốc là phải giơ hai tay lên ngang tầm mắt và quỳ sạp xuống sàn.

4. Nói lời chia buồn (조문): Sau khi thực hiện các nghi thức cuối cùng với người quá cố, bạn xoay người về phía gia quyến đang đứng cạnh bàn thờ, thực hiện nghi thức mặc niệm (목례) hoặc cúi lạy gia quyến.

Nếu chọn mặc niệm, bạn chỉ cần đứng nghiêm trang trong khoảng 1~2 giây rồi cúi đầu chào tạm biệt gia quyến. Nếu vái lạy, thì cả khách và gia quyến sẽ cùng lạy, gọi là 맞절. Sau khi thực hiện lạy một lần, khách thực lại cúi đầu 90º chào tạm biệt gia quyến và không cần nói gì thêm, cũng đừng cố bắt tay vì đây được coi là một biểu hiện của sự vui mừng và không thích hợp cho đám tang.

Nếu bạn muốn chia buồn bằng lời nói thì có một số biểu hiện như:

– 얼마나 상심이 크십니까?
– 얼마나 슬프십니까?

Hai biểu hiện này đều mang nghĩa “Gia đình chắc phải đau lòng nhiều lắm với mất mát này”, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau buồn của gia quyến. Sau khi chào gia quyến, nhớ đi lùi một, hai bước trước khi xoay người về phía cửa.

5. Trao tiền phúng (부의금 전달): Theo truyền thống, tiền phúng được trao sau khi khách đã làm xong nghi thức phúng viếng. Ngày nay có nhiều nơi trao tiền phúng ngay khi ghi danh trước khi vào viếng nên bạn có thể hỏi trước người phụ trách ở quầy này.

6. Dùng bữa (식사): Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hai năm trở lại đây, nhiều đám tang rút gọn khâu này. Nhưng nếu đến đám tang mà gia quyến chuẩn bị thêm một phòng tiếp khách thì bạn nên nán lại đây trong khoảng từ 15~30 phút để thể hiện sự tôn trọng với gia đình.

Có gia đình chuẩn bị tiệc trà, bánh kẹo, có gia đình chuẩn bị bữa cơm với những món đơn giản như thịt lợn luộc, yukgaejang (육개장, canh bò cay), kimchi…

Trước khi ra về, nhân viên phụ trách tang lễ sẽ đưa cho bạn một chiếc túi hoặc hộp muối nhỏ, là món quà đáp lễ lễ thể hiện lòng biết ơn của gia đình tang quyến. Sau đi dự đám tang về, người Hàn Quốc cũng có phong tục ném muối ra sau vai để xua đuổi linh hồn trước khi bước vào nhà.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).