Ngày 11/12/2021, chính phủ Việt Nam đã thông qua phương án bình thường hóa vận hành đường bay quốc tế tới 9 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cao và thực hiện biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Những quốc gia này gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Trước đó, Việt Nam tạm dừng khai thác đường bay quốc tế cố định từ tháng 3 năm ngoái khi dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ các chuyên gia, nhà đầu tư, nhân lực tay nghề cao mới được phép nhập cảnh ngoại lệ theo quy trình nhập cảnh đặc biệt.

Chính phủ Việt Nam cho biết, quyết định trên nhằm khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch đang trì trệ, đồng thời tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, thí điểm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1

(02 tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021)

Tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).

Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.

Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).

Giai đoạn 2

(dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022)

Ngoài 9 thị trường trên, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề xuất mở thêm các đường bay đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga).

Các thị trường được mở rộng này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.

Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).

Trong thời gian thực hiện giai đoạn 2 thí điểm khôi phục các đường bay quốc tế, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây.

Trong thời gian thực hiện thí điểm 2 giai đoạn, phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức đánh giá tổng kết để tham mưu khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây. Bộ GTVT cũng đã thông tin, qua cuộc làm việc với các doanh nghiệp hàng không, các bộ ngành liên quan vào ngày 30/11 vừa qua, các hãng hàng không để sẵn sàng khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Những trở ngại

Theo quy định hiện tại của Bộ Y tế Việt Nam ban hành từ tháng 8/2021, người nhập cảnh sẽ được giảm thời gian cách ly tập trung nếu kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong 72h, có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước thực hiện xét nghiệm cấp; đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, thời gian tiêm liều cuối cùng không dưới 14 ngày, và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh và có giấy chứng nhận tiêm chủng.

Ngoài ra, người từng bị nhiễm COVID-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền nước điều trị cấp, thời hạn không quá 06 tháng, cũng được cách ly với thời gian tương tự.

Sau khi nhập cảnh, những người này sẽ được xét nghiệm vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Hoàn thành cách ly tập trung, những người này về nơi lưu trú phải thực hiện 5K, luôn bật ứng dụng Bluezone.

Việc cách ly tập trung là một trong những trở ngại khiến khách du lịch và nhất là người Việt sinh sống ở nước ngoài e ngại khi muốn đến hay hồi hương về Việt Nam. Trước nhiều bức xúc của người Việt hải ngoại và của cả ngành du lịch trong nước, nhiều chuyên gia và những người có ảnh hưởng đã kêu gọi chính quyền Việt Nam giảm trở ngại cho người nhập cảnh và mở cửa với thế giới bên ngoài.

Để chuẩn bị cho việc khôi phục đường bay quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly và theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, chậm nhất trước ngày 15/12. Theo chỉ đạo này, người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ không phải cách ly tập trung.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh của nước ngoài. Các địa phương tạo điều kiện cho người nhập cảnh cách ly tại khách sạn (nếu có nhu cầu) và tự trả toàn bộ chi phí. Trước đó, từ đầu tháng 7/2021, Bộ Y tế thí điểm tại Quảng Ninh, cách ly tập trung 7 ngày, thêm 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19.

Việc nối lại các chuyến bay với các nước chỉ có thể thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”. Cần có phần mềm khai báo y tế thống nhất để phục vụ công tác kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Lãnh đạo các Bộ Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là cân đối khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước, nhất là khi xuất hiện biến chủng Omicron, với nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong đón người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh thời gian tới.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).