⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Tình hình dịch virus corona đã có chuyển biến rất mạnh kể từ cuối ngày 12/2/2020 sau những ngày ổn định.

Cụ thể, tỉnh Hồ Bắc ghi nhận thêm 242 người chết vì virus corona, nâng tổng số người chết tại tâm dịch bệnh lên 1.310 người, trên toàn Trung Quốc là 1.365, và 1.367 ở phạm vi toàn cầu.

Trong số các ca tử vong, có 1 công dân Trung Quốc chết ở Philippines, 1 người Hong Kong, 1 người Mỹ và 1 người Nhật, số ca tử vong còn lại là ở Trung Quốc. Số ca khỏi bệnh là 5.962 ca.

Hiện toàn cầu có 60.287 trường hợp nhiễm bệnh. Tính riêng tại tỉnh Hồ Bắc có thêm 14.840 trường hợp mới được xác nhận nhiễm bệnh, gấp gần 10 lần số ca ngày trước đó (1.638 ca nhiễm cuối ngày 11/2).

Sở dĩ có hiện tượng tăng mạnh số ca nhiễm mới là do cơ quan Y tế tỉnh Hồ Bắc tuyên bố đã thay đổi phương pháp thống kê ca nhiễm từ ngày 13/2/2020.

Trước đó, chỉ có những trường hợp được xác nhận lây nhiễm bằng bộ kiểm tra chuyên dụng mới được xem là chính xác. Tuy nhiên, nguồn cung của bộ kiểm tra là không đủ, dẫn đến chuyện rất nhiều người dù có triệu chứng nhưng vẫn chưa được xét nghiệm. Bởi vậy, chính quyền tỉnh Hồ Bắc quyết định đếm số bệnh nhân dựa trên các triệu chứng lâm sàng sau khi được thăm khám bởi các bác sĩ.

Theo đó, trong tổng số 14.840 ca nhiễm mới tại Hồ Bắc, 13.332 được chẩn đoán lâm sàng, có nghĩa là các bệnh nhân được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với virus corona nhưng không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc khẳng định đã minh bạch thông tin, và mở cửa cho sự hợp tác quốc tế trong việc đối phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người đánh ra đây là hành động “mất bò mới lo làm chuồng”, việc giấu thông tin về con virus mới làm mất đi ít nhất 7 tuần lễ quý giá, khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn quốc và vượt ra ngoài Trung Quốc.

Trong bối cảnh được đánh giá là hết sức nhạy cảm, với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, phong trào đòi dân chủ dâng cao tại Hồng Kông, thắng lợi vang dội của phe đòi độc lập với Trung Quốc tại Đài Loan trong bầu cử, đối với chính quyền Bắc Kinh cũng như với chính quyền địa phương các cấp, mục tiêu bảo vệ bộ mặt tươi đẹp của chế độ được đặt lên trước hết, hiểm họa virus kinh hoàng đã bị toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi không còn đường lùi.

Người dân Vũ Hán tuyệt vọng kêu cứu

Trả giá nặng nề nhất cho sự che giấu, chối bỏ, thờ ơ này trước hết là người dân Vũ Hán.

Khi dịch bệnh ngày càng lây lan, chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với Vũ Hán và một phần của vài thành phố lân cận nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đồng thời thiết lập một hệ thống kiểm duyệt truyền thông, hòng che giấu tình hình dịch bệnh và bắt giữ các cư dân mạng dám tiết lộ nội tình thực tế bên trong vùng dịch.

Chính quyền Trung Quốc đã đe dọa bắt giữ và kết án những người phát tán “các tin đồn về bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới”, theo một tuyên bố trên mạng xã hội WeChat và một thông báo lưu hành của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và sở an ninh công cộng.

WeChat, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, đã chủ động ngăn chặn bất kỳ thông tin nào về virus corona không tương thích với các báo cáo chính thức từ phía chính quyền.

Mạng xã hội này thậm chí còn yêu cầu tất cả cư dân mạng đăng thông báo kêu gọi sự hỗ trợ trên nền tảng này phải xác thực bằng tên thật; nếu không các tin nhắn sẽ bị xóa.

Mặc dù biết khi đăng lên mạng sẽ phải công khai danh tính và có thể bị chính quyền bắt bớ, nhưng có vẻ như người dân Vũ Hán đã vô cùng tuyệt vọng. Vì muốn tin kêu cứu của mình có thể được nhìn thấy, họ không chỉ đăng phiếu xét nghiệm, kết quả chụp CT, thậm chí còn mang cả giấy chứng nhận người tàn tật, chứng nhận học lực…

Trên Weibo “Cứu trợ những người viêm phổi” có hàng nghìn các bài cầu cứu. Nhiều bài viết khiến người xem khó lòng cầm được nước mắt.

Một người cầu cứu tiết lộ trên Weibo, người cha 59 tuổi của mình bị bỏ tại điểm cách ly không người chăm nom (Ảnh: Weibo swaness)

Một ông cụ 77 tuổi đăng câu chuyện của mình với dòng mở đầu “Xin chào!” trên Weibo lúc hơn 1h sáng, chỉ vì muốn tìm kiếm cơ hội cầu cứu cho cháu gái mình.

Ông nói: “Con gái tôi, Lưu Oanh vừa mới qua đời. Cháu bắt đầu phát bệnh từ ngày 22/1, bệnh viện chẩn đoán là bị viêm phổi. Do không thể xếp hàng đợi đến lượt thử thuốc, nên sau khi bệnh tình trầm trọng vẫn không được cứu chữa, các bệnh viện đều từ chối vì lý do không còn giường bệnh.

Cuối cùng, vào ngày 30/1 đã qua đời ở nhà tôi. Những người có tiếp xúc mật thiết có 3 người chúng tôi ở cùng nhà, gồm tôi là Lưu Lập, vợ tôi bà Phó Lâm Lê 72 tuổi và cháu ngoại (cháu gái) Trần Vận Thu 13 tuổi. Hiện giờ, tôi, vợ tôi, cháu ngoại tôi đều đã nhiễm bệnh. Vợ tôi bệnh nặng nhất, hồ sơ chẩn đoán tôi đều tải lên đây.”

Hiện nay ông cụ và vợ mình là người thân và người giám hộ duy nhất của cháu gái 13 tuổi (cha của cháu đã mất tích sau khi ly hôn).

“Vợ tôi đã bị nhiễm cả hai bên phổi, tôi và cháu ngoại bị nhiễm một bên. Con gái tôi vì không được chữa trị theo thông lệ mà mất ở nhà, chúng tôi bị bức bách tới mức truyền nhiễm cho nhau, nỗi bi phẫn này thực khó tỏ bày!

Hai người già chúng tôi làm thế nào mới nuôi được đứa trẻ trong tình cảnh này? Quả thực là vạn phần tuyệt vọng! Khẩn thiết cầu mong hãy cứu lấy đứa trẻ 13 tuổi này, cho cháu được nằm viện chữa trị để bảo toàn mạng sống!”

Bá Mạn Nhi, một cô gái 24 đã đăng ảnh kèm câu chuyện của mình trên Weibo. Theo lời kể của Bá Mạn Nhi, ngày 24/1, cô bắt đầu nhập viện ở khu cách ly Bệnh viện số 3 Thành phố Thiên Môn, giường số 15 tầng 2.

Cô bị sốt liên tục trong vòng một tuần lễ. Vào ngày đến ngày 31/1, khi tình trạng của cô đã rất xấu, cô viết: “Đây là di ngôn của tôi. Con xin lỗi ba mẹ! Con xin lỗi ba mẹ!”.

Bá Mạn Nhi nói những lời đầy tuyệt vọng trên Weibo: “Tôi biết hôm nay tôi sẽ phải chết, hô hấp suy kiệt, cơ thể không thể di chuyển được, cũng không được truyền dinh dưỡng nữa. Tôi đã chủ động đi cách ly, không ngờ rằng mình sẽ phải vào địa ngục trần gian. Khi đi cách ly, tôi chỉ được phát cho hai viên Oseltamivir mỗi ngày.

Không tiêm truyền. Cái gì cũng không có. Chất lượng đồ ăn cũng rất tệ, không thể nâng cao khả năng miễn dịch, tôi không ngờ rằng mình sẽ phải chết sớm như vậy… Tôi còn trẻ thế này mà đã phải chết rồi, tôi không cam tâm.

Ba mẹ và chú tôi vẫn ngây thơ tin rằng tôi sẽ được cứu, nên đã nghe theo sự sắp xếp của bệnh viện, tôi sắp chết rồi, vậy mà y bác sĩ trong bệnh viện không có ai đến đây…

Ba mẹ ơi, con rất có lỗi với ba mẹ, con rất có lỗi, con hy vọng rằng về sau này ba mẹ có thể sống hạnh phúc vui vẻ! Em trai, chị mong em sẽ học tập cho tốt, chăm chỉ học tập! Có quá nhiều lời, không còn biết phải nói thế nào nữa! Tôi biết những bệnh nhân đang chờ chết tại đây giống như tôi không hề ít, chúng tôi tin vào chính phủ như thế, vậy mà hiện tại nhận được kết cục như thế này đây!”.

Bá Mạn Nhi mô tả chi tiết tình hình trong khu cách ly của bệnh viện, như “địa ngục trần gian”. Bên ngoài, ba mẹ của Bá Mạn Nhi bị cảnh sát tìm đến chỉ vì họ đăng tin tức sự thật lên Weibo.

500 nhân viên y tế Trung Quốc nhiễm bệnh?

Nhiều nguồn tin y tế xác nhận ít nhất 500 nhân viên bệnh viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị nhiễm virus corona mới vào giữa tháng 1/2020.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận có trường hợp những nhân viên chăm sóc y tế bị lây nhiễm nhưng họ không cho các bác sĩ và y tá công khai con số chính xác cho công chúng.

Không có lời giải thích nào đằng sau mệnh lệnh này nhưng cơ quan chức năng đang cố gắng động viên tinh thần cho các nhân viên y tế tuyến đầu, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Bác sĩ Lý qua đời vì nhiễm virus corona vài tuần sau khi bị cảnh sát khiển trách do cảnh báo đồng nghiệp về loại virus mới.

Tuy nhiên, một số thông tin lan truyền trên mạng đã tiết lộ số nhân viên y tế bị nhiễm virus ở thành phố Vũ Hán. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đã có 500 ca được xác nhận và 600 ca nghi bị nhiễm trong số các nhân viên bệnh viện. Một nguồn tin từ một bệnh viện lớn và 2 bác sĩ khác ở Vũ Hán xác nhận thông tin trên là chính xác.

Một bác sĩ giấu tên, làm việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, cho biết các nhân viên ở đây luôn thiếu vật tư y tế, nhất là các bộ quần áo bảo hộ toàn thân. Nhiều bệnh viện, các bác sĩ và y tá phải lấy túi rác quấn thành áo bảo hộ, xé tấm ga trải giường làm khẩu trang.

Các y tá nữ cạo đầu để tiết kiệm thời gian vệ sinh cá nhân.

Các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng sự thiếu hụt đồ bảo hộ, thời gian làm việc quá lâu cộng với việc thiếu nhận thức về mức độ lây nhiễm của virus Corona chủng mới là những yếu tố chính dẫn tới số lượng ca lây nhiễm lớn như hiện nay.

Y tá bón đồ ăn cho một bệnh nhân nhiễm virus corona đang được điều trị trong phòng cách ly tại Bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán ngày 8/2.

Ian Lipkin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết nhân viên y tế luôn là những người có nguy cơ lây nhiễm dễ nhất vì họ thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh.

Ngoài ra, việc phải làm việc nhiều giờ đồng hồ với tình trạng bệnh viện lúc nào cũng quá tải khiến sức khỏe họ không được đảm bảo, càng tạo điều kiện để virus xâm nhập.

Virus corona chủng mới có tên chính thức “COVID-19”

Theo BBC, tại cuộc họp báo ngày 8/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đề nghị đặt tên mới cho virus đang gây dịch viêm phổi ở nước này và lan sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, virus này sẽ tạm thời được gọi là Novel Coronavirus Pneumonia – NCP (tạm dịch: Viêm phổi virus corona chủng mới).

Trong nhiều tuần qua kể từ khi giới khoa học phát hiện ra loại virus lạ gây bệnh viêm phổi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tên gọi của virus này gắn liền với nơi bùng phát dịch, hay virus Vũ Hán. Tuy nhiên cách gọi như vậy khiến nhiều người dân Vũ Hán bất bình và cảm thấy bị “động chạm”.

Việc đặt tên cho một loại dịch bệnh luôn là một vấn đề phức tạp bởi nó không chỉ liên quan đến khoa học mà còn cả đến vấn đề xã hội. Ví dụ, trước kia, dịch cúm ở Tây Ban Nha hay sốt Rift Valley từng bị chỉ trích vì bị coi là kỳ thị đối với quốc gia và khu vực bùng phát dịch.

Cuối cùng, đến ngày 11/2/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11/2 đã quyết định đặt tên cho bệnh viêm phổi xuất phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) do virus corona chủng mới gây ra là “COVID-19”.

“CO” nghĩa là “corona”, “VI” là “virus”, “D” là “dịch bệnh” (disease), và “19” chỉ năm đầu tiên phát sinh dịch (2019).

Có thể thấy, WHO đã lựa chọn một cái tên có liên quan đến dịch bệnh, có thể phát âm được, mà không đề cập đến vị trí địa lý, động vật, cá nhân hay tập thể nào.

Tại Hàn Quốc, tên dịch bệnh này sẽ được gọi là theo tiếng Hàn là 코로나 19 (corona-19). Đây là kiến nghị của Cơ quan quản lý dịch bệnh (CDC) do tên gọi bằng tiếng Anh khá dài.

Lãnh đạo WHO bị yêu cầu từ chức

Hơn 350.000 người đã ký bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì thiếu sót khi xử lý dịch virus corona.

Bản kiến nghị được khởi xướng trên Change.org vào ngày 31/1/2020. Người khởi xướng, tên “Osuka Yip” chỉ trích sự lãnh đạo của ông Ghebreyesus dẫn tới sự lây lan nhanh chóng của virus.

“Chúng tôi nghĩ rằng Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức!”

Trước đó, vào ngày 23/1/2020, Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chối tuyên bố sự bùng phát virus Trung Quốc là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và yêu cầu các nước không nên hạn chế xuất nhập cảnh với Trung Quốc.

Theo Korea Times, người kiến nghị đã đặt câu hỏi về tính trung lập chính trị của ông Ghebreyesus.

“Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng”, bản kiến nghị viết. “Chúng tôi tin rằng (WHO) được cho là trung lập về chính trị. Nhưng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không điều tra mà chỉ tin vào tỷ lệ tử vong và những con số bị nhiễm bệnh Bắc Kinh cung cấp”.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).