⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Giới chức Trung Quốc cho biết đến sáng 25/1/2020, đã có 41 người thiệt mạng và 1.3150 người bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.

Đặc biệt, trong số các nạn nhân tử vong có một bác sĩ đầu tiên thiệt mạng tại bệnh viện Hồ Bắc (Vũ Hán). Bác sĩ Liang Wudong, 62 tuổi, là một trong những bác sĩ túc trực ở “tiền tuyến” trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của coronavirus gây chết người ở Trung Quốc.

Trong số những người nhiễm virus viêm phổi còn có cả trẻ em 2 tuổi. Người trẻ nhất tử vong do chủng virus này là 48 tuổi, còn người già nhất là 89 tuổi.

Người dân hoang mang, bệnh viện không đủ giường

Sau khi bị phong toả từ ngày 23/1/2020, các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một bầu không khí sợ hãi và lo lắng giữa những người ở Vũ Hán, trong bối cảnh bất ổn gia tăng về khả năng xử lý dịch bệnh tiềm tàng.

Các bệnh viện trong thành phố tràn ngập người bệnh. Người dân địa phương cũng ngày càng trở nên lo ngại hơn. Nhiều người đã lên mạng xã hội để bày tỏ lo lắng, sợ hãi cũng như than phiền về cách mà chính quyền đang xử lý khủng hoảng.

Hình ảnh cắt ra từ clip, người dân chen chúc trong hành lang bệnh viện để chờ đến lượt được chữa trị.

Một số tỏ ra giận dữ khi không được nhập viện khi nghi ngờ nhiễm bệnh, còn số khác phàn nàn vì không được hướng dẫn phải làm gì hay đến đâu để được điều trị.

Truyền thông Trung Quốc ngày 24/1/2020, đã báo cáo về tình trạng thiếu dụng cụ y tế xảy ra ở các bệnh viện tại Vũ Hán cũng như tỉnh Hồ Bắc, cùng với khó khăn trong việc cung ứng các thiết bị này. Hệ quả là ít nhất 8 bệnh viện đã phải ra thông báo kêu gọi cộng đồng đóng góp các sản phẩm y tế như mặt nạ, khẩu trang, trang phục phòng hộ…

Để ứng phó dịch bệnh, giới chức Vũ Hán đã khẩn cấp tiến hành xây dựng một trung tâm trị liệu đặc biệt. “Bệnh viện dã chiến” sẽ được thiết lập trên diện tích khoảng 25.000 mét vuông, đáp ứng 1.000 giường bệnh và sẽ đi vào hoạt động từ tuần tới.

Ngoài ra, vì thiếu bác sĩ nên ngày 24/1/2020, Trung Quốc đã điều động quân y thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA) tham gia chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh do virus nCov gây ra. 40 sĩ quan quân y từ bệnh viện quân sự thành phố Vũ Hán đã bắt đầu làm việc trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện phổi Vũ Hán.

Giới chuyên gia cho rằng những động thái kể trên của chính phủ Trung Quốc là “quá muộn màng”.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã vượt quá khoảng thời gian vàng trong kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh”, ông Quản Dật, chuyên gia vi sinh học tại Đại học Hồng Kông, nói với AFP.

Chuyên gia này chỉ ra rằng một số lượng lớn người dân đã rời khỏi Vũ Hán trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán: “Như vậy, kể từ khi có thông tin về bệnh viêm phổi lạ hồi cuối tháng 12/2019, họ có thể đã ủ bệnh trên đường rời khỏi Vũ Hán. Các triệu chứng mất vài ngày cho đến 14 ngày mới xuất hiện, đủ thời gian cài “quả bom dịch bệnh hẹn giờ”, chờ lúc bùng nổ khắp cả nước và nước ngoài”.

Lo ngại dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới

Hiện, bệnh đã lan ra nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Pháp, Malaysia cũng mới nhất xác nhận có người mắc bệnh.

Vào ngày 25/1, Úc ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Như vậy, bệnh viêm phổi cấp đã lan tới 4 châu lục: Á, Mỹ, Âu và Úc (châu Đại Dương).

Có trường hợp khách du lịch Trung Quốc cố tình giấu bệnh, uống thuốc hạ sốt để được nhập cảnh vào các nước.

Ngày 22/1/2020, một phụ nữ đến từ Vũ Hán đăng ảnh cô này chụp trong một nhà hàng ở Pháp lên mạng xã hội: “Tôi bị sốt và ho trước khi rời đi, tôi rất sợ hãi. Tôi đã nhanh chóng uống thuốc và kiểm tra nhiệt độ. Rất may mắn là tôi đã kiểm soát được nhiệt độ cơ thể và nhập cảnh suôn sẻ vào Pháp”.

Nước Anh cũng đang điều tra một số trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh, trong khi giới hữu trách đang cố truy tìm khoảng 2.000 người từ tỉnh Hồ Bắc bay đến Anh gần đây.

Thêm một khó khăn khác là bệnh viêm phổi Vũ Hán có triệu chứng không rõ ràng, không thể phát hiện trong thời gian ủ bệnh. Như vậy, dù cơ quan chức năng trong nước tiến hành kiểm dịch triệt để tại các cửa nhập cảnh sân bay đi chăng nữa thì cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập của virus.

Tổ chức Y tế Thế giới hiện chưa xếp dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới này là “trường hợp khẩn cấp quốc tế”, một phần do số lượng các trường hợp nhiễm bệnh ở nước ngoài còn thấp.

Nhưng Tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, khả năng xếp dịch này vào trường hợp khẩn cấp toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện có 3 nhóm nghiên cứu đang phát triển các loại vắc-xin phòng virus corona mới với hy vọng có thể thử nghiệm những vắc-xin đầu tiên trong 3 tháng tới.

Virus corona mới (2019-nCoV) thuộc chủng corona vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các chuyên gia Trung Quốc xác định loại virus mới có khả năng “thích nghi, đột biến, lây lan qua đường hô hấp từ người sang người”, có thể xuất phát từ động vật hoang dã được bày bán tại chợ Hoa Nam ở trung tâm Vũ Hán.

Cập nhật: Đến ngày 26/1/2020 đã có 56 người chết vì virus Vũ Hán, con số người nhiễm virus có thể đã lên đến 90.000 người chứ không phải gần 2 ngàn như chính phủ Trung Quốc báo cáo.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).