Cần 365 triệu won để nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi

Ngày 18/5 vừa qua, đài truyền hình quốc tế Đức Deutsche Welle (DW) có đưa bản tin về chủ đề Hàn Quốc là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy trẻ em cho đến khi 18 tuổi.

Deutsche Welle trích dẫn một nghiên cứu của Viện Dân số YuWa, một viện nghiên cứu dân số và chính sách công ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo nghiên cứu, các bậc cha mẹ Hàn Quốc đã chi gấp 7,79 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho mỗi đứa trẻ vào năm 2022 để nuôi dạy con cái. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí nuôi con đến năm 18 tuổi lên tới 365 triệu won.

Đây là mức cao nhất trong số 14 quốc gia lớn được phân tích. Theo kết quả phân tích thực tế của viện nghiên cứu, chi phí nuôi con của cha mẹ Hàn Quốc áp đảo so với Trung Quốc (6,9 lần), Nhật Bản (4,26 lần) và Mỹ (4,11 lần).

Deutsche Welle cho biết: “Vào năm 2022, người Hàn Quốc chi cho các trung tâm học thêm 17,9 tỷ euro (khoảng 26 nghìn tỷ won) cho con em mình. Tức phí học thêm của một đứa trẻ mỗi tháng vào tầm 361 euro (khoảng 520.000 won) mỗi tháng.

Hiện nay, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,78 – mức thấp nhất kể từ năm 1970, Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ này ít nhất phải ở mức 2,1 để giữ cho dân số quốc gia ổn định ở mức 52 triệu người.

DW phân tích lý do tại sao người Hàn Quốc gửi trẻ đi học thêm nhiều, là vì có nhiều “working mom” – những bà mẹ đi làm. Khi cha mẹ đi làm việc và không thể nhờ được ông bà hay họ hàng trông con ngoài giờ học chính quy ở trường, họ sẽ phải trả tiền để nhờ các trung tâm học thêm từ học ngoại ngữ, văn, toán cho đến học năng khiếu như đàn piano, taekwondo…Các trung tâm này sẽ có nhiệm vụ đón trẻ ở trường – cho trẻ ăn trước giờ học thêm, học thêm xong thì đưa đón trẻ về nhà hoặc…chạy show đến trung tâm khác theo yêu cầu của phụ huynh.

Bảng tính chi phí nuôi trẻ ở Hàn Quốc

Tờ Donga Ilbo (Nhật báo Đông Á) đã thiết lập một website tính tự động những chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ từ trong bụng mẹ đến hết Đại học ở Hàn Quốc tiêu chuẩn năm 2019.

Trang này chia quá trình nuôi con theo 4 giai đoạn.

* Giai đoạn 1: từ khi mang thai đến khi sinh con.

* Giai đoạn 2: từ khi đứa trẻ chào đời đến sinh nhật 1 tuổi.

* Giai đoạn 3: từ khi đi nhà trẻ đến trường mầm non.

* Giai đoạn 4: từ tiểu học đến hết đại học.

Tính theo các khoản nhu cầu thông lệ của phụ nữ Hàn Quốc như: sắm đồ cho con, sinh thường hoặc sinh mổ, ở joriwon (trung tâm chăm sóc sức khoẻ sau sinh 2 tuần) thì tổng chi phí trung bình từ khi mang thai đến khi sinh của một bà mẹ ở Hàn Quốc là 6.825.000 won.

Tiếp theo, tổng chi phí nuôi trẻ từ khi chào đời đến sinh nhật 1 tuổi ở Hàn Quốc là 7.380.000 won; tổng chi phí nuôi một đứa trẻ từ khi đi nhà trẻ đến trường mầm non là 70,844.000 won (bao gồm phí gửi trẻ, phí học năng khiếu, tiền sắm sửa quần áo, đồ chơi, ăn uống, trải nghiệm…)

Khi trẻ đã đến tuổi đi học thì chi phí nuôi ăn học cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Mặc dù tiền học phí công từ mẫu giáo cho đến cấp 3 đã được chính phủ đài thọ miễn phí toàn bộ, nhưng đau đầu nhất là chi phí học thêm và tiền sinh hoạt hàng ngày.

Ví dụ, chi phí học thêm cấp 1 là 490.000 won/ tháng, cấp 2 là 570.000 won/tháng và cấp 3 là 520,000 won/tháng. Chi phí sinh hoạt cơ bản: cấp 1 là 1.470.000 won/tháng, cấp 2 là 1.580.000 won/tháng, cấp 3 là 1.190.000 won/tháng.

Nếu các bậc cha mẹ chả hết các khoản phí ăn học cho con đến hết 4 năm đại học thì chi phí mỗi tháng là 1.800.000 won. Theo thống kê của báo Donga Ilbo dựa trên trang tính này, chi phí nuôi một đứa trẻ đến khi học hết đại học ở Hàn Quốc bằng lương đi làm ròng rã 10 năm của một nhân viên công ty.

Trên đây chỉ là những con số ước lượng, tuỳ từng gia đình mà sai khác nhưng nhìn chung đây vẫn là gánh nặng lớn cho các cặp vợ chồng trẻ. Nếu bạn không có thu nhập ổn định, ít nhất là từ 3 triệu won/ tháng trở lên thì nuôi con vô cùng cực khổ ở Hàn Quốc.

Một cuộc khảo sát trong nước do Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) thực hiện năm 2020 cho thấy chi phí nuôi con cao là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc.

Viện đã khảo sát 2.000 người trưởng thành và nhận thấy cả người đã kết hôn và chưa kết hôn đều chọn “sự bất ổn về kinh tế” và “chi phí cao” là những lý do hàng đầu khiến họ không sinh con.

author-avatar

About Thảo Nguyên

Yêu tiếng Hàn, văn hóa và con người Hàn Quốc. Thích viết sách về ẩm thực, văn hóa và du lịch Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).