Chắc hẳn các bạn học tiếng Hàn đều có kinh nghiệm làm thêm như dịch tài liệu, đi hướng dẫn du lịch, đi tour…và cũng không hiếm người bị quỵt tiền thù lao? Vậy các bạn phải xử lí như thế nào trong trường hợp này?

Nếu như người lao động thì có thể gọi điện ngay cho Bộ lao động, nhưng hầu hết các trường hợp dịch thuật, thông dịch đều là các bạn làm theo kiểu tự do nên rất khó thu thập bằng chứng, căn cứ.

Đặc biệt với các bạn có visa sinh viên; nếu bị phát hiện làm thêm quá giờ hoặc thu nhập quá nhiều (không phù hợp với tư cách visa đi học) thì đôi khi còn bị phạt hoặc trục xuất về nước. Có những trường hợp các bạn sinh viên nhờ người Hàn hay Bộ lao động vẫn có thể đòi được tiền; nhưng có trường hợp thất bại vì bên công ty dịch phản bác lại rằng “các bạn dịch kém, dịch sai”, “không có bằng chứng”…

Bởi vậy để đề phòng những tình huống này, TTHQ xin đưa ra một số lời khuyên cho các bạn như sau:

– Chỉ nhận lời dịch tài liệu, thông dịch, làm hướng dẫn viên cho các công ty đã xác định rõ địa chỉ, số điện thoại. Trường hợp gặp trước giám đốc hay người phụ trách trước khi bắt đầu công việc thì càng tốt.

– Khi làm cho một cá nhân, bạn cần yêu cầu họ cung cấp Họ tên thật, điện thoại, địa chỉ công ty (nhà riêng), kèm một bản xác nhận công việc (thuê bạn với nội dung công việc gì, thời gian thủ lao, hạn trả tiền). Các bạn đừng e ngại khi đề nghị những điều này vì đây là cách bảo vệ quyền lợi của cả hai bên khi có tranh chấp xảy ra.

– Tuyệt đối không giao ước bằng miệng, tức là mọi công việc (nội dung tài liệu dịch, thời gian dịch, giá tiền, địa điểm) đều phải được xác nhận qua email hoặc tin nhắn. Nếu bên tuyển dụng không gửi tin xác nhận cho bạn thì tự bạn phải soạn tin nhắn hay email gửi lại, yêu cầu họ xác nhận trước khi làm việc.

– Chỉ bắt tay làm việc (dịch thuật, thông dịch) sau khi đã xác nhận mọi điều khoản với người tuyển dụng.

– Không nên vì ham việc mà “dễ dãi” hạ thấp giá trị công việc của mình. Ví dụ như “Chỗ khác dịch một ngày 150.000 won, nhưng tôi chỉ nhận 100.000 won là được rồi”. Có thể cách này sẽ giúp bạn có việc trước mắt, nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của những đồng nghiệp xung quanh bạn.

– Trường hợp các bạn xác định làm lâu dài, công việc có thu nhập ổn định (là nhân viên của một công ty dịch thuật hay du lịch, dạy học ở trung tâm) thì tốt nhất nên đăng kí làm thêm tại Cục quản lý xuất nhập cảnh và yêu cầu công ty tuyển dụng bạn phải kí hợp đồng lao động ngắn hạn. Tham khảo hướng dẫn đăng kí làm thêm cho du học sinh tại đây.

– Thường các bạn sẽ được trả tiền thù lao sao khi kết thúc công việc. Nhiều công ty dịch trả tiền gối tháng, nên bạn phải nhớ lịch trả tiền này. Nếu quá hạn 1 tuần mà chưa thấy chuyển khoản, bạn hãy viết email hoặc tốt nhất là gọi điện cho người phụ trách để hỏi trực tiếp.

– Trường hợp bên tuyển dụng không trả lời email, không nhận điện thoại và quá hạn trả tiền 14 ngày thì sẽ được quy là “quỵt tiền”, trong thuật ngữ tiếng Hàn là 임금체불, 임금미지금, 알바비미지금. Các bạn có thể vào trang web của Bộ lao động Hàn Quốc để khai báo (lúc này bạn cần gửi cả những chứng cứ trong quá trình làm việc). Bạn có thể gửi email hoặc gửi qua đường bưu điện, sau khi nhận được hồ sơ này, Bộ lao động Hàn Quốc sẽ đóng vai trò trung gian, mời cả hai bên lên đối chứng và đòi tiền thù lao cho bạn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).