Theo thống kê dựa vào hoá đơn nộp tiền của 191/195 trường đại học ở Hàn Quốc, đa phần các trường giữ nguyên (186 trường) hoặc giảm (5 trường) học phí.

Do dịch COVID-19 nên các trường đại học Hàn Quốc đều chủ trương không tăng học phí. Tuy nhiên, học phí trung bình một năm cho mỗi sinh viên lại tăng lên.

Ở hệ đại học 4 năm, một học sinh phải trả 6.733.500 KRW trong năm 2021, tăng 7.600 KRW so với năm 2020 (6.725.900 KRW). Ở hệ cao đẳng tư thục, sinh viên phải trả 7.492.100 KRW, hệ cao đẳng công lập là 4.184.600 KRW.

Tính theo khu vực, các trường trong khu vực thủ đô (Seoul, Gyeonggi, Incheon) có mức học phí trung bình là 6.192.600 KRW, cao hơn 18.6% so với các trường khu vực khác là 1.416.400 KRW.

Một quan chức của Bộ Giáo dục phân tích: “Do cơ cấu lại bộ môn, giảm các ngành khoa học xã hội và nhân văn có học phí thấp, tăng số lượng tuyển sinh ngành kỹ thuật có học phí cao. Trong khi mức học phí trung bình hàng năm lại được tính bằng cách chia tổng học phí cho số lượng sinh viên nên trên thực tế, mức học phí trung bình của sinh viên không hề tăng.”

Hiện tượng này cũng giống năm ngoái, khi 97% trường đại học Hàn Quốc giữ nguyên hoặc giảm học phí, nhưng học phí trung bình của mỗi học sinh lại tăng tới 19.000 KRW so với năm trước.

Trên thực tế, nhìn vào số lượng sinh viên đại học hệ 4 năm năm 2021, số lượng sinh viên khối kỹ thuật tăng 2.507 sinh viên, ngành khoa học tự nhiên tăng 1217 sinh viên, ngành y tăng 45 sinh viên, khối nghệ thuật và thể thao tăng 21 sinh viên. Chỉ có ngành khoa học xã hội và nhân văn có mức học phí thấp nhưng lại giảm 6.393 sinh viên.

Nếu so sánh mức học phí theo ngành nghề ở trường đại học hệ bốn năm thì ngành y cao nhất với 9.761.000 KRW, khối nghệ thuật và thể thao 7.734.800 KRW, khối kỹ thuật 7.210.800 KRW, khối khoa học tự nhiên 6.795.800 KRW, khối khoa học xã hội và nhân văn 5.928.800 KRW.

Bảng danh sách học phí trung bình theo năm của 20 trường đại học đắt nhất Hàn Quốc.

Yonsei và Ehwa có mức học phí đắt nhất

Trong số các trường đại học hệ bốn năm, Đại học Yonsei, nơi có mức học phí trung bình hàng năm cho mỗi sinh viên cao nhất, là 9.155.129 KRW. Tiếp theo là trường Kĩ thuật Công nghiệp Hàn Quốc 8.997.116 KRW, Đại học Nghệ thuật Chugye 8.781.508 KRW, Đại học Shinhan 8.700.361 KRW và Đại học Ewha 8.687.298 KRW.

Trường Đại học Yonsei không chỉ có mức học phí trung bình hàng năm cao nhất mà còn đắt nhất ở các ngành Xã hội nhân văn (8.463.780 KRW), Khối ngành kỹ thuật (9.763.861 KRW). Đại học Ewha đắt nhất ở các ngành khoa học tự nhiên (9.227.295 KRW), Nghệ thuật và thể thao (9.923.962 KRW) và Khoa học y tế (12.896.000 KRW).

Đối với các trường cao đẳng, học phí trung bình hàng năm cho mỗi sinh viên là 5.974.500 KRW; trường tư lập có mức học phí là 6.044.500 KRW và trường công lập có mức phí là 2.364.900 KRW. Các trường cao đẳng ở khu vực thủ đô có mức phí 6.371.600 KRW và các trường ngoài thủ đô có mức phí 5.671.500 KRW.

Học phí của các trường cao đẳng tăng cũng do lượng tuyển sinh các lĩnh vực có mức học phí cao như khối nghệ thuật và thể thao. Khối nghệ thuật ở trường cao đẳng có mức học phí 6.564.400, tiếp đó là kĩ thuật 6.142.200 KRW, khoa học tự nhiên 6.062.900 KRW, xã hội nhân văn 5.398.600 KRW.

Bỏ hoàn toàn phí nhập học từ năm 2023

Phí nhập học trung bình mà một sinh viên Hàn Quốc học hệ đại học bốn năm phải nộp năm 2021 là 173.100 KRW, giảm 103.100 KRW so với một năm trước. Phí nhập học của trường cao đẳng là 301.200 KRW, giảm 352.200 KRW so với năm 2017.

Để giảm bớt gánh nặng cho sinh viên, các trường đại học công lập ở Hàn Quốc đã bãi bỏ hoàn toàn lệ phí xét tuyển đối với tân sinh viên từ năm 2018. Các trường đại học tư thục hệ 4 năm áp dụng loại bỏ lần lượt phí nhập học (không bao gồm 20% chi phí thực tế) từ năm 2017. Lệ phí nhập học cho các trường đại học tư sẽ được bãi bỏ hoàn toàn cho sinh viên năm nhất vào năm 2023.

Năm 2022, sinh viên các trường đại học tư thục sẽ được hỗ trợ phí nhập học thông qua học bổng quốc gia, do đó sinh viên sẽ không phải nộp khoản này.

Về kết quả học tập, có 87,5% sinh viên đạt điểm B trở lên trong năm 2020, tăng 15,8% so với năm trước đó. Nguyên nhân được phân tích là do các lớp học triển khai theo hình thức trực tuyến nên nhiều môn học áp dụng hệ thống điểm tuyệt đối (không ràng buộc số lượng sinh viên đạt điểm tối đa), hoặc nới lỏng hệ thống điểm tương đối (ràng buộc tỷ lệ sinh viên đạt điểm tối đa).

Tổng hợp từ News 1

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).