Trong quá trình điều tra về tung tích, những chứng cớ về tội “tiếm quyền”, lũng đoạn chính trị của bà Choi Soon-sil, nhóm phóng viên của đài JTBC đã lặn lội đến tận nước Đức, nơi mẹ con bà Choi trú chân. Tất nhiên mẹ con bà Choi cũng đã mau chóng rời khỏi căn nhà họ hay ở tại Đức, các phóng viên JTBC đành phải điều tra thông tin qua những người hàng xóm Đức xung quanh và…bới rác ở xung quanh khu vực ngôi nhà.

Họ tìm được trong túi rác những mảnh giấy đã được nghiền nát, là do bà Choi đã phi tang bằng chứng trong quá trình bỏ trốn. Nhóm phóng viên đài JTBC đã mang toàn bộ số “rác” này về Hàn Quốc và âm thầm, nhẫn nại ngồi ghép những mảnh giấy rất nhỏ này lại với nhau. Vào sáng hôm nay (14/12), đài JTBC đã công khai những hồ sơ đã được các phóng viên khớp nối lại, có ghi rõ đơn thuốc và quá trình làm đẹp của mẹ con nhà Choi từ năm 2013 tới năm 2016. Chứng cứ đắt giá nhất là trong đó có lịch khám bệnh ghi ngày 16 tháng 4 năm 2014. Đây là ngày xảy ra tai nạn chìm tàu Sewol, làm chết hơn 300 người và nạn nhân phần lớn là học sinh phổ thông trung học.

Đây sẽ là những căn cứ quan trọng giúp tòa án luận tội tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và làm sáng tỏ câu hỏi Phủ Tổng thống vẫn ấp úng chưa thể trả lời bấy lâu nay: “Tổng thống đã làm gì trong 7 tiếng đồng hồ, kể từ khi nhận được thông báo chìm tàu Sewol?”. (Thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 9 giờ 24 phút sáng, nhưng đến 5 giờ chiều Tổng thống mới xuất hiện với khuôn mặt láng mịn và hơi sưng, cùng kiểu đầu vấn cao tốn ít nhất 90 phút trang điểm và hỏi những câu hỏi rất ngờ nghệch). Người ta nghi ngờ chính trong ngày 16 tháng 4 năm 2014, Tổng thống Park đã tiêm thuốc làm căng da và thực hiện các thủ thuật làm đẹp nên không thể điều hành tốt công tác cứu trợ.

Xã hội Hàn Quốc chao đảo vì nhân vật bà Choi Soon-sil từ thời điểm cuối tháng 10 năm nay. Thực ra những người trong giới chính trị và giới ngôn luận cũng đã biết tới ảnh hưởng của bà Choi từ lâu nhưng tất cả đều “im hơi lặng tiếng”. Phải chờ đến khi đài JTBC công bố chiếc máy tính bảng của bà Choi hôm 24/10 thì mọi chuyện mới vỡ lở. Trong chiếc máy tính này có chứa nhiều bài diễn văn phát biểu của Tổng thống Park và các văn bản quan trọng liên quan tới việc điều hành quốc gia của Phủ Tổng thống. Và bắt đầu từ đó, khi người dân Hàn Quốc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, cơn giận của quần chúng đã lên tới mức đỉnh điểm thì các báo chí, đài truyền hình khác mới tích cực đưa tin liên quan tới vụ việc này.

Trong diễn biến chính trị phức tạp này, đài truyền hình cáp JTBC và giám đốc Son Seok-hye đã trở thành người anh hùng của người dân Hàn Quốc khi dũng cảm đưa tin, vạch tội Tổng thống. Các đài truyền hình quốc gia như KBS, MBC bị người dân lên án và ngoảnh mặt vì họ đã “bưng bít”, không đưa tin khách quan, chính xác. Thậm chí nhóm phóng viên của đài MBC khi đưa tin ở cuộc biểu tình bị người dân “chửi” nhiều quá đã phải rời đi nơi khác và gỡ biển hiệu MBC mới có thể tiếp tục đưa tin. Rất nhiều người đã tuyên bố, bây giờ xem thời sự họ chỉ xem tin của đài JTBC mà thôi, vì đây là đài đưa tin khách quan nhất, không bị ảnh hưởng của bất cứ thế lực chính trị nào.


Vậy mới biết là trong bất kỳ xã hội nào, ngôn luận, báo chí luôn chịu tác động của chính trị hay chính quyền đang đứng đầu xã hội đó. Nhưng sớm hay muốn thì sự thật, lẽ phải, chính nghĩa mới là giá trị đích thực và cuối cùng của ngôn luận. Vì sao? Vì chính quyền có thể thay đổi, nhưng nhân dân sẽ là tòa án phán xét hay những người ủng hộ cho ngôn luận. Và một tổ chức ngôn luận chính nghĩa là phải đứng về phía nhân dân, những người yếu thế trong xã hội chứ không phải là cường quyền hay tài phiệt.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).