Ngày 06/6/2021, sau khi phát biểu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỉ niệm 66 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Seoul, tổng thống Moon Jae In đã đến bệnh viện quân đội Seongnam, nơi tổ chức lễ tang của nữ trung sĩ Không quân đã tự tử sau khi tố giác bị quấy rối tình dục.

Trước đó, vào ngày 5/6/2021, tổng thống cũng đã gửi vòng hoa đến viếng nữ trung sĩ. Và đến ngày 6/6, ông lại đến tận nơi tổ chức tang lễ để tưởng niệm trước ban thờ cô. Tổng thống nắm chặt tay bố mẹ nữ trung sĩ và nói: “Xin lỗi ông bà vì quốc gia đã không bảo vệ được trung sĩ Lee”.

Không một ai giúp đỡ cho đến lúc chết

Mẹ của nữ trung sĩ Lee chỉ ngồi lặng lẽ ôm di ảnh con gái và liên tục nói “Mẹ xin lỗi!”. Trên bàn thờ có đặt 4 bức ảnh của cô và vài con thú bông mèo vì sinh thời cô rất thích mèo.

Ngắm ảnh con gái, bố mẹ trung sĩ Lee vẫn không thể tin rằng họ lại dùng những bức ảnh đầy vui tươi, rạng rỡ của con gái để làm ảnh thờ. Cha của trung sĩ Lee nói: “Tại sao con gái xinh xắn của tôi lại ở giữa những vòng hoa cúc trắng kia? Chuyện gì xảy ra vậy?”

Trung sĩ Lee luôn khiến bố mẹ tự hào. Lúc nào cô cũng là cô gái tràn đầy sức sống, luôn quan tâm tới tâm trạng của mọi người xung quanh, có lúc cô còn hát và nhảy để mua vui cho bạn bè.

Từ nhỏ cô đã mơ ước muốn trở thành một người lính, có ý chí rõ ràng cho tương lai và nỗ lực chuẩn bị để theo học chuyên ngành không quân từ thời trung học, tương lai cũng sẽ trở thành một sĩ quan không quân đầy hoài bão.

Nhưng ước mơ này cuối cùng đã tan biến vào ngày 22/5/2021, sau 2 tháng kể từ khi nữ trung sĩ Lee tố cáo rằng cô bị quấy rối tình dục trong đơn vị.

Cô hàng ngày vẫn phải chạm trán với cấp trên, cũng là kẻ gây hại cho mình và nghe hắn ngọt nhạt doạ dẫm. Những đồng nghiệp khác nửa làm ngơ, nửa xa lánh cô. Không chịu được, cô chuyển đơn vị mới, nhưng đến đây cũng lại bị răn đe “Chỗ cũ không biết ra sao, nhưng ở đây cái gì cũng có kỷ luật”.

Cảnh sát quân sự nhận được đơn khiếu nại, nhưng phải tới 2 tuần sau đó mới điều tra nghi phạm, họ cũng không bắt giữ hay tịch thu điện thoại của nghi phạm để đề phòng trường hợp nghi phạm tiêu huỷ chứng cứ. Người đại diện cảnh sát quân sự giải thích “họ nắm sai quy định xử lý, cứ tưởng rằng chỉ có thể xử phạt kẻ bị hại khi nạn nhân “yêu cầu”!!!

Trong thời gian tuyệt vọng chờ quân đội điều tra, gia đình nữ trung sĩ Lee có gọi điện đến cho một nghị sĩ Quốc hội nhờ can thiệp. Nhưng sau đó mới phát hiện ra, vị nghị sĩ này ở thời điểm đó cũng chỉ ậm ừ cho qua, ông ta bận việc nên đã “quên” lời đề nghị giúp đỡ của gia đình nữ trung sĩ.

Hãy trả lại danh dự cho con gái tôi

Cha của nữ trung sĩ Lee chia sẻ: “Từ khi con gái tôi chết, hết ông này bà kia, tổ chức này, chính quyền nọ gửi vòng hoa đến viếng. Nhưng tôi đâu có cần tất cả những điều này.”

Hiện gia đình trung sĩ Lee chỉ lập bàn thờ tạm, quyết định không phát tang cho đến khi cuộc điều tra vụ việc quấy rối tình dục được làm sáng tỏ. Gia đình cũng chỉ nhận lời chia buồn tượng trưng tại khu tưởng niệm của bệnh viện, nhất quyết từ chối tiền phúng điếu.

Khi tổng thống Moon Jae In có mặt tại lễ tưởng niệm, bố mẹ nữ trung sĩ cũng chỉ nói một câu “Đề nghị tổng thống điều tra kỹ lưỡng để khôi phục danh dự cho con gái chúng tôi!”

Đi cùng với tổng thống Moon còn có Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook, tổng thống đã yêu cầu Bộ trưởng Suh Wook không chỉ tiến hành một cuộc điều tra làm rõ vụ việc mà còn phải thay đổi hệ thống quản lý quân đội.

Ông Moon nhấn mạnh quyết tâm loại bỏ hành vi này để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như nhân quyền của người lính. Có thể thấy vụ việc lần này không chỉ là sai lầm của một cá nhân mà còn là lỗi của hệ thống chỉ huy trong quân đội.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân quyền Hàn Quốc ngày 6/6/2021, trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2019, tức sau 7 năm, tỷ lệ nữ quân nhân tỏ ra hài lòng với cách giải quyết của quân đội trong những vụ quấy rối tình dục giảm từ 75.8% xuống còn 48.9%.

Đặc biệt, điều làm các nữ quân nhân e ngại là việc bảo vệ bí mật của nạn nhân bị quấy rối tình dục và ngăn chặn các tai nạn thứ cấp có thể phát sinh sau khi họ lên tiếng tố giác kẻ gây hại.

Bên cạnh đó, án xử cho kẻ bị hại cũng chỉ mang tính chất “giơ cao đánh khẽ”. Điển hình là trong 1.708 vụ xử về tội phạm quấy rối tình dục từ năm 2015 đến tháng 6/2020 thì chỉ có 175 trường hợp bị tuyên án.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).