Một nữ trung sĩ không quân Hàn Quốc vừa tự sát ngay sau khi đăng ký kết hôn với bạn trai 1 ngày. Cô không thể chịu được nỗi oan ức và sỉ nhục vì bị cấp trên quấy rối tình dục.

Vào tháng 3/2021, nữ trung sĩ bị ép tham gia một buổi liên hoan được tổ chức bên ngoài căn cứ với khoảng 5 sĩ quan tham gia dù bị cấm tụ tập không cần thiết do quy định giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.

Trên đường trở về nhà, cô bị cấp trên ngồi cùng xe quấy rối tình dục. Ngay sau đó, cô đã báo cáo sự việc này lên cho đơn vị, song người này không thực hiện bất cứ điều gì để bảo vệ cô và thậm chí còn thờ ơ khuyên cô nên hòa giải.

Kẻ quấy rối tình dục nữ trung sĩ là sĩ quan họ Jang. Hắn cùng gia đình và các sĩ quan cấp cao đồng đội khác liên tục gây sức ép, đe dọa và tìm mọi cách che đậy sự việc để thuyết phục nạn nhân rút đơn kiện.

Thông thường, khi tiếp nhận vụ án về quấy rối tình dục, cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ tách nạn nhân khỏi kẻ gây hại ngay lập tức. Nhưng tại đơn vị nơi nữ trung sĩ phục vụ, cô vẫn phải tiếp xúc hàng ngày, nhiều khi là phải đối mặt chỉ có 2 người với Jang và nghe hắn doạ dẫm.

Không chịu được áp lực, nữ trung sĩ xin nghỉ phép từ ngày 4/3 ~2/5/2021 và xin chuyển sang đơn vị khác. Đến ngày 18/5/2021, sau khi hết phép, cô được thuyên chuyển công tác từ Tiểu đoàn Cảnh sát quân sự thuộc Không đoàn chiến đấu 20 Không quân (ở thành phố Seosan) sang Tiểu đoàn 15 Không quân (ở thành phố Seonam).

Nhưng tại đây, cô tiếp tục bị đưa vào “danh sách đen” cần quản lý, giám sát chặt chẽ. 4 ngày sau khi chuyển tới đơn vị mới, cô đã tự tử ngay tại nơi ở của đơn vị (ngày 22/5/2021).

Trước khi chết, cô đã ghi âm lại toàn bộ quá trình, nguyên nhân khiến mình phải lựa chọn cái kết cực đoan này.

“나 이렇게 괴로운 상태에서 나를 힘들게 했던 사람들, 내가 억울하게 죽었다는 것을 엄마 아버지한테 보내주는 거예요. 엄마 아빠한테…” – Tôi muốn cho cha mẹ tôi biết là tôi đã chết oan ức như thế nào, những kẻ đã hành hạ tôi là ai…

Phía gia đình nữ trung sĩ cho biết, ngay từ ngày xảy ra vụ việc, cô luôn bị cấp trên thúc ép hòa giải; ít nhất cô đã bị thêm hai lần quấy rối tình dục, tố giác tổng cộng 3 người gây hại. Thậm chí bạn trai cô cũng nhận được tin nhắn “bữa tiệc hôm đó quá 5 người, vi phạm chính sách phòng dịch, nếu để lộ thì nhiều người sẽ bị ảnh hưởng.”

Cái chết của nữ trung sĩ không chỉ phản ánh vấn nạn quấy rối tình dục trong quân đội, mà còn phơi bày cách thức làm việc lấp liếm có hệ thống của cảnh sát quân sự thuộc lực lượng Không quân Hàn Quốc.

Khi nạn nhân báo cáo sự việc bị quấy rối tình dục lên cấp trên thì chính người này lại thờ ơ và chủ động thúc ép cô phải im lặng. Cảnh sát quân sự nhận được đơn khiếu nại, nhưng phải tới 2 tuần sau đó mới điều tra nghi phạm, họ cũng không bắt giữ hay tịch thu điện thoại của nghi phạm để đề phòng trường hợp nghi phạm tiêu huỷ chứng cứ.

Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ kể từ khi gia đình của nữ trung sĩ Lee gửi thỉnh nguyện thư tới văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 1/6/2021, kêu gọi tiến hành một cuộc điều ra và trừng phạt nghiêm khắc những người liên quan. Tính đến ngày 2/6/2021 đã có hơn 326.000 người ký vào đơn đề nghị này.

Đến ngày 2/6/2021, sĩ quan họ Jang là kẻ quấy rối tình dục đã bị cảnh sát quân đội áp giải lên trụ sở đơn vị để điều tra. Hai cấp trên của nữ trung sĩ Lee, một chuẩn úy và một thượng sĩ, cũng bị cách chức vì đã cố thuyết phục cô “hòa giải” với kẻ quấy rối tình dục.

Ngày 4/6/2021, Tổng tham mưu trưởng Không quân Lee Seong Yong đã tuyên bố xin từ chức để chịu trách nhiệm về vụ việc. Ông xin lỗi người dân, gửi lời chia buồn và an ủi sâu sắc tới gia quyến. Đơn xin từ chức này đã được tổng thống Moon Jae In phê chuẩn ngay lập tức.

Tổng thống Moon Jae In cũng đã trực tiếp ra chỉ thị điều tra nghiêm minh vụ việc, nếu cần có thể điều tra và xử lý ngay cả cấp cao nhất, bao gồm Tổng tham mưu trưởng Không quân và Bộ trưởng Quốc phòng. “Thật đau đớn khi nghĩ tới nạn nhân, cô ấy chắc hẳn rất tuyệt vọng”, phát ngôn viên Park Kyung Mee dẫn lời Tổng thống Moon Jae In.

Cũng trong sáng ngày 4/6/2021, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tiến hành khám xét với Viện Kiểm sát quân sự và Tiểu đoàn Cảnh sát quân sự thuộc Không đoàn chiến đấu 15 Không quân, tại trụ sở quân khu Gyeryongdae (cơ sở tổng hợp của Lục quân, Hải quân và Không quân tại thành phố Gyeryong, tỉnh Chungnam).

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cũng tiến hành khám xét với Tiểu đoàn Cảnh sát quân sự, Không đoàn chiến đấu 20, đơn vị đã phụ trách điều tra vụ việc hồi tháng 3. Không đoàn chiến đấu 15 là đơn vị mới mà nữ trung sĩ được chuyển tới và đã tự tử. Không đoàn chiến đấu 20 là nơi nạn nhân bị quấy rối tình dục và bị hại lần hai.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).