인천 21세기병원 – Bệnh viện thế kỷ 21 Incheon, một bệnh viện chuyên điều trị về cột sống, được Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc chứng nhận vừa bị phát hiện đã thực hiện hành vi “phẫu thuật thay thế” (대리수술).

Ngày 20/5/2021, đài MBC đã công khai một video dài 10 tiếng đồng hồ có cảnh trưởng phòng hành chính đang thay mặt bác sĩ trưởng khoa thực hiện phẫu thuật cột sốt cho bệnh nhân. Trong suốt 40 phút phẫu thuật, người đàn ông này đã thực hiện các khâu chuẩn bị, mở và đóng vết mổ, bác sĩ trưởng khoa chỉ xuất hiện vỏn vẹn đúng 5 phút để xử lý các khâu được cho là quan trọng nhất.

Trong các cuộc phẫu thuật khác cũng có cảnh một nhân viên quản lý ban hỗ trợ trị liệu tham gia tiến hành phẫu thuật, vấn đề là những người này đều không hề có bằng cấp chuyên môn.

Theo như những hình ảnh trong video clip thì cả ba bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện thế kỷ 21 Incheon đều chỉ xuất hiện tầm 5 phút và sau đó nhanh chóng rời khỏi phòng mổ để nhường cho những nhân viên không hề có chuyên môn xử lý. Trong thời gian ngắn ngủi trong phòng mổ, bác sĩ chính lên tiếng thông báo về quy trình phẫu thuật cho bệnh nhân một vài câu, còn tất cả những người khác đều im lặng. Như vậy là bệnh nhân sẽ tin tưởng và yên tâm là mình đang được bác sĩ trưởng khoa tiến hành phẫu thuật toàn bộ quá trình.

Theo đài MBC, lý do Bệnh viện thế kỷ 21 Incheon không thuê thêm bác sĩ mà giao cho các nhân viên ở bộ phận khác tiến hành “phẫu thuật thay thế” là để duy trì doanh thu của bệnh viện. Người công bố các video clip này cho đài MBC cũng là một nhân viên của bệnh viện và anh thấy cần phải sớm công khai cho người dân biết những gì đang xảy ra trong phòng mổ.

Luật pháp Hàn Quốc quy định, bất kỳ ai ra lệnh hoặc thực hiện các hoạt động y tế không giấy phép sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù giam và phạt tiền lên tới 50 triệu KRW (tương đương hơn 1 tỉ VND). Tuy nhiên, hành vi này rất khó để chứng minh bởi không có ghi chép nào cả, cũng như nhiều cơ sở không gắn camera trong phòng mổ.

Tuy nhiên, giới y tế lại phản đối việc này vì họ cho rằng việc lắp đặt camera quan sát là không cần thiết, vi phạm quyền riêng tư và khuyến khích sự thụ động trong quá trình hoạt động. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cũng đưa ra một tuyên bố phản đối dự luật với lý do sự hiện diện của camera giám sát có thể cản trở sự tập trung của bác sĩ phẫu thuật trong quá trình phẫu thuật và làm giảm khả năng tập trung thực hiện phẫu thuật.

Hiện tượng “phẫu thuật thay thế” (대리수술) còn được gọi với một tên gọi ám ảnh hơn là “bác sĩ ma” (요령의사). Tại sao gọi là bác sĩ ma? Rõ ràng trước khi được gây mê, bệnh nhân được một bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, nhưng khi đã ngấm thuốc và hoàn toàn không có ý thức gì thì lại có một bác sĩ khác xuất hiện đứng mổ thay cho bác sĩ ban đầu. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở các bệnh viện đa khoa mà còn xảy ra ở các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.

Theo tâm lý khách hàng, ai cũng muốn được bác sĩ trưởng khoa có tay nghề cao trực tiếp phẫu thuật cho mình. Nhưng trên thực tế, bác sĩ chính không thể đủ thời gian đảm đương hết các lịch này, và các bác sĩ trẻ nếu không được trực tiếp đứng mổ nhiều cũng sẽ không thể “lên tay”.

Vì vậy, nhiều bệnh viện thẩm mỹ chọn biện pháp khi tư vấn và ký hợp đồng thì bác sĩ trưởng khoa đứng tên, nhưng khi phẫu thuật thì các bác sĩ trẻ, hoặc thậm chí là y tá đứng ra xử lý.

Vào năm 2016, có một trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ và khi điều tra ra, đã phát hiện ra nguyên nhân sâu xa là do “bác sĩ ma” thực hiện.

Chàng trai Hàn Quốc Kwon Dae Hee 24 tuổi, muốn phẫu thuật sao cho khuôn mặt trở nên gọn gàng, cằm nhọn hơn và có xương quai hàm giống như các Idol trong K-Pop. Ngày 8/9/2016, anh đặt lịch phẫu thuật ở một bệnh viện thẩm mỹ lớn ở Gangnam, Seoul với chi phí 6.5 triệu KRW.

Trong quá trình phẫu thuật, Dae Hee bị chảy máu quá nhiều, phải chuyển gấp tới bệnh viện đa khoa và Dae Hee đã qua đời trong bệnh viện sau 7 tuần điều trị.

Mẹ của Kwon Dae Hee là bà Lee Na Geum đã tua đi tua lại đoạn video clip ghi lại ca mổ của con mình hàng trăm lần, mỗi lần xem là một lần tim bà đau thắt.

Ca mổ bắt đầu vào lúc 12:56 chiều, bác sĩ chính và 3 y tá bắt đầu thực hiện thao tác cắt xương hàm cho Dae Hee. Nhưng sau 1 tiếng đồng hồ, bác sĩ chính kia rời đi, một bác sĩ khác vào phòng thực hiện nốt ca mổ. Bác sĩ mới vào này chỉ là bác sĩ đa khoa, không có bằng phẫu thuật thẩm mỹ và chỉ mới ra trường.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, trong khi theo dự kiến trong hợp đồng thì chỉ kéo dài tối đa 2 tiếng. Trong toàn bộ thời gian này, có những lúc không có bác sĩ nào trong phòng mổ, sau khi các bác sĩ ra về hết, máu vẫn chảy lênh láng nhưng các y tá cứ để bệnh nhân trên giường bệnh mà trang điểm hoặc xem điện thoại. Tổng cộng, họ lau máu trên sàn 13 lần.

Sau khi Kwon Dae Hee bị mất máu quá nhiều và phải chuyển đến bệnh viện khác thì 9 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ chính mới đến văn phòng và có dấu hiệu muốn phi tang bằng chứng là camera giám sát.

Sau cái chết của con trai, mẹ của Kwon Dae Hee ngày nào cũng cầm bảng biểu tình trước cửa toà án để yêu cầu làm sáng tỏ về cái chết của con trai bà. Bà đã muốn những kẻ trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của con trai bà phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật.

Vào tháng 5/2019, gia đình thắng kiện, giành được số tiền bồi thường thiệt hại là 430 triệu KRW. Ba bác sĩ liên quan đến vụ án của Dae Hee hiện đang phải đối mặt với tội danh ngộ sát, hai bác sĩ và một trợ lý điều dưỡng phải đối mặt với tội danh hoạt động y tế không có giấy phép và một bác sĩ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật y tế do phóng đại trong quảng cáo.

Nhưng cơ sở thẩm mỹ trên vẫn hoạt động, vẫn tiếp tục quảng cáo “không tai nạn suốt 14 năm hành nghề”, và chỉ bị đóng cửa vào năm 2020. Hiện nay, mẹ của Kwon Dae Hee vẫn đang không ngừng đấu tranh để yêu cầu nhà chức trách đưa ra một dự luật bắt buộc đặt CCTV giám sát trong các phòng phẫu thuật – dự luật được đặt theo tên con trai bà: “Luật Kwon Dae Hee”.

Năm 2018, tỉnh Gyeonggi đã trở thành tỉnh đầu tiên ra luật bắt buộc lắp camera giám sát trong tất cả các phòng phẫu thuật do chính phủ điều hành. Kể từ ngày 1/5/2019, tất cả các phòng phẫu thuật tại sáu bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế tỉnh Gyeonggi do nhà nước điều hành đều có hệ thống camera quan sát. Các camera chỉ hoạt động khi có sự đồng ý của bệnh nhân.

Phía Tổ chức các bệnh nhân của Hàn Quốc mong muốn việc lắp đặt camera trong phòng mổ sẽ được triển khai trên toàn quốc. Họ cho biết dự luật là cần thiết, vì các cảnh quay của camera có thể đưa ra bằng chứng duy nhất cho các nạn nhân trong các trường hợp tranh chấp y tế.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).