Từ ngày 28/6/2023, luật “Thống nhất cách tính tuổi tròn” (만 나이 통일법) sẽ được chính thức áp dụng tại Hàn Quốc.

Thật ra kể từ năm 1962, Hàn Quốc đã ban hành luật tính tuổi của công dân dựa trên ngày sinh. Hay nói cách khác, tuổi Hàn Quốc chỉ tồn tại trong nhận thức và thông lệ xã hội. Thông thường ở các quốc gia khác, sự thay đổi về luật pháp như vậy sẽ dần dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, tuổi tác lại là một trong những yếu tố quan trọng giúp xác định thứ bậc, mối quan hệ nên mỗi người dân đều có hai tuổi: tuổi Hàn Quốc và tuổi quốc tế.

Sẽ có các cách nói tuổi ở Hàn Quốc như sau:

– 세는 나이: tuổi mụ

– 만 나이: tuổi tròn (tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau)

– 연 나이:  tuổi theo năm (lấy năm hiện tại trừ đi năm sinh)

Tuy nhiên, phương pháp tính tuổi mà người Hàn ngầm hiểu với nhau sẽ là “tuổi mụ” theo công thức: (Năm hiện tại – Năm sinh) + 1. 

Giả sử, một em bé được sinh ra vào ngày 1/1/2022, em bé này sẽ được 2 tuổi vào ngày 1/1/2023.

Nhưng nếu một em bé Hàn Quốc khác được sinh ra vào ngày 31/12/2022, em bé cũng mặc định được 2 tuổi vào ngày hôm sau, tức ngày 1/1/2023.

Hai ngày sinh nhưng chung một số phận! Đây chính là lý do các phụ huynh Hàn Quốc né tránh sinh con vào tháng 12 vì họ sợ con mình sau này sẽ phải học chung với những bạn bằng tuổi nhưng rõ ràng lớn hơn.

Thông thường, khi người Hàn giới thiệu tuổi của bản thân thường hàm ý “tuổi mụ”, và người nghe cũng ngầm hiểu như vậy. Cách tính tuổi mụ này chịu ảnh hưởng từ quan điểm đã ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc, đó là quý trọng sinh mệnh, nên tính cả thời gian từ lúc còn trong bào thai.

Người nước ngoài không hiểu truyền thống này sẽ thấy hoang mang và ấm ức khi bị…cộng tuổi ở Hàn Quốc. Nếu muốn nói rõ theo cách tính thông dụng quốc tế thì bao giờ cũng phải thêm chữ 만 vào phía trước tuổi. Ví dụ, 올해 만 19살이에요 (Năm nay em nó tròn 19 tuổi, “không thích tính tuổi mụ đâu”). Ngoài ra, người Hàn Quốc còn có cách nói “빠른 00 년생입니다” (Mình sinh sớm năm 00) cho những người sinh vào đầu năm.

Từ sau ngày 28/6/2023 trở đi, khi giới thiệu tuổi, bạn không cần thêm chữ “만” (tròn) vào trước tuổi, mà chỉ cần nói 올해 19살이에요 (Năm nay em 19 tuổi) là tất cả sẽ đều phải ngầm hiểu và công nhận đây là tuổi thực của bạn. Hiểu một cách đơn giản, mọi tiêu chuẩn sẽ đều lấy tuổi tròn dựa theo ngày sinh(만 나이), không cần giải thích vòng vo nữa.

Việc thống nhất phương pháp tính tuổi theo cách tính tuổi quốc tế (만 나이 통일법) lần này là biện pháp giúp loại bỏ chi phí kinh tế và xã hội cũng như nhầm lẫn và bất tiện trong cuộc sống của người dân.

Có thêm một ngoại lệ là Luật bảo vệ thanh thiếu niên ở Hàn Quốc (청소년보호법) sẽ vẫn áp dụng cách tính tuổi theo năm (연 나이), tức dựa theo năm sinh chứ không phải ngày sinh. Luật này quy định: Thanh thiếu niên là những người dưới 19 tuổi. Nhưng vào năm bạn được 19 tuổi, dù cho bạn sinh vào tháng nào, nhưng cứ sau ngày 1/1 (đầu năm) thì sẽ tính thành 20 tuổi, tức sẽ là người trưởng thành, đủ điều kiện mua rượu, bia, thuốc lá ở siêu thị.

Nguồn: https://tthq.cc/만나이통일법

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).