Khi nói chuyện, tiếp xúc với người Hàn Quốc, chắc hẳn chúng ta sẽ có cơ hội nghe thấy một số cách xưng hô như “양반” hay “마누라”. Đây là cách xưng hô không chính thống, nhưng lại mang đậm tính thổ địa và chứa đựng những câu chuyện lịch sử vô cùng thú vị. Các bạn hãy cùng TTHQ tìm hiểu về hai đại từ nhân xưng này nhé!

양반

Ở bán đảo Triều tiên, từ triều đại Goryeo – triều đại của quý tộc, xã hội bắt đầu hình thành một tầng lớp quý tộc chiếm một phần nhỏ trong xã hội gọi là ‘양반’.

Yangban có nghĩa là ‘lưỡng ban’ tức ‘hai hàng’ là tên gọi ghép của tầng lớp quý tộc xã hội Triều Tiên ngày xưa gồm: ban đông ‘동반’ tức là quan văn và ban tây ‘서반’ tức là quan võ. Sang triều đại Joseon thì tên gọi này để chỉ chung tầng lớp quan lại, quý tộc có chức vị trong triều đình nhà vua, ngay cả con cháu bà con dòng họ của tầng lớp này cũng được gọi chung thành Yangban.

Tuy nhiên đến cuối triều đại Joseon, đặc biệt là sau chiến tranh chống quân xâm lược Nhật Bản của người dân trên bán đảo Hàn Quốc vào thế kỷ XVI gọi là Imjinwaeran, tức “biến loạn Nhâm Thìn”(1592-1598), đa phần tầng lớp này bỏ của chạy lấy người, để người dân một mình chống chọi ngoại xâm. Vì vậy người dân cảm thấy vô cùng thất vọng, khinh ghét tầng lớp “Yangban” bỏ trốn này.

Đến thời gần cận đại (thế kỷ 19), khi kinh tế phát triển, dân buôn bán bắt đầu có tiền của cũng được quyền gia nhập giới Yangban, kết quả toàn bán đảo Hàn Quốc có đến gần 70% là Yangban, vì thế vị trí xã hội của tầng lớp này tụt xuống và cách gọi Yangban không còn được trang trọng như trước nữa.

Yangban được dùng như một từ nhân xưng ngôi thứ hai trong đời sống hàng ngày ở Hàn Quốc. Nếu như đại từ nhân xưng “너” (Mày), được dùng để gọi những người kém tuổi hoặc ngang hàng thì “Yangban” là được dùng như một đại từ nhân xưng ngôi số ba, tức là khi kể về một người lớn tuổi, có địa vị, có thể dùng “그 양반…., 저 양반….” (Cái ông đó, cái vị kia). Hoặc khi cãi nhau, va chạm trên đường “Yangban” được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, ví dụ như khi va chạm với một người đàn ông tầm tuổi trung niên trở lên, người Hàn Quốc cũng hay nói: “이 양반은 운전 똑바로 안해?” (Cái ông này lái xe phải cẩn thận vào chứ!)

마누라

Một cách xưng hô khác ngày xưa vốn được dùng với sắc thái trang trọng, nay lại hóa xuề xòa là từ ‘마누라’.

Nguồn gốc của từ này bắt nguồn từ thời nhà Nguyên (Mông cổ ngày nay) khi nhà nước này thống trị cả châu Á và một phần châu Âu hồi thế kỉ 12 đến 14 và trong thời gian nhà Nguyên thống trị Triều tiên(thời kì cuối của Goryeo) thì từ này cũng bắt đầu được sử dụng. Từ này ban đầu đọc là ‘마노라’ (Ma-no-ra) và khi đó là đại từ nhân xưng trang trọng dùng khi nô lệ hoặc người hầu gọi chủ nhân mình. Trong một thư sách có tên là Hàn Trung lục (한중록) còn ghi từ “Ma-no-ra” còn dùng để gọi những người có vị trí cao quý như “vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa…” không phân biệt nam nữ.

Ngày nay, từ “마누라” (Ma-nu-ra) trong tiếng Hàn được dùng như một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, khi một người đàn ông (từ trung niên trở lên) kể về vợ mình “우리 마누라” (bà vợ nhà tôi, bà xã nhà tôi). Đây là cách gọi xuề xòa nên chỉ được dùng để nói về vợ mình thôi, còn khi đề cập đến…vợ người thì phải chuyển sang cách nói trang trọng là “부인” (Phu nhân) hay “아내” (vợ).

Nhân tiện, chúng ta cũng có thể bàn một chút về hiện tượng chuyển nghĩa đại từ nhân xưng thú vị trong Tiếng Việt. Bạn bè hay gọi nhau là “Cậu- Tớ“. Nhưng trước đây, trong quan hệ người chủ-người làm hay đầy tớ thì người làm (người ở đợ, làm công cho nhà giàu) phải gọi chủ mình là “cậu” và xưng “tớ”. Từ “cậu” còn là cách gọi em trai của mẹ ở miền Bắc hay gọi bố đẻ là “cậu”, gọi mẹ là “mợ” ở miền Nam thời xưa. Qua sự biến đổi của thời gian, mà “cậu- tớ” dần dần trở thành cách gọi bạn bè thân mật, gần gũi; đặc biệt được dùng nhiều ở miền Bắc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).