Số ca nhiễm COVID-19 mới ngày 31/8 là 248 ca, trong đó có 238 ca nội địa (hơn 20% bệnh nhân không rõ nguồn lây) và 10 ca ngoại nhập, 324 ca tử vong.

Số ca nhiễm liên quan đến nhà thờ Sarang Jeil ở thủ đô Seoul là 1.035 ca, liên quan đến cuộc biểu tình ngày Quốc khánh Hàn Quốc hôm 15/8 tại quảng trường Gwanghwamun là 369.

Xét theo khu vực, thủ đô Seoul có 91 ca, tỉnh Gyeonggi 79 ca, thành phố Incheon 13 ca, thành phố Gwangju (miền Nam Hàn Quốc) và tỉnh Chungnam mỗi nơi 9 ca, thành phố Daejeon 6 ca, thành phố Ulsan, tỉnh Jeonnam và đảo Jeju mỗi nơi 5 ca, thành phố Busan và thành phố Daegu mỗi nơi 4 ca, tỉnh Gangwon 3 ca, tỉnh Bắc Gyeongsang 2 ca, thành phố hành chính Sejong, tỉnh Jeonbuk và tỉnh Gyeongnam mỗi nơi 1 ca.

Hệ thống y tế quá tải vì thiếu nhân lực

Hệ thống y tế của Hàn Quốc đang gặp quá tải vì số ca nhiễm tăng và các bác sĩ Hàn Quốc đang tham gia tổng đình công. Nhiều ca phẫu thuật tại một số bệnh viện đa khoa trực thuộc trường đại học bị hoãn vì thiếu nhân lực, gây không ít bất tiện cho bệnh nhân.

Trước tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc đã căn cứ Luật y tế, ban lệnh yêu cầu các bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa đang đình công tại Seoul và khu vực lân cận quay lại làm việc. Theo bộ luật trên, Chính phủ có thể ban lệnh yêu cầu các bác sĩ quay lại làm nếu có lý do chính đáng dẫn đến lo ngại cản trở công tác khám chữa cho bệnh nhân.

Các trường hợp không tuân thủ lệnh của Chính phủ mà không có lý do xác đáng sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề hoặc phạt tù tối đa ba năm, hay phạt hành chính 30 triệu KRW (25.300 USD).

Tuy nhiên, Hiệp hội y học Hàn Quốc (KMA) đã lên tiếng phản đối, gọi Luật y tế là “đạo luật có thể vi hiến”, đồng thời cảnh báo sẽ phản kháng mạnh mẽ nếu bất cứ bác sĩ nào bị xử phạt hành chính hay tố cáo hình sự do tham gia đợt tổng đình công từ ngày 26/8.

Hiệp hội bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã tiến hành đình công lần đầu vào ngày 7/8, và tiếp tục vào các ngày 14, 21/8. Kể từ ngày 21/8, các bác sĩ nội trú đã tuần tự xin nghỉ phép năm để tham gia đình công vô thời hạn. Hiệp hội y học Hàn Quốc cũng tổ chức cuộc tổng đình công lần hai trên phạm vi toàn quốc trong vòng ba ngày, từ ngày 26/8.

Tính đến trưa 27/8, có 68,6% bác sĩ nội trú, 28,1% bác sĩ chuyên khoa, 8,9% bác sĩ tại các bệnh viện quy mô nhỏ tham gia đình công.

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) cho biết họ luôn cởi mở với mọi cuộc đàm phán cùng chính phủ, thêm rằng các bác sĩ cũng không muốn đình công.

“Chúng tôi thực sự muốn trở lại. Chúng tôi yêu cầu công dân lắng nghe tiếng nói của chúng tôi để chúng tôi có thể gặp bệnh nhân càng sớm càng tốt”, KMA ra tuyên bố.

Tại sảnh của Bệnh viện Asan Seoul, bệnh nhân và người giám hộ đang nhìn bảng giải thích bối cảnh cuộc đình công, phía dưới là chồng áo choàng trắng – biểu tượng cho cuộc đình công của các bác sĩ Hàn Quốc.

Lý do các bác sĩ Hàn Quốc biểu tình

Vậy tại sao trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” này, các bác sĩ Hàn Quốc lại tiến hành đình công bất chấp việc họ có thể bị phạt hoặc tước bằng?

Sau đây là một số tóm tắt về lý do đình công của các y bác sĩ Hàn Quốc.

Đơn vị lãnh đạo cuộc đình công: Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) và Hiệp hội bác sĩ nội trú Hàn Quốc (KIRA)

Đối tượng các bác sĩ tham gia đình công: bác sĩ thực tập và nội trú ở các bệnh viện đa khoa và bác sĩ tại bệnh viện quy mô nhỏ ở các khu dân cư và các phòng khám trên toàn quốc

Thời gian đình công: Chia làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 14/8, đợt 2 từ ngày 21/8 đến nay)

4 lý do đình công của các bác sĩ Hàn Quốc

  1. Chính sách tăng 400 sinh viên y khoa 1 năm của chính phủ.

⇢ Theo chính phủ Hàn Quốc: So với các nước phát triển OECD, Hàn Quốc đang bị thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ nên cần bổ sung sinh viên y khoa trong 10 năm tới để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Cụ thể sẽ ưu tiên tuyển chọn sinh viên y khoa ở các vùng thiếu thốn điều kiện khám chữa bệnh.

⇢ Theo Hiệp hội y khoa Hàn Quốc: Việc tăng số lượng bác sĩ không giải quyết được vấn đề cốt lõi và chỉ làm rối loạn thị trường lao động ngành y, chính phủ cần thiết lập chế độ đãi ngộ thích đáng để khuyến khích các bác sĩ giỏi về công tác tại địa phương.

Ở Hàn Quốc vẫn còn tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng thường đến các bệnh viện hàng đầu ở thành thị, nơi có cơ sở vật chất tốt nhất và bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm nhất. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ phải đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện địa phương và có chế độ đãi ngộ tốt mới có thể cân bằng sự phân bố không đồng đều của đội ngũ y tế trên toàn quốc.

Ngày 23/8, các bác sĩ ở Bệnh viện trường đại học Kondae cởi áo choàng tham gia đình công.

2. Chính sách thành lập các trường y khoa mới

⇢ Chính phủ sẽ tuyển chọn bác sĩ địa phương theo chế độ Tuyển chọn đặc biệt (특별 입학전형), có hỗ trợ tối đa về học bổng, quy trình đào tạo và các bác sĩ theo chế độ này bắt buộc phải làm việc tại địa phương trong 10 năm.

⇢ Theo Hiệp hội y khoa Hàn Quốc: Tuyển chọn bác sĩ không dựa trên đánh giá năng lực khách quan, chỉ dựa vào chế độ tiến cử của quan chức địa phương sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và tính cạnh tranh công bằng của ngành y. Thêm vào đó, việc giới hạn 10 năm làm việc tại một địa phương vi phạm quyền tự do làm nghề của bác sĩ và sẽ gây ra hiện tượng bác sĩ đổ dồn về khu vực thủ đô sau khi kết thúc thời hạn làm việc này.

3. Áp dụng bảo hiểm quốc dân cho các đơn thuốc Đông y

⇢ Chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên bảo hiểm hoá các đơn thuốc Đông y thuộc ba lĩnh vực Di chứng bệnh mạch máu não, liệt dây thần kinh mặt, đau bụng kinh. Mục đích là để người dân có cơ hội lựa chọn khám chữa bệnh cũng như điều trị với kinh phí rẻ hơn.

⇢ Theo Hiệp hội y khoa Hàn Quốc: Đơn thuốc Đông y chưa được kiểm chứng về hiệu quả và độ an toàn, nếu áp dụng bảo hiểm sẽ gây ra những tai nạn y tế khó kiểm soát về sau.

4. Điều trị từ xa cho các bệnh nhân bị cảm, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thông qua điện thoại hoặc video trực tuyến

⇢ Mục đích: bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế khỏi nhiễm virus hoặc bị cách ly trong bối cảnh hầu hết các cơ sở hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên.

⇢ Hiệp hội y khoa Hàn Quốc: Chính phủ chỉ đưa ra đường hướng chung chung mà chưa có các biện pháp hỗ trợ cụ thể bởi khám bệnh online làm tăng nguy cơ chẩn đoán sai cho bệnh nhân, đặc biệt là khi các triệu chứng của người nhiễm dịch COVID-19 dễ bị nhầm lẫn với cúm hoặc cảm lạnh thông thường. (Tuy nhiên đây không phải là điểm tranh chấp chính trong đợt đình công này)

Diễn biến hiện tại

KMA đặt điều kiện chính phủ phải rút lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì tổ chức này mới hủy bỏ cuộc đình công. Tuy nhiên, Bộ Y tế Hàn Quốc tuyên bố sau khi các bác sĩ quay lại làm việc, chính quyền sẵn sàng đối thoại kỹ hơn về việc mở rộng quy mô đào tạo y khoa nhưng sẽ không từ bỏ kế hoạch này.

Người phát ngôn Bộ Y tế Hàn Quốc Son Young Rae cho biết vấn đề tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã được cộng đồng y khoa nước này thảo luận trong nhiều năm qua. Do đó, việc hủy bỏ kế hoạch theo yêu cầu của một nhóm, chống lại sự đồng thuận của cộng đồng là điều không thể chấp nhận được.

Trước đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun lấy làm tiếc vì các bác sĩ đình công giữa lúc họ cần đoàn kết để “bảo vệ tính mạng người dân trong tình huống nghiêm trọng như đại dịch COVID-19”.

Thủ tướng Chung cảnh báo sẽ áp dụng hình phạt “cao nhất” theo quy định của pháp luật đối với các bác sĩ tham gia đình công bất hợp pháp nếu họ không chấp hành lệnh yêu cầu quay trở lại làm việc.

Trước đó, Tổng thống Moon Jae In cũng cho rằng, các nhà chức trách cần phản ứng “mạnh mẽ”. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min Seok cho biết, Tổng thống Moon Jae In chỉ thị xử lý nghiêm cuộc đình công theo “đúng quy định của pháp luật” cùng với nỗ lực tiếp tục thuyết phục người biểu tình quay trở lại làm việc. Ông Moon Jae In yêu cầu chính phủ đảm bảo điều hành hiệu quả hệ thống chăm sóc y tế khẩn cấp, không để phát sinh “lỗ hổng y tế”.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).